Cách đây tròn 30 năm ngày 16/7/1990 Hội người mù huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội được thành lập đây là mốc son trong đời sống xã hội của người khiếm thị. Trải qua bao bước thăng trầm, gắn liền với lịch sử đất nước và tình hình chính trị, kinh tế xã hội của địa phương. Bằng những việc làm thực tiễn, hiệu quả, huyện/hội đã làm thay đổi lớn lao diện mạo đời sống người khiếm thị huyện nhà.

Ảnh: Hội người mù huyện đón nhận Huân chương Lao động

Để chuẩn bị thành lập tổ chức Hội, với sự quan tâm, giúp đỡ của Hội người mù thành phố Hà Nội, tháng 8 năm 1989 Phòng LĐTBXH đã cử 2 người khiếm thị tham gia học chữ nổi tại Trung tâm Becna. Đầu tháng 7 năm 1990, Ban Chấp Hành lâm thời được thành lập. Với phương châm “Dà từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động người khiếm thị tham gia sinh hoạt Hội.

Sau thời gian hội tụ các yếu tố cần và đủ, ngày 19/7/1990,đại hội lần thứ nhất đã long trọng tổ chức tại hội trường UBND huyện. Đại hội thống nhất lấy tên Hội là Chi hội người mù huyện Phúc Thọ và bầu ra Ban chấp hành gồm 3 người , do ông Đỗ Tài là Chi hội trưởng (đến năm 1993 đổi tên là Hội người mù huyện Phúc Thọ) như ngày nay.

Thuở bình minh của tổ chức gặp muôn vàn khó khăn. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nước ta mới chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, cả nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới.

Ảnh: Anh Kiên hội viên HNM Phúc Thọ đang làm Tẩm quất

Kinh tế huyện nhà đang chuyển dịch từ thuần nông sang nền kinh tế nhiều thành phần. Công nghiệp, dịch vụ đang từng bước phát triển. Cùng với đó là tình hình lạm phát, giá cả leo thang, thiên tai, dịch bệnh... đã ảnh hưởng tới đời sống mọi tầng lớp nhân dân. Nhất là cộng đồng người khiếm thị - nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Trong khi đó cán bộ Hội còn nhiều bỡ ngỡ trong công việc nên phải vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm.

Từ 7 hội viên ban đầu, sau gần 1/3 thế kỷ hoạt động, qua 7 kỳ đại hội, hiện nay Huyện hội đã thành lập được 15 Chi hội với 136 hội viên, bao gồm đầy đủ các nhóm đối tượng như: bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, cán bộ công chức, người bị tai nạn, mù bẩm sinh … vào sinh hoạt trong tổ chức Hội.

Muốn đạt được mục tiêu “vì hạnh phúc người mù”, cán bộ hội phải thường xuyên bám sát những sự kiện chính trị của đất nước, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mặt khác phải sâu sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, từ đó xây dựng chương trình hoạt động thiết thực phù hợp.

Huyện hội luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động; thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm... Với nội dung quán triệt các nghị quyết của Đảng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập Điều lệ Hội, mở các lớp dạy chữ nổi, dạy nghề, dạy tin học, động viên người khiếm thị học tập dưới mọi hình thức, làm tốt công tác truyền thông, tổ chức các chuyến thăm quan, du lịch, Liên hoan nghệ thuật quần chúng, sinh hoạt các loại hình Câu lạc bộ,tham gia đóng góp vào các quỹ xã hội... Do đó dân trí và nhận thức xã hội của hội viên đã được nâng lên. Hội viên và gia đình người mù luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương, Điều lệ Hội, không tham gia vào các điểm nóng.

Ban chấp hành đã tổ chức cơ sở sản xuất tập trung với mặt hàng chính là tăm các loại, đầu tư cho hội viên vay hơn 4 tỷ đồng vốn từ QQG, vốn của các tổ chức phi chính phủ CARE, ADRA, cây, con giống giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Thông qua đơn vị 30 người khiếm thị được đào tạo nghề Tẩm quất cổ truyền. Nhiều anh chị em phát huy nghề đã học, tự đứng ra mở cơ sở dịch vụ không chỉ giải quyết công việc cho bản thân, gia đình mà còn giúp nhiều bạn đồng tật có việc làm.

Huyện hội tích cực xã hội hóa hoạt động, tạo nguồn lực nhằm chăm sóc đời sống vật chất hội viên. Duy trì chế độ thăm hỏi hiếu hỷ, khi hội viên gặp hoạn nạn, hỗ trợ người mù sửa nhà, làm nguồn nước sạch, tặng quà vào các dịp lễ tết, khuyến học cho học sinh, sinh viên khiếm thị và con hội viên, tích cực kết nối với ngành LĐTBXH để người mù sớm được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, phối hợp với UBMTTQVN huyện và cộng đồng làm hàng chục ngôi nhà đại đoàn kết.

Nhờ những giải pháp phù hợp, hiệu quả nên đời sống vật chất của hội viên đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 85% khi mới thành lập xuống còn 7,3% như hiện nay. Hầu hết các hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố, trong đó có 21 % nhà cao tầng, 133 hội viên được trợ cấp thường xuyên theo tinh thần Nghị định 28/CP, các chế độ khác và được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100 % hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và 36 người thường xuyên tham gia giao thông được cấp thẻ xe bus miễn phí.

Suốt chiều dài 30 năm ra đời và hoạt động, Hội người mù Phúc Thọ luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân. cán bộ, hội viên Hội người mù Phúc Thọ luôn đoàn kết nhất trí, vượt qua khó khăn tật nguyền, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn vị đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng ba, UBND thành phố Hà Nội trao tặng 3 cờ thi đua giành cho đơn vị có phong trào xuất sắc, Trung ương Hội người mù Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tây, UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen cho 28 tập thể và 23 cá nhân, các sở, ban, ngành, Hội người mù Hà Tây, Hội người mù Hà Nội, Huyện ủy, UBND và UBMTTQVN huyện, tặng nhiều giấy khen cho các tập thể và cá nhân. Trung ương Hội người mù Việt Nam đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù” cho 59 đồng chí lãnh đạo, cán bộ các phòng ban và cán bộ hội.

Phát huy bề dày truyền thống 30 năm phấn đấu và trưởng thành, Ban chấp hành xây dựng chương trình công tác giai đoạn tiếp theo với những nội dung cơ bản:

Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, tư duy đổi mới, tâm huyết với công việc, có trình độ để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng, qui hoạch cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Chú trọng công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, nhằm tạo động lực cho cán bộ, hội viên nỗ lực phấn đấu trong hoạt động Hội.

Mở rộng các mô hình sản xuất phù hợp, quan tâm đến công tác dạy nghề và tìm kiếm việc làm giúp hội viên giảm nghèo bền vững. Trong những năm tới phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tương đương với tỷ lệ này ở khu dân cư.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đào tạo nâng cao dân trí cho người khiếm thị. Nhất là tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, hội viên tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người khiếm thị “Tàn nhưng không phế”, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên đề hàng năm.

          Hoạt động của Hội người mù Phúc Thọ giai đoạn mới có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng với sự quan tâm trách nhiệm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, cán bộ hội viên Hội người mù Phúc Thọ chung sức, chung lòng xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, là điểm tựa để người khiếm thị vững bước trên con đường tương lai, rực rỡ ánh sáng của tình nhân ái.

 

Đàm Quyết Tiến

Hội người mù Phúc Thọ