Ngày nay, ở Việt Nam, ngành công tác xã hội đang ngày càng phát triển và phát huy được những thế mạnh trong lĩnh vực an sinh xã hội. Vậy Nghề CTXH có phù hợp với người khiếm thị? Và có thể coi là một nghề bền vững cho người khiếm thị không? Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi mong muốn chia sẻ cùng bạn đọc về sự bền vững của nghề CTXH khi nó được triển khai đào tạo cho người khiếm thị. 

Với nhận thức rằng: Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với quan điểm của Chính phủ là: - Giải quyết vấn  đề xã hội không chỉ thuộc vào nhà nước mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, của gia đình, của bản thân  đối tượng; Và quan điểm của quốc tế về người khuyết tật là: “ Nothing about us without us, không có gì liên quan đến chúng tôi mà không có chúng tôi.   

Trên phương diện khoa học nghề CTXH được xác định với 4 chức năng sau:

1.      Chức năng phòng ngừa: Với quan điểm tiếp cận phòng hơn chữa, chức năng đầu tiên của CTXH là phát hiện vấn đề, phát hiện sớm, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn cá nhân, gia đình và cộng đồng rơi vào tình huống khó khăn chứ không phải để đối tượng lâm vào hoàn cảnh khó khăn rồi mới giúp đỡ. Chức năng phòng ngừa của CTXH thể hiện qua các hoạt động giáo dục, phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về luật pháp, chính sách xã hội và sự tôn trọng quyền cơ bản của con người, những vấn đề xã hội. Đơn cử như hoạt động giáo dục cộng đồng về kiến thức Luật phòng, chống bạo lực gia đình hay tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bệnh tật v.vBên cạnh đó chức năng phòng ngừa còn thể hiện thông qua các hoạt động xây dựng văn bản, chính sách xã hội góp phần cải thiện và nâng cao đời sống, ngăn chặn gia tăng đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

2.       Chức năng can thiệp: Chức năng can thiệp (còn được gọi là chức năng chữa trị hay trị liệu) nhằm trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết vấn đề khó khăn họ đang phải đối mặt. Với từng vấn đề và với mỗi đối tượng khác nhau, nhân viên công tác xã hội sẽ có phương pháp can thiệp hỗ trợ riêng biệt. Ví dụ với những đối tượng có khó khăn về tâm lý, nhân viên công tác xã hội sẽ cung cấp dịch vụ tham vấn để đối tượng vượt qua khó khăn về tâm lý. Với những vấn đề phức tạp, cần nhiều nguồn lực, nhân viên công tác xã hội cần tìm kiếm, điều phối và kết nối các dịch vụ, nguồn lực xã hội đến với đối tượng. 

3. Chức năng phục hồi: Chức năng phục hồi của CTXH thể hiện ở việc giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng khôi phục lại chức năng tâm lý, xã hội đã bị suy giảm lấy lại trạng thái cân bằng trong cuộc sống. Thông qua các hoạt động phục hồi, nhân viên công tác xã hội giúp cho đối tượng trở lại cuộc sống bình thường, hoà nhập cộng đồng. Ví dụ như giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng hay giúp trẻ lang thang trở về đoàn tụ với gia đình; giúp người nghiện, người hành nghề mại dâm trở lại cuộc sống bình thường, tái hoà nhập cộng đồng v.v.

4. Chức năng phát triển: CTXH thực hiện chức năng phát triển thông qua các hoạt động xây dựng luật pháp, các chính sách, chương trình dịch vụ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng phát triển khả năng của mình tham gia lao động hay các hoạt động xã hội như mọi công dân khác đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chức năng phát triển còn giúp đối tượng tăng năng lực và tăng khả năng ứng phó với các tình huống và  có nguy cơ cao dẫn đến những vấn đề khó khăn cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ví dụ như xây dựng luật pháp, chính sách trợ giúp đối tượng yếu thế hay giải quyết các vấn đề xã hội, các chương trình quốc gia về giảm nghèo, chăm sóc bảo vệ trẻ em, các dịch vụ trực tiếp cung cấp kiến thức giúp phát triển cá nhân như kỹ năng sống, kỹ năng làm cha, mẹ, v.v.

 Như vậy, nếu đem những chức năng cơ bản của Nghề CTXH so sánh với những kết quả hoạt động của Hội người mù mấy chục năm qua ta cũng thấy rõ bản chất của những việc làm hay kết quả của Hội đều chứa đựng bóng dáng, mầu sắc của 4 chức  năng Phòng ngừa; Can thiệp; Phục hồi; Phát triển của Nghề CTXH. Kết quả đó chính là những hành trình tiếp nối hành trình giúp cho hàng chục ngàn người khiếm thị nhận thức đúng về những khả năng tiềm tàng của bản thân, tự vươn lên, tự lựa chọn hoặc tự quyết định những thay đổi cuộc sống của chính mình và đưa họ từng bước hòa nhập vào cộng đồng. Vì thế có thể khẳng định  rằng:Khi người khiếm thị được đào tạo  và có đủ năng lực của một nhân viên CTXH thì họ sẽ làm những công việc bấy lâu đã làm một cách có bài bản hơn, chuẩn đích hơn, sẽ đem lại một hiệu ứng xã hội tốt hơn. Hoạt động của tổ chức Hội người mù sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn. Không chỉ giải quyết được việc làm lâu dài cho những người đang làm việc trong tổ chức của người khiếm thị mà những người khiếm thị khi được đào tạo Nghề CTXH còn có thể tham gia làm trong các tổ chức xã hội khác của địa phương nơi họ sinh sống. Điều đó không chỉ góp phần tích cực giải quyết vấn đề nghề nghiệp cho một bộ phận công dân có nhiều khó khăn nhất trong xã hội mà các mục đích, mục tiêu của Nghề CTXH cũng được đi sâu, gắn liền với cộng đồng khuyết tật khiếm thị hơn. Như vậy có thể khẳng Định rằng: -Đối với người khiếm thị, Công tác xã hội là một nghề rất gần gũi và thuận lợi trong quá trình tiếp thu kiến thức và thực hiện các hoạt động của nghề. Điều đặc biệt khi nghề được đào tạo cho người khiếm thị là tạo ra những nhân viên công tác xã hội là người khuyết tật lại chính là đối tượng “ thân chủ” của nghề. Điều đó sẽ rất tốt cho người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Việc Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Người Mù Hà Nội được cấp phép đào tạo nghề Công tác xã hội cho người khiếm thị là một bước đột phá trong lĩnh vực đào tạo nghề Công tác xã hội của Việt Nam. Không chỉ dừng ở trình độ sơ cấp mà sau khi được đào tạo những người khiếm thị có khả năng nếu muốn sẽ được đào tạo liên thông lên trình độ trung cấp, cao đẳng. và Nghề CTXH sẽ là nghề để người khiếm thị phát huy khả năng của mình đóng góp vào tiến trình phát triển chung của xã hội; Đồng thời họ cũng sẽ có một cuộc sống ổn định hơn, có nhiều cơ hội việc làm bền vững hơn và trong đà phát triển chung của xã hội thì nghề CTXH cũng ngày càng trở nên không thể thiếu, thậm trí còn phát triển mạnh mẽ hơn.   

 

Trần Trung Hiếu