I. Thực trạng nguồn nhân lực và nhu cầu
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 6.000 người khiếm thị, trong số đó có trên 30% còn trong độ tuổi lao động rất cần được học nghề và hỗ trợ các hình thức tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Năm 2014, trung tâm dạy nghề đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của 1600 người khiếm thị đang trong độ tuổi lao động, kết quả có 180 người có nhu cầu đăng ký học nghề Công tác xã hội. Bên cạnh đó, trong cuộc thống kê gần đây nhất của Hội người mù thành phố Hà Nội, đội ngũ cán bộ làm việc trong 30 tổ chức Hội cấp quận/huyện có 135 người, trong đó: 48 người là nữ tỷ lệ 35,55%; người có Trình độ Đại học – Cao đẳng có 43 người đạt tỷ lệ 31,85 %; trình độ trung cấp và Trung học phổ thông có 34 người chiếm 25,18%. Còn lại 41,97% là người có trình độ phổ thông cơ sở. Điều đáng nói hơn là không có một người nào đã được đào tạo về nghề Công tác xã hội. Như vậy có thể thấy rằng nhu cầu đào tạo nghề Công tác xã hội nhằm mục đích chuẩn hóa, nâng cao năng lực cho hàng trăm cán bộ các cấp Hội người mù Thành phố Hà Nội cùng các Tỉnh vùng lân cận là rất cần thiết và cấp bách. 
Trong khuôn khổ bài tham luận này chúng tôi mong muốn gửi tới quý vị những nhận định về sự cần thiết, tính cấp bách của việc đào tạo nghề công tác xã hội cũng như nhu cầu đào tạo nghề CTXH cho người khiếm thị ở Hà Nội.
II. Tại sao người khiếm thị cần đào tạo Nghề công tác xã hội? 
Kính thưa quý vị đại biểu!
Ở Việt Nam, ngành công tác xã hội đang ngày càng phát triển và phát huy được những thế mạnh trong lĩnh vực an sinh xã hội. Mục tiêu của đề án 32 đặt ra là đến năm 2020, mỗi năm nước ta cần phải đào tạo và đào tạo lại 3,500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Đây là một nhiệm vụ hết sức to lớn và cũng là một thách thức đối với ngành công tác xã hội ở Việt Nam. Hội người mù đã có đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhiều năm, thực hiện nhiều chương trình trợ giúp người khiếm thị đạt hiệu quả. Tuy nhiên, họ lại chưa được đào tạo bài bản, phần đông là làm trái ngành nghề, kiêm nhiệm, chưa được trang bị kiến thức hay những kỹ năng cần thiết của người làm công tác xã hội. Do chưa được đào tạo chuyên nghiệp, chính quy, đúng chuyên môn nên họ làm việc theo trực giác, giải quyết các trường hợp, tình huống bằng kinh nghiệm là chủ yếu, chưa có những phương pháp hay kỹ năng cần thiết của Nghề công tác xã hội nên hiệu quả giải quyết các vấn đề chưa cao và thiếu tính bền vững. Cùng với đó, nhận thức về nghề công tác xã hội của xã hội nói chung còn rất mới mẻ, sự phát triển và đào tạo cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực này chưa được hình thành một cách đồng bộ. Mạng lưới nhân viên cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp.Với nhận thức rằng: Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời với quan điểm của Chính phủ là: - Giải quyết vấn đề xã hội không chỉ thuộc vào nhà nước mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, của gia đình, của bản thân đối tượng; Điều đó phù hợp với quan điểm của quốc tế là: “Nothing about us without us”, không có gì liên quan đến chúng tôi mà không có chúng tôi. 
CTXH là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị có hoàn cảnh khó khăn, mất chức năng hoạt động như nhóm người khuyết tật. Sứ mạng của ngành CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu: Những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng. Tiến trình CTXH tập trung vào việc: 
- Phát hiện những mối quan tâm của con người: ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý-tình cảm, ...;
- Xác định các nhu cầu của con người: ví dụ nhu cầu về ăn, ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...;
- Xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (Nguồn lực bên trong: sức khoẻ, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác. Nguồn lực bên ngoài: sự hỗ trợ của chính quyền, nhà nước, giáo dục, y tế, chính sách nhà nước, giúp đỡ của các tổ chức, cộng đồng.
Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và mục tiêu để đáp ứng các nhu cầu của đối tượng cần trợ giúp.
Như vậy, nếu nhìn lại kết quả hoạt động của Hội người mù mấy chục năm qua chúng ta cũng thấy rõ bản chất của những việc làm hay kết quả của Hội đều chứa đựng bóng dáng, mầu sắc của 4 chức năng Phòng ngừa; Can thiệp; Phục hồi; Phát triển của Nghề CTXH. Kết quả đó chính là những hành trình nối tiếp hành trình giúp cho hàng chục ngàn người khiếm thị khám phá ra những khả năng tiềm tàng của bản thân, tự lựa chọn hoặc tự quyết định những thay đổi cuộc sống của chính mình và đưa họ từng bước hòa nhập vào cộng đồng. Vì thế có thể khẳng định rằng: Khi nhu cầu đào tạo nghề CTXH của người khiếm thị được đáp ứng, Hội người mù thành phố Hà Nội sẽ có được đội ngũ cán bộ nhân viên CTXH đủ năng lực để tiếp tục thực hiện những công việc bấy lâu đã làm một cách có bài bản hơn, chuẩn đích hơn, sẽ đem lại những hiệu ứng xã hội tốt hơn. Hoạt động của tổ chức Hội người mù sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn. Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ người khiếm thị cũng sẽ đạt chất lượng cao hơn và bền vững hơn. Đồng thời, nó không chỉ giải quyết được việc làm lâu dài cho những người đang làm việc trong tổ chức của người khiếm thị mà những người khiếm thị khi được đào tạo Nghề CTXH còn có thể tham gia làm trong các tổ chức xã hội khác của địa phương nơi họ sinh sống. Điều đó không chỉ góp phần tích cực giải quyết vấn đề nghề nghiệp cho một bộ phận công dân có nhiều khó khăn nhất trong xã hội mà các mục đích, mục tiêu của Nghề CTXH cũng được đi sâu, gắn liền với cộng đồng khuyết tật, khiếm thị hơn. Có thể thấy rằng, đối với người khiếm thị, Công tác xã hội là một nghề rất gần gũi và thuận lợi trong quá trình tiếp thu kiến thức và thực hiện các hoạt động của nghề. Điều đặc biệt khi nghề được

đào tạo cho người khiếm thị là tạo ra những nhân viên công tác xã hội là người khuyết tật lại chính là đối tượng “ thân chủ” của nghề. Điều đó sẽ rất tốt cho người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung.

III. Triển vọng và cơ hội phát triển với nghề Công tác xã hội của người khiếm thị 
Việc Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Người Mù Hà Nội mới đây được cấp phép đào tạo nghề Công tác xã hội cho người khiếm thị là một bước đột phá trong lĩnh vực đào tạo nghề Công tác xã hội của Việt Nam, phù hợp với tiêu chí xây dựng mô hình từ cấp cơ sở của đề án 32 được chính phủ phê duyệt. Đây chính là một kết quả của quá trình thực hiện định hướng của đề án về hình thành hệ thống công tác xã hội chuyên nghiệp ở Việt Nam. Cơ cấu của các mô hình này vừa có thể ở trong hệ thống quản lý của nhà nước, vừa có thể nằm trong hệ thống các tổ chức phi chính phủ nhưng tất cả đều hưởng những tác động trực tiếp và nằm trong sự vận hành của hệ thống phúc lợi xã hội nói chung. Sau khi được đào tạo tại Trung tâm dạy nghề của Hội người mù Hà Nội Các học viên có khả năng nếu muốn sẽ được đào tạo liên thông lên hệ trung cấp, cao đẳng và nghề CTXH sẽ là nghề để người khiếm thị phát huy khả năng của mình đóng góp vào quá trình phát triển chung của xã hội; Đồng thời, tiếng nói của người khuyết tật được thể hiện rõ trong tiến trình xây dựng luật và hệ thống chính sách cho chính người khuyết tật. Ngoài ra, họ có được cơ hội tiếp cận dịch vụ để giải quyết vấn đề của bản thân, phát huy được những khả năng của mình, vượt qua khó khăn, vươn lên tự lập trong cuộc sống. Bằng hoạt động giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề cho cá nhân, gia đình và cộng đồng người khiếm thị, người khiếm thị sẽ hoà nhập hơn với cộng đồng; sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện tăng cường giao lưu và học hỏi xã hội, cũng sẽ có một cuộc sống ổn định hơn, có nhiều cơ hội việc làm hơn, bền vững hơn. Vì thế vai trò của các tổ chức Hội người mù hay cán bộ Hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng truyền tải những giá trị nhân văn của Nghề công tác xã hội đến với người khiếm thị nói riêng và cộng đồng nói chung.

Dưới đây là hình ảnh Robot Viebot do nhóm các nhà khoa học ViệnViện Nghiên cứu điện tử, Tin học, Tự động hóa – Bộ Công Thương đang thực hiện chức năng hỗ trợ đưa người khiếm thị vào vị trí bàn đại biểu tại Hội thảo

 

 Nguồn Trung tâm dạy nghề