Ngày 11.10, Trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù TP Hà Nội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) tổ chức Hội thảo “Nhu cầu đào tạo nghề Công tác xã hội cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”.                        

·          Toàn thành phố có 98.792 người khuyết tật (chiếm 1,3% dân số), trong đó, thanh niên khuyết tật trong độ tuổi (16-30 tuổi) là 29.284 người, người khuyết tật có khả năng lao động là 20.992 người. Người khuyết tật có nhu cầu học nghề là 3.465 người.

Công tác xã hội là một nghề hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

 

Hội thảo “Nhu cầu đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.Ảnh PV

Trải qua 45 năm hoạt động, Hội người mù đã có những đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhiều năm, thực hiện nhiều chương trình trợ giúp người khiếm thị đạt hiệu quả. Đối với người khiếm thị, Công tác xã hội là một nghề rất gần gũi và thuận lợi trong quá trình tiếp thu và thực hiện các hoạt động của nghề. Đặc biệt, đào tạo nghề cho người khiếm thị là tạo ra những nhân viên công tác xã hội.

Trung tâm Dạy nghề của Hội đã được cấp phép đào tạo nghề công tác xã hội trình độ sơ cấp. Đây là tín hiệu vui đến với người khiếm thị Thủ đô. Từ sự cho phép đó, những người khiếm thị sẽ có thêm một nghề mới, mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.

 

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội đề xuất cơ quan chức năng nên có những dự án nghiên cứu khoa học về các công cụ trợ giúp cho người khuyết tật. Bộ LĐTBXH nghiên cứu khai thác từ thực tiễn phát triển nghề phù hợp và phát huy lợi thế với người khiếm thị, người khuyết tật. Bên cạnh đó, chúng ta nên phối hợp để có hoạt động chung lôi cuốn được nhiều tổ chức cơ quan và nhà hoạt động kinh tế kỹ thuật để người khuyết tật làm việc hiệu quả hơn.

Theo https://laodong.vn