Bài phỏng vấn ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm dạy nghề - Hội người mù TP Hà Nội

Thưa ông, chặng đường đưa nghề công tác xã hội đến với người khiếm thị Hà Nội đã diễn ra như thế nào?

Nghề công tác xã hội là một nghề mới được nhà nước ban hành và đưa vào danh sách nghề để thống nhất đào tạo trong phạm vi cả nước hơn 10 năm qua. Nghề còn rất mới mẻ đối với nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có cả người khiếm thị. Nhận biết được sự phù hợp và ích lợi của nghề công tác xã hội đối với người khiếm thị, Trung tâm dạy nghề đã tổ chức xây dựng chương trình, thẩm định, xin phép các cơ quan nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của Sở LĐTBXH Hà Nội.

Ảnh: Ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm day nghề Hội người mù TP Hà Nội

Tháng 5/2017, Trung tâm đào tạo nghề đã được cấp phép đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị. Tháng 10/2017, Trung tâm tổ chức một buổi hội thảo để truyền thông về nhu cầu học nghề và nghề công tác xã hội cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố. Ngay sau đó, thực hiện sự chỉ đạo của Hội người mù TP Hà Nội, Trung tâm liên tục tổ chức các chương trình tuyên truyền và tuyển sinh. Cho đến ngày khai giảng hôm nay, Trung tâm đã nhận được hồ sơ và thống nhất được 36 học viên tham gia vào khóa học đầu tiên về đào tạo nghề công tác xã hội.

Ảnh: Toàn cảnh hội trường

Nhu cầu học nghề công tác xã hội của người khiếm thị là rất lớn, số người đăng ký là lớn hơn con số 36 nhưng khóa đầu tiên Trung tâm sẽ tập trung, tạo điều kiện cho các học viên có đủ tiêu chuẩn nhất tham dự vào khóa học đầu tiên kéo dài trong 6 tháng. Thành phần gồm có các cán bộ chủ chốt, các cán bộ nguồn tại hội người mù quận huyện.

Nội dung chương trình đào tạo sẽ có điểm gì nổi bật thưa ông?

Các học viên sẽ được học 16 modun, trong đó có 13 modun lý thuyết, 2 modun thực hành, 1 modun tổng kết. Nội dung này đã được chúng tôi và các thầy cô giáo chuyên ngành công tác xã hội trường ĐH Lao động Xã hội và ĐH Khoa học tự nhiên nghiên cứu, biên soạn phù hợp nhất đối với người khiếm thị.

Các học viên hoàn thành 16 modun trong quá trình học sẽ hoàn toàn tự tin và đủ điều kiện tham gia vào hội người mù, hội người khuyết tật và các tổ chức cộng đồng khác. Các học viên cũng có thể có cơ hội làm việc tại những cơ quan phi chính phủ trong lĩnh vực công tác xã hội.

Thưa ông, để tiếp cận với giáo trình một cách tốt nhất, các học viên sẽ được trang bị phương pháp học như thế nào?

Trong khóa học, các học viên sẽ được tiếp cận với phương thức học rất mới và tiên tiến. Các giáo trình dạy nghề công tác xã hội sẽ được đưa vào định dạng Daisy Book và phần mềm Amis – là một định dạng sách mới tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Để có thể sử dụng được định dạng, phần mềm này, các học viên cần trang bị cho mình điện thoại thông minh và máy tính cá nhân phù hợp. Ngoài ra, nội dung giáo trình còn được chúng tôi biên soạn dưới dạng âm thanh rất thuận tiện cho người sử dụng trên máy tính và radio.

Hy vọng và mong muốn của ông trước buổi học đầu tiên lớp đào tạo nghề công tác xã hội?

Lễ khai giảng hôm nay có một ý nghĩa rất đặc biệt, bởi nó khởi đầu mở ra cho người khiếm thị một nghề mới – nghề công tác xã hội. Với đầy đủ yếu tố quan trọng và theo đúng các quy định của nhà nước về nghề, nghề đào tạo công tác xã hội dành cho người khiếm thị là nghề đạt tiêu chuẩn, chuẩn mực về trình độ sơ cấp của nhà nước, đặc biệt tiếp sau đó cơ hội học tập của các học viên sẽ được rộng mở hơn, các học viên có thể tiếp tục học liên thông lên trung cấp hoặc cao đẳng tại các trường đại học có chuyên ngành công tác xã hội.

Nghề công tác xã hội khi được đào tạo cho đối tượng là người khiếm thị sẽ tạo ra giá trị kép – những giá trị nhiều hơn là chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho một người học nghề. Người khiếm thị sau khi học xong nghề công tác xã hội sẽ có việc làm cho bản thân, đồng thời sẽ có những chương trình, hoạt động, dịch vụ trợ giúp xã hội cho người khiếm thị khác. Những người khiếm thị không tham gia vào lớp đào tạo nghề công tác xã hội nhưng vẫn được hưởng lợi từ chương trình này.

Các học viên tham gia vào khóa học đầu tiên này có vai trò rất quan trọng. Đây là những học viên tiên phong học nghề công tác xã hội, sau đó sẽ chuyển thành những hoạt động tích cực cho người khiếm thị trong tổ chức hội cơ sở của mình. Bên cạnh đó, các học viên sẽ tham gia vào quá trình cảu xã hội và thực hiện đề án 32 của Chính phủ về việc xây dựng mạng lưới dịch vụ công tác xã hội ở địa bàn khu dân cư.

Xin cảm ơn ông!

 

Thành nguyễn (thực hiện)