(HNM Hà Nội) - “Mỗi trang đời là một điều kì diệu” M.Gorki đã từng nói như thế và điều đó làm chúng ta cảm động khi lật dở những trang đời của những người khuyết tật không chịu thua số phận.

Những người tàn nhưng không phế là những con người không chấp nhận mình là kẻ vô dụng, luôn cố gắng vươn lên, rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Quanh tôi có rất nhiều người bất hạnh nhưng họ luôn không ngừng cố gắng vượt qua số phận. một trong số những con người tuyệt vời ấy chính là chú Nguyễn Đình Năm. Tôi khâm phục chú bởi vì qua chú tôi tìm được sự đồng cảm, sự đồng cảm của những người phải nỗ lực từng chút, từng chút một làm quen với bóng tối và hòa nhập vào cuộc sống mới.

Chàng trai trẻ Nguyễn Đình Năm ở Yên Thường - Gia Lâm ba mươi tám năm về trước đã bị mất đi ánh sáng sau một vụ tai nạn. Cậu thanh niên mười bảy tuổi nhiệt huyết ấy bàng hoàng nhận ra mọi hoài bão đã bị dập tắt cùng với đôi mắt không còn được thấy ánh mặt trời. Nhưng cũng chính nhờ nhựa sống tràn đầy của tuổi trẻ mà cậu thanh niên Nguyễn Đình Năm không chịu khuất phục số phận. Chú tin rằng không có hoàn cảnh tuyệt vọng mà chỉ có con người tuyệt vọng vì hoàn cảnh. Người khiếm thị đầu tiên chú gặp được để tìm hiểu về tổ chức hội là ông Lê Hồng Thủy - chủ tịch thành hội người mù và chú biết rằng chỉ có tổ chức của hội người mù mới là nơi phù hợp với chú, mới là nơi đáng tin cậy để chú có thể tự tin bộc lộ khả năng của mình. Khi đó Gia Lâm chưa có tổ chức nào dành cho người khiếm thị nhưng với lòng quyết tâm tìm ra lối đi khác, chú không quản xa xôi tìm đến với hội người mù Đông Anh. Tại nơi ấy, chú nhận được tình cảm ấm áp, sự sẻ chia, quan tâm chân thành của những người cùng cảnh. Chính những con người ở đó đã giúp chú trở nên phấn chấn, ý chí bừng sáng. Cố gắng hòa nhập vào cuộc sống người khiếm thị, chú kiên trì một mình ngày ngày đi bộ từ Yên Thường - Gia Lâm đến hội người mù Đông Anh để làm quen với chữ Braille, học nghề và sinh hoạt hội. Thật sự phải mạnh mẽ như thế nào mới có thể vừa tự mình cân bằng tâm lí sau sự mất mát to lớn lại vừa đối mặt và vượt qua những khó khăn ban đầu?

Con đường nào cũng có đích đến, đồng thời cũng có đầy chông gai ngay ở nơi bắt đầu và chướng ngại vật. Con đường mà chú phải đi lại càng không bằng phẳng. Năm 1980, ngay sau khi hội người mù Gia Lâm được thành lập, chú chuyển về sinh hoạt và góp sức xây dựng hội tại đó, đồng thời đi làm về biến thế điện ở hội Hoàn Kiếm. Những năm 80, mặc dù điều kiện sống còn nghèo nàn, phương tiện đi lại không thuận tiện, chú vẫn rất tích cực di chuyển giữa ba nơi là nơi làm việc ở hội người mù Hoàn Kiếm, cơ sở hội người mù Gia Lâm và nhà ở tạo thành một vòng tròn khép kín. Chú luôn khâm phục những người khiếm thị tuy tàn nhưng không phế mà không biết rằng bản thân chú cũng trở thành một tấm gương sáng cho bao số phận. Chú Nguyễn Đình Năm không chỉ được tiếp thêm nghị lực từ  những người đồng tật để rồi chiến thắng số phận mà còn giúp những người thiệt thòi khác thoát ra khỏi hoàn cảnh bế tắc của chính họ. Dựa vào sự nỗ lực không ngừng, khả năng, những gì chú đạt được và tính ôn hòa, ấm áp, các hội viên tin tưởng, tín nhiệm đã bầu chú làm ủy viên ban chấp hành, phó chủ tịch và giờ là chủ tịch hội người mù Gia Lâm. Chú coi huyện hội là ngôi nhà thứ hai, dành hết tình cảm và thời gian của mình cho hội. Từ một người bước qua ranh giới của sự tuyệt vọng, luôn hướng về phía trước, giờ đây chú trở thành niềm tự hào của những hội viên hội người mù Gia Lâm. Toàn thể hội viên yêu quý, kính trọng chú như một người cha, người chú, người anh và cũng là một người bạn tốt. Người chủ tịch hội thân thiện dạy chữ, tạo điều kiện cho các hội viên học nghề và luôn chăm lo đến đời sống của hơn hai trăm hội viên đã giúp cho nhiều cá nhân trở thành người có ích, nhiều gia đình có kinh tế ổn định. Để làm được một người lãnh đạo tốt của ngày hôm nay, chú của ngày hôm qua đã không ngừng cố gắng học hỏi, rèn luyện các kĩ năng và  hoàn thiện bản thân. Không phải là người đặt nền móng đầu tiên cho sự thành lập của hội người mù Gia Lâm nhưng chú là người giúp cho những viên gạch ấy gắn kết lại một cách chặt chẽ và giúp cho hội không ngừng phát triển vững mạnh, đoàn kết. Trên cương vị một người lãnh đạo, công tác đạt hiệu quả cao nên chú Nguyễn Đình Năm đã nhận được rất nhiều kỉ niệm chương và bằng khen của ủy ban thành phố Hà Nội, thành hội người mù…… Nhìn vào những gì chú đạt được, tôi thật sự hi vọng mọi người hãy thấu hiểu tất cả những gian khổ chú đã phải trải qua.

Số phận nghiệt ngã dù khiến cho  màn đêm dăng kín trước mắt chú nhưng chú tìm kiếm hạnh phúc cho mình nhờ ánh sáng trong tâm hồn. Khi nói về gia đình của mình, chú Nguyễn Đình Năm đã nở nụ cười hạnh phúc. Tuy là một người khiếm thị nhưng chú vẫn là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa cho người vợ hiền và hai người con. Giờ đây, gia đình nhỏ đã trở thành gia đình lớn, hai vợ chồng chú đã lên chức ông bà nội, ông bà ngoại. Công việc thuận lợi, gia đình hài hòa chính là kết quả xứng đáng với quá trình chú phấn đấu.

Trước kia, người khiếm thị phải đối mặt với cái nhìn kì thị của xã hội nhưng giờ đây sự kì thị  đang dần dần trở nên mờ nhạt chính là nhờ những người khiếm thị không ngừng cố gắng xóa đi khoảng cách rộng lớn ấy. Và chính những tấm gương không khuất phục số phận, luôn tạo ra động lực cho mình giống như chú Nguyễn Đình Năm đã trở thành cầu nối giữa người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng với cộng đồng. Tuy cách nói, cách nghĩ, cách làm và đóng góp cho xã hội khác nhau, người khiếm thị luôn có chung  quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “tàn nhưng không phế”.

Có lẽ quá trình cống hiến hết mình của chú Nguyễn Đình Năm dành cho tổ chức hội người mù sẽ đọng lại trong mỗi người một cảm nhận khác nhau. Riêng đối với tôi, đó là ngọn lửa - lửa cho tôi cũng như những người trẻ nhìn vào mà phấn đấu, nhìn vào mà nhận ra rằng khó khăn chỉ là nấc thang nâng tầm nghị lực và là bàn đạp cho những người có đam mê gặt hái thành công trong cuộc sống.



Tạ Hồng Liên.