(HNM Hà Nội) - Tôi vốn dĩ là một người bình thường lành lặn. Lời dạy của Bác “ Tàn nhưng không phế ” tôi chỉ được biết qua sách vở và các phương tiện truyền thông. Nay trở thành người khiếm thị, câu nói đó có ý nghĩa rất tích cực trong đời sống của tôi. Hưởng ứng cuộc thi: Người mù thực hiện lời dạy của Bác, tôi mạnh dạn chia sẻ với các bạn đôi điều mà xưa nay tôi hằng cất giữ.

Tốt nghiệp trường tài chính, tôi lên xe hoa với một anh chàng kinh doanh ngành lâm sản. Cất kỹ tấm bằng kế toán, gói gọn ước mơ hoài bão của một cô gái tuổi đôi mươi. Tôi ở nhà phụ chồng kinh doanh và sinh con. Những tưởng cuộc sống cứ vậy trôi đi, nào ngờ hạnh phúc chẳng tày gang! Khi con lớn của tôi năm tuổi, con nhỏ còn đang trong bụng mẹ, thì chồng tôi mắc bệnh nan y. Anh ấy bỏ lại ba mẹ con tôi bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời.

Đau đớn tột cùng, nhiều lần tôi định chạy trốn. Nhưng sinh linh bé nhỏ trong bụng quẫy đạp rất mạnh, khiến tôi không thể ra tay. Sau khi sinh con tôi bị trầm cảm , mẹ lo lắng lắm, ngày đêm thủ thỉ vào tai tôi: Hãy bình tâm trở lại, nếu tôi có mệnh hệ gì, hai con tôi sẽ mồ côi bơ vơ tội lắm.

Nghe lời mẹ, tạm gác đau khổ sang một bên, tôi quyết định ra Hà Nội lập nghiệp, để lại hai con nơi quê nhà, mang theo trong lòng nỗi nhớ thương day dứt và một khoảng không vô định. Nơi đô thành phồn hoa náo nhiệt, mà sao lúc nào tôi cũng thấy lòng mình lặng lẽ cô đơn. Với tấm bằng kế toán, tôi xin được việc ở một công ty thương mại. Tận dụng hết mọi cơ hội học hỏi từ bạn bè, một năm sau tôi mở được cửa hàng kinh doanh Điện thoại. Tôi miệt mài lao động kiếm tiền, ngày nào cũng vậy, tan sở tôi lại tất bật ở cửa hàng tới 10 giờ khuya mới về nhà trọ. Guồng quay công việc cứ vậy trôi đi, năm năm sau tôi mua được mảnh đất nhỏ và tự xây nhà. Đó là thành quả của tôi - Cái thành quả mà tôi đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, mồ hôi rơi cho những lao động nhọc nhằn nơi đất chật người đông, nước mắt rơi cho sự khắc khoải nhớ thương các con mà từng ngày tôi phải nén chịu.

Xây nhà xong, tôi đón hai con xuống trong niềm vui xen lẫn lo lắng của cha mẹ, bởi là một người mẹ đơn thân, liệu tôi có đủ sức chống đỡ những khắc nghiệt nơi đô thành, mà nuôi dạy hai con khôn lớn. Khi đứa nhỏ mười tuổi, cũng là cái giỗ thứ mười của chồng tôi. Đúng như lo lắng của cha mẹ, nhiều yếu tố khách quan khiến cuộc sống của tôi vô cùng mệt mỏi. Có lần tôi đọc bài văn tả về bố, về gia đình của cậu con trai nhỏ. Những lời văn thơ ngây của con, sao tôi có cảm giác như những mũi kim đâm vào trái tim tôi vậy! Đặc biệt là sự ngưỡng mộ của con khi thấy bạn bè được bố đưa đón đi học, khiến tôi thấy mình như kẻ vô dụng. Con tôi có lỗi gì đâu, mà sao sinh ra chưa một lần được gọi bố? Bất giác! Tôi mơ màng nghĩ tới việc đi tìm bố cho con mình, để con tôi được gọi bố, được bố đưa đón đi học mỗi ngày, và tôi cũng có một bờ vai để dựa sau những lo toan căng thẳng của cuộc sống thường nhật. Vậy là tôi quyết định đi thêm một bước nữa. Những tưởng ông trời sẽ bù đắp cho mẹ con tôi một người đàn ông tốt. Nào ngờ, tôi đã đặt niềm tin không đúng chỗ. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu do tôi không tìm hiểu kỹ hay do số phận chưa buông tha tôi? Mọi người nói tôi hồng nhan bạc phận! Có ai nghĩ một phụ nữ xinh đẹp đảm đang như tôi, mà lại chật vật trên con đường kiếm tìm hạnh phúc đến thế! Chính người đàn ông đó đã biến tôi thành kẻ mù lòa, tàn tật. Phát hiện mục đích anh ta tiếp cận mình là vì tài sản, tôi đã gửi đơn ly hôn, anh ta không chấp nhận nên đã ra tay sát hại tôi.

Tỉnh lại, biết mình đang ở bệnh viện, hai mắt nhắm chặt. Tôi đau bởi những ca phẫu thuật cắt thịt, vá da, đau bởi con tim lầm đường lạc lối, đau vì sợ hãi không biết từ nay hai con tôi sẽ sống ra sao, làm tôi đi không đi được, đứng không đứng được, ngồi không ngồi được, nằm bất động trên giường với chằng chịt ống xông, dây chuyền. Trước mắt tôi, tương lai mù mịt, tối đen, sâu thăm thẳm.

Trở về nhà, với tấm thân tàn tật, mù lòa. Ý nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình luôn thường trực trong tôi. Không ít lần tôi đã tìm cách tự giải thoát, nhưng mỗi lần định thực hiện thì hình bóng hai con cứ chới với khiến tôi day dứt không đành. Tôi tự an ủi mình: Hãy cố gắng đứng dậy, tìm hạnh phúc trong nỗi bất hạnh mà số phận đã an bài. Với quyết tâm, mình sẽ là con đò chở các con tới ngày cập bến. Nhưng, giờ đây sức khỏe chỉ còn 5 phần trăm, với vô vàn thương tật, tôi sẽ bắt đầu từ đâu? Bằng cách nào? Tôi miên man suy nghĩ, bỗng chốc câu nói: “Tàn nhưng không phế” của Bác Hồ văng vẳng đâu đây. Đúng rồi, tôi bây giờ đã là người tàn tật. Nhưng tôi sẽ cố gắng sống, để gia đình và xã hội nhìn nhận, tôi “Tàn nhưng không phế”.

Bắt đầu lại từ công việc kinh doanh, tôi chủ động liên lạc với mấy người bạn cùng làm ăn trước kia, ngỏ ý muốn hợp tác. Thật may mắn, có người đã nhiệt tình giúp tôi. Với hình thức kinh doanh gián tiếp, lợi nhuận không được như trước, nhưng tôi đã có một khoản thu nhập để chi phí sinh hoạt và trong lòng bớt đi sợ hãi bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Tuy vậy, cuộc sống của tôi vẫn gói gọn một cách rất khiêm tốn. Tôi muốn hòa mình trở lại với nhịp sống xã hội, nên đã gia nhập Hội người khiếm thị. Tôi bắt đầu học hỏi từ các bạn đồng tật cách định hướng di chuyển, cách tự làm việc nhà, cách giao tiếp của người khiếm thị. Vào hội tôi được học chữ nổi, học nghề xoa bóp tẩm quất, được tham gia nhiều hoạt động bổ ích. Đặc biệt, từ khi biết đến hội, tôi đã chủ động sử dụng lại được điện thoại di động và máy tính. Tôi nhớ mãi cảm giác đôi tay tôi run run, đặt lên bàn phím rất nhẹ nhàng, tôi sợ mạnh tay chúng sẽ vỡ tung giống như cuộc đời tôi vậy.

Thế rồi tôi mê mải đọc báo, lên mạng trò chuyện với bạn bè. Không biết từ khi nào, tôi thấy thích thú với việc viết lách. Tuy rằng mới vào hội, nhưng tôi có khá nhiều tin bài được phát trên VOV Giao Thông, trên Tạp chí Tri thức và Đời sống của Hội người mù Hà Nội. Vào hội được ba tháng, tôi được hội cử tham gia cuộc thi: Tìm hiểu truyền thống lịch sử và phụ nữ Việt Nam nhân dịp 20 – 10. Thật bất ngờ, tôi đã đạt giải nhất. Tôi nhớ rất rõ lời động viên của đồng chí Chủ tịch hội: Chúc mừng chị, sau 5 năm ẩn dật mà kiến thức không mai một là bao, cố gắng lên chị nhé! Vì những lời động viên đó, và muốn đóng góp một chút công sức của mình, nên các cấp hội tổ chức bất kỳ cuộc thi viết nào, tôi đều tham gia. Vào hội sáu tháng, tôi được BCH bầu làm chi hội trưởng phường Cổ Nhuế 2, tôi luôn ý thức giữ gìn đoàn kết nội bộ, nỗ lực học hỏi để vươn lên, nhiệt tình tham gia phong trào, hoạt động hội. Ngoài thời gian dành cho việc kinh doanh, tôi làm việc nhà, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng sống cho các con. Lúc rảnh rỗi, tôi đọc báo, viết tin bài, đọc sách chữ nổi để trau rồi kiến thức và nâng cao khả năng đọc viết chữ nổi của mình.

Tôi biết khá nhiều người khiếm thị rất giàu nghị lực. Họ đã vươn lên để trở thành những thầy cô giáo, ca sĩ nhạc sĩ, chủ cơ sở kinh doanh, hiệp sĩ tin học … Ở bất kỳ lĩnh vực nào đều rất xuất sắc. Họ xứng đáng để nhiều người noi gương học hỏi.

Hiện nay, một bộ phận xã hội còn có cái nhìn khá thiển cận về người khiếm thị. Một hôm, con trai tôi vừa đi học về, một bác hàng xóm hỏi: Bác hỏi thật mày, xe máy này ai mua cho cháu? Con tôi trả lời: Mẹ cháu mua. Bác ấy lại hỏi: Mày nói thật đi, có phải dì hay ông bà ngoại mày mua cho không? Con tôi trả lời giọng hơi khó chịu: Sao bác lại nói vậy? Khi cháu đỗ đại học, mẹ cháu mua chiếc xe mới đăng ký tên cháu làm quà … Bác ấy không nói gì nữa, nhưng tôi cảm giác bác ấy không tin. Tại sao người ta cứ nghĩ , người khuyết tật thì không thể làm được những điều mà người lành lặn làm được nhỉ? Tôi mong các bạn hãy thay đổi cách nhìn nhận về người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, từ suy nghĩ nhân đạo sang nhân quyền. Bởi chúng tôi đã và đang rất nỗ lực chiến đấu trong cuộc chiến tinh thần, trí tuệ , vật chất, chỉ khác là chúng tôi lặng lẽ ở một góc độ nhỏ, hẹp hơn các bạn mà thôi .

Với tôi, lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác giống như kim chỉ nam, là niềm tin, động lực để tôi vượt lên chính tôi, minh chứng với mọi người: Dẫu rằng đã là người khiếm thị, nhưng tôi vẫn hoàn thành bổn phận của một người vừa làm cha vừa làm mẹ. Tôi vẫn nuôi dạy các con ăn học đủ đầy như khi còn sáng mắt. Tôi không những không là gánh nặng cho gia đình, mà còn có thể giúp đỡ người thân khi họ cần sự trợ giúp.

Để lời dạy của Bác có ý nghĩa lan tỏa trong cộng đồng, chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua rào cản, nói với xã hội rằng: Chúng tôi đã và sẽ là những chủ thể làm chủ bản thân, có đủ khả năng tham gia vào mọi khía cạnh đời sống của xã hội và thực hiện tốt lời dạy của Bác: “Tàn nhưng không phế”.



Lỗ Thị Uyên Phương.