(HNM Hà Nội) - Mặc dù cả chủ và nhân viên đều là người Khiếm thị nhưng cơ sở tẩm quất của Phùng Văn Toản luôn tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng mặt trời từ những ô cửa sổ. Ánh sáng điện lúc tối trời. Sáng hơn cả là ánh sáng từ những đôi tay cần mẫn. 

Cả chủ là năm lao động, họ sống yêu thương đùm bọc nhau như anh em một nhà. Với mức thu nhập khoảng ba triệu đồng một tháng đời sống của những người giúp việc cho anh được đảm bảo. Nhân viên toàn là người địa phương nhưng do đặc điểm khuyết tật của người khiếm thị, họ vẫn phải ở nơi làm việc.

Bạn Vương Thị Lanh nhân viên xoa bóp, nhận xét: “Mặc dù nhà em trong thị xã nhưng em vẫn ở lại cùng với các bạn, ở đây thoải mái như nhà mình. Ai không may có sức khỏe không tốt, được anh Toản và gia đình giúp đỡ như người thân. Giờ nghỉ trưa và tối muộn, nếu có khách yêu cầu, anh Toản tự tay làm, cho chúng em được nghỉ.”

Người dân ở thôn Tân Phú, xã Sơn Đông thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, ai cũng biết đến cơ sở tẩm quất của chàng trai Khiếm thị hai sáu tuổi. Vì mỗi khi mệt nhọc họ tới nơi đây đều được anh tiếp đón ân cần niềm nở…

Ba mẹ đều làm nông nghiệp kinh tế khó khăn, nên Toản rất thông cảm với những người nông dân chân lấm tay bùn, ai cần thư giãn đều được Toản cử nhân viên giỏi xoa bóp và thu vé cũng ít tiền hơn, xóm làng ai cũng yêu quý anh. “Tiếng lành đồn xa” số người cần thư giãn đến với toản ngày một nhiều.

Bác Lê Văn Kỉ ở thị xã Sơn Tây, khách hàng quen của Toản cho biết: “Các cháu ở đây tay nghề rất tốt, đặc biệt là Toản có tay nghề rất cao, làm dư một chút thời gian cháu cũng không tính tiền thêm. Người thân và bạn bè cần thư giãn, tôi đều giới thiệu tới đây.”

Nhờ đó mà cả những ngày mùa đông, anh vẫn lo đủ đời sống cho nhân viên của mình. Người dân quê thường tới thư giãn vào buổi tối, trừ mình, hôm nào Toản cũng sắp xếp cho hai nhân viên được nghỉ sớm. Những ngày nắng nóng của mùa hè, khách hàng đông, nguyên tắc đó cũng không thay đổi.

Ba mẹ Toản rất thông cảm với những người đồng tật với con trai mình. Ngơi việc ruộng đồng lúc nào là ông bà tới giúp đỡ các con những việc cần bàn tay người sáng mắt. Bác Thảo bố của Toản tâm sự: “Tôi có ba đứa con, trời chỉ cho một cháu là sáng mắt. Tôi coi các cháu Khiếm thị như là con của mình.”

Trong gia đình Toản phải chịu thiệt thòi hơn anh trai là không được học ở trường chuyên biệt vì gia đình quá khó khăn, không đủ khả năng đóng góp cho hai con. Năm 12 tuổi Toản tham gia lớp học tiền hòa nhập tại tỉnh Hội người mù Hà Tây. Sau đó Toản phải vào học Tiểu học tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương; điều kiện khó khăn, mấy năm Toản mới được về thăm nhà một lần.

Anh tâm sự: “Ngày tết bạn bè về hết, một mình ở lại trung tâm, nhớ nhà đến chảy cả nước mắt, quanh đi quẩn lại chỉ có tiếng chân của mình.” Toản lấy việc học làm vui; bằng tính cần cù, ham học hỏi, thời gian học ở trung tâm Toản cũng được thầy cô và bạn bè yêu mến.

Mặc dù chỉ được học hết bậc Trung học phổ thông nhưng anh là người có ý thức tự học cao. Toản tự học tiếng anh và tự tìm hiểu về công nghệ thông tin bằng các tài liệu chữ Braille. Các nhân viên ở cơ sở xoa bóp của Toản cho biết: Rảnh lúc nào là anh ngồi vào máy tính, đọc và nghiên cứu, không khi nào thấy anh không có việc làm.

Mặc dù chưa được tham dự các lớp đào tạo chính quy về công nghệ thông tin, nhưng anh không chỉ tự cài đặt được nhiều phần mềm hỗ trợ người khiếm thị và phần mềm ứng dụng người khiếm thị có khả năng dùng được mà Toản còn tự viết được một số phần mềm hỗ trợ người hỏng mắt; như phần mềm hỗ trợ người khiếm thị cài đặt các bộ tổng hợp tiếng nói.

Thầy giáo Lê Trung Cường, trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng nhận xét: “Nhờ có bộ hỗ trợ cài đặt người khiếm thị sử dụng máy tính ở mức độ trung bình cũng cài được phần mềm cho riêng mình. Thời gian cài trình đọc màn hình Jaws và các phần phụ trợ giảm còn một phần ba.”

Người Khiếm thị sử dụng vi tính rất khó khăn. Ví dụ như khởi động phần mềm Microsoft Office Word người mắt sáng chỉ cần kích chuột vào biểu tượng chương trình trên màn hình là xong. Người khiếm thị phải qua các bước như sau: nhấn Windows+M lên màn hình nền, nhấn chữ M khi nghe phần mềm Jaws đọc là Microsoft Office Word, nhấn Enter, mới chạy được chương trình.

Muốn chia sẻ những gì học được với nhiều người, Toản tạo lập một trang web chuyên dành cho người mù với địa chỉ PHUNGVANTOAN.NAME.VN.

Trên trang Web anh đã viết rất nhiều bài viết giới thiệu về cách thức sử dụng máy vi tính, cài đặt các phần mềm ứng dụng, giúp cho nhiều bạn khiếm thị được tiếp cận nhiều hơn về tin học hỗ trợ người hỏng mắt.

Bạn Giang Thị Ngoan phó chủ tịch hội người mù huyện Quốc Oai nói: “Trang web rất hữu ích cho người khiếm thị. Toản viết rất dễ hiểu.”                        

Hiện Toản đang là cộng tác viên của tạp chí tin học của trung tâm tin học vì người mù Sao Mai. Những bài viết của anh, được ban biên tập và những độc giả Khiếm thị đánh giá cao. Hòm thư điện tử của Toản luôn đầy ắp thư của những người đồng tật gửi tới. Anh luôn dành thời gian trả lời cặn kẽ câu hỏi của các bạn.

Ngoài những việc như trên Toản còn tích cực dạy cho nhiều hội viên khác trong hội, đến nay đã có hàng trăm người mù trong và ngoài Thị hội đã được anh giúp đỡ về tin học. Bạn Nguyễn Kim Dung nhà ở Ngô Quyền Sơn Tây một người khiếm thị được Toản giúp đỡ nói: “Anh Toản giúp đỡ người đồng tật rất nhiệt tình, giải thích cặn kẽ đến khi chúng em hiểu mới thôi và hoàn toàn miễn phí.”

Người khiếm thị đi lại khó khăn, việc trao đổi kinh nghiệm giữa những người đồng tật rất hạn chế, Toản đã thành lập nhóm Hội người Khiếm thị trên FaceBook làm diễn đàn kết nối những người hỏng mắt lại với nhau. Hiện nhóm Hội người Khiếm thị có hơn bốn trăm thành viên. Phần lớn là những người hỏng mắt, họ lên diễn đàn để chia sẻ buồn vui với những người đồng tật; Họ viết bài trao đổi kinh nghiệm làm ăn vượt khó; Họ chia sẻ cho nhau vốn kiến thức ít ỏi tích lũy được trong cuộc sống… Vì người khiếm thị ít có điều kiện trải nghiệm, diễn đàn của Toản rất bổ ích với người mù. Anh không dấu những kiến thức tin học mình có được qua quá trình tự học. Không kể người lạ hay quen, ai hỏi gì trong khả năng là Toản nhiệt tình giúp đỡ. Anh Trịnh Hoài Đức ở Nghệ An đã đăng lên Hội người Khiếm thị: “Cảm ơn người sáng lập nhóm đã cho chúng tôi một diễn đàn bổ ích.”

Toản luôn coi những việc mình làm được là rất nhỏ bé, không có gì đáng nói.

Xin được trích chia sẻ của Toản để kết thúc bài viết, qua đó chúng ta sẽ nhận thấy ở anh ý chí và những khao khát của một trái tim giàu nghị lực:

Trước đây tôi cũng rất mặc cảm và tự ti, nhưng việc được tham gia sinh hoạt hội, được chia sẻ với những người đồng tật, tôi thấy cuộc đời mình như bước ra từ trong bóng tối. Trong những lần tham gia sinh hoạt như vậy, tôi đã được nghe và hiểu về tấm gương đạo đức, nghị lực của Bác Hồ đã làm thay đổi rất nhiều cách nghĩ của tôi về số phận, Chính những lời dạy của Người đã làm thay đổi cuộc đời tôi.



Phùng Mạnh Tuấn.