Đó là những lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hội – nguyên là chủ tịch hội người mù quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, dù đã được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước, không còn tham gia lãnh đạo công tác hội, trở về là một hội viên nhưng ông Hội vẫn quyết định sẽ tiếp tục làm việc và ông  đã tự mở 1  cơ sở tẩm quất tại ngõ 20 Trần Cung (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội).Thường thì người ta khi đang làm việc đến lúc nghỉ hưu tâm trạng sẽ không khỏi xáo trộn vì bỗng nhiên một ngày trở nên dài đằng đẵng, mọi thói quen cũngbị đảo lộn hết cả không thể thích ứng ngay trong ngày một ngày hai nhưng với ông Hội thì không phải trải qua điều đó vì ông  đã có sự chuẩn bị trước tâm lý và các kế hoạch hoạt động sau khi nghỉ hưu.

 Khi còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch hội người mù quận Cầu Giấy, mặc dù hoàn toàn không nhìn thấy song ông Hội được nhiều hội viên nhận xét là người rất năng động, dù là hội đặc thù song để  có thể lo cho hàng trăm con người cũng không phải là điều đơn giản. Nhớ lại những ngày đầu hội mới thành lập, trụ sở còn phải chung với huyện hội Từ Liêm, chỉ được sở hữu 1 phòng nhỏ  hơn 10m2 nhưng không vì thế mà các phong trào, các hoạt động tập thể bị trì trệ ngược lại  hội Cầu Giấy luôn xếp loại A toàn thành hội.

 Dù còn khó khăn về nhiều mặt đặc biệt là thiếu nơi sản xuất nhưng với quan điểm “lao động là cái gốc của sự tồn tại bền vững” nên ông Hội vẫn mạnh dạn thuê mặt bằng để tổ sản xuất hoạt động, nhờ vậy mà những hội viên có nhu cầu làm tăm, chổi, trồng nấm ăn yên tâm lao động. Đến khi có trụ sở mới khang trang ông Hội càng có điều kiện để đẩy mạnh công tác sản xuất hơn nữa, nhận thấy nghề mat-xa ngày càng phát triển mạnh, ông Hội cũng dành ra 1 phòng để mở dịch vụ tại quận hội giúp hội viên có thu nhập cao và ổn định hơn, đồng thời có thêm nguồn quỹ để chăm lo tốt hơn cho mọi mặt hoạt động của quận hội.

Qua nhiều năm  bươn trải với cuộc sống và từ khi làm công tác hội ông Hội biết rằng càng ngày những người khiếm thị càng nhận được nhiều sự quan tâm và giúp đỡ hơn từ cộng đồng vậy nên kể từ khi lãnh trách nhiệm quản lý phòng tẩm quất ông luôn tâm niệm “phải làm điều gì đó để đáp lại một phần những ân tình mà xã hội dành cho người khiếm thị”, ông nhận thấy những người cao tuổi và các bác thương bệnh binh  có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe với hình thức mat-xa là rất nhiều nhưng hầu hết lại  ít có điều kiện tiếp cận bởi vậy kể từ năm 2013 cứ vào  các dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 và ngày quốc tế người cao tuổi 1/10 hàng năm ông lại cho phát hành những  phiếu mat-xa miễn phí chia đều cho các phường nhờ đó mà cứ mỗi năm lại có gần ngàn lượt người cao tuổi và các bác thương bệnh binh được chăm sóc sức khỏe. Ông hội chia sẻ “thường thì chúng tôi thông qua phòng lao động hoặc ban đại diện người cao tuổi của quận để gửi giấy mời  cho các bác chứ có nhiều người tôi  không hề quen biết nhưng rồi có lúc đi ngoài đường họ nhìn thấy tôi cũng chạy lại  cảm ơn vì mấy năm qua năm nào cũng được hội mời đi mat-xa miễn phí, có người thì khoe là họ thường bị đau nhức nhờ được hội quan tâm mà  đã đỡ hơn nhiều…, tôi không nhìn thấy họ nhưng qua cái  bắt tay thật chặt tôi cảm nhận được tình cảm chân thành của họ và tôi có  chút tự hào vì sự ghi nhận của cộng đồng dành cho cá nhân tôi  cũng là sự trân trọng chung dành cho những người khiếm thị Cầu Giấy”.

 Khi đại hội nhiệm kỳ IV của quận hội còn hơn 1 năm nữa sẽ diễn ra thì ban chấp hành cũ 3 người mà 2 người đã nghỉ người vì đến tuổi, người có lý do bận việc gia đình nên ông lại gần như phải 1 mình chèo chống  “đại gia đình người khiếm thị Cầu Giấy” lại vừa phải gấp rút đào tạo lực lượng kế cận thông qua việc truyền đạt lại kinh nghiệm mấy chục năm hoạt động  đồng thời trực tiếp giao nhiệm vụ rồi lại hướng dẫn cách thức  để họ dần trải nghiệm và nắm bắt từng công việc cụ thể. Điều đáng nói là cách đại hội chính thức 3 tháng, trong điều kiện  nhân sự cho đại hội vẫn chưa ổn định thì  ông Hội bất ngờ xảy ra 1 số vấn đề về sức khỏe và phải  nhập viện y học cổ truyền Hà Nội, cùng thời điểm đó con gái ông Hội cũng phải nằm điều trị ở bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, có thể nói rằng  nếu không phải là người có  bản lĩnh vững vàng thì  có lẽ khó mà vượt qua nổi những biến cố dồn dập ập đến như vậy.

Hiểu rõ vai trò của mình  đang phải là trụ cột của tổ chức hội cũng như  trong gia đình nên dù trong lòng như có lửa đốt, ruột gan rối bời nhưng ông Hội vẫn phải tỏ ra bình tĩnh để gỡ dần từng việc. Ông quyết định xin ra viện để toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho đại hội rồi tối đến lại bắt xe buýt xuống bệnh viện Bạch Mai để  thăm con gái và hỗ trợ việc trị liệu bằng việc mat-xa cho con. Cuối cùng thì “Trời đã không phụ công người”, mọi cố gắng của ông Hội trong thời điểm đó đều đã được đền đáp xứng đáng, đại hội đã diễn ra thành công, sức khỏe của con gái ông cũng đã tiến triển tốt và ông Hội đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

 Mới chỉ 1 năm trước ông Hội còn chia sẻ  “tôi mà nghỉ hưu sẽ đi du lịch, về quê, thăm nom bạn cũ…  sẽ xả hơi hết mình cho bõ bao năm chỉ biết dành thời gian cho công việc”, song  đến giờ ông lại vẫn tiếp tục với công việc bằng cách đứng ra làm chủ 1 cơ sở tẩm quất thì lại được nghe  ông giãi bày “mọi kế hoạch tôi vẫn sẽ  thực hiện nhưng hãy khoan, giờ vẫn chưa phải lúc hưởng thụ”. Thật đáng ngưỡng mộ! con người củ công việc thì biết bao giờ mới là lúc nghỉ ngơi?!

Nguyễn Thị Khánh Vân – Hội người mù Quận Cầu Giấy