Trải qua gần 20 ca phẫu thuật lớn, nhỏ trong nước và ngoài nước những mong tìm lại cho mình một chút ánh sáng. Nhưng rồi sự thật vô cùng nghiệt ngã, bác sĩ báo tin cho gia đình rằng mắt tôi hoàn toàn vô phương cứu chữa. Quá sốc, không chấp nhận nổi sự  thật, tôi la hét, ném đồ đạc, đuổi người thân ra khỏi phòng bệnh …

Ảnh: Chị Lỗ Thị Uyên đang làm việc

Trở về nhà với tấm thân tàn tật, mù lòa, ý nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình luôn thường trực trong tôi. Nỗi xót thương các con khiến tôi nghĩ  rằng mình không thể là vật cản trên bước đường tương lai, sự nghiệp của chúng và đi đến quyết định tự giải thoát. Tôi bảo con trai lấy cho một quyển sổ, một cái bút nói dối là đưa chị giúp việc ghi chép thu, chi. Khi chị giúp việc đi chợ hoặc vào các buổi trưa tôi viện lý do muốn yên tĩnh chốt cửa phòng lại rồi lén lấy sổ ra. Lần đầu tiên cầm bút viết trong tình trạng hai mắt hoàn toàn không nhìn thấy gì , tôi thấy bối rối và sợ hãi. Bình tĩnh lại, tôi cũng nghĩ ra một cách, đó là đặt ngón trỏ trái lên trang giấy làm định vị và nắn nót viết. Những giọt nước mắt lã chã rơi thấm lên từng con chữ nguệch ngoạc chứa đầy sự mong mỏi rằng người thân của tôi sẽ đọc, hiểu,có thể coi đây là lời trăng trối hay di chúc cũng được. Tôi gửi cho cha, mẹ vô vàn lời xin lỗi, xin hãy tha thứ cho sự bất hiếu của tôi, mặc dù rất muốn nhưng tôi không đủ nghị lực sống tiếp để phụng dưỡng lúc cha già, mẹ yếu. Với hai đứa trẻ, tôi không biết viết gì bởi trên đời chẳng có từ ngữ nào nói hết được “tình mẫu tử” tôi dành cho các con mình! Tôi cứ viết tên hai đứa chi chít trên trang giấy này rồi lại trang giấy khác, trang nào cũng thấm đẫm nước mắt và bị bút cào rách. Mỗi vết cào rách, tôi có cảm giác như ai đó cầm kim nhọn cào lên trái tim vốn đang còn rỉ máu của tôi. Cực chẳng đã tôi phải rời xa chúng, sự giải thoát của tôi sẽ giúp chúng bỏ đi được một gánh  nặng, con đường tương lai của chúng sẽ nhẹ nhàng, tươi sáng hơn. Tất cả là do quá sợ hãi, tôi nghĩ mắt không nhìn thấy gì đồng nghĩa với sự sống kết thúc. Vâng, tôi đã có suy nghĩ bi quan như thế, bởi khi còn sáng mắt tôi căn bản chưa bao giờ tiếp xúc với người mù, trong gia đình, mọi mối quan hệ bạn bè, xã hội tôi cũng chưa gặp nên tôi đã nghĩ như vậy

Ảnh: Chị Lỗ Thị Uyên với sinh hoạt hàng ngày

Một ngày chị giúp việc phát hiện ra cuốn sổ, chị thức trắng đêm để trò chuyện cùng tôi, chị nói: Theo “luật nhân, quả” của đạo Phật, chết không phải là hết. Do kiếp trước ta gieo nhân xấu nêm kiếp này ta phải nhận quả đắng đó chính là nghiệp chướng. Đã là nghiệp chướng thì phải trả nợ hết mới khỏi khổ. Nếu ta chạy trốn bằng cách tự kết thúc sự sống kiếp này, nghiệp chướng vẫn tiếp tục theo ta kiếp sau đòi nợ. Hành động dại dột của tôi  chẳng những không giải thoát được nghiệp khổ, mà còn gieo thêm nỗi đau đớn cho những người còn sống, đặc biệt là hai đứa trẻ thơ ngây và song thân già yếu của tôi. Những lời nói ấy đã khiến tôi bừng tỉnh, tôi tự hứa với mình; Cho dù chỉ là một cành cây khô không trồi, không lá, tôi cũng sẽ cố gắng vươn dậy từ đống đổ nát cuộc đời với quyết tâm mình sẽ là con đò chở các con tới ngày cập bến.

Bắt đầu lại từ công việc kinh doanh, cầm điện thoại lên tôi gọi cho mấy người bạn cùng làm ăn trước kia ngỏ ý muốn hợp tác lại. Thật may mắn, có người đã nhiệt tình giúp tôi. Với hình thức kinh doanh gián tiếp, lợi nhuận không được như trước, nhưng tôi đã có một khoản thu nhập để chi phí sinh hoạt và trong lòng bớt đi sợ hãi bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Tuy vậy, cuộc sống của tôi vẫn gói gọn rất khiêm tốn, tôi khao khát được hòa mình trở lại với nhịp sống xã hội nhưng không biết bằng cách nào? Thật may mắn, có người bạn giới thiệu cho tôi về tổ chức Hội và ngày 30/6/2014 Tôi đã gia nhập Hội người mù quận Bắc Từ Liêm. Tôi bắt đầu học hỏi từ các bạn đồng tật cách định hướng di chuyển, cách tự làm việc nhà, cách giao tiếp của người khiếm thị. Vào hội tôi được học chữ nổi, học nghề xoa bóp tẩm quất, được tham gia nhiều hoạt động bổ ích như: Các cuộc thi “Liên hoan Tiếng hát từ trái tim”, hội thảo khoa học “Tàn nhưng không phế” 2016, lễ hội “Festival  niềm tin và ánh sáng” lần thứ 3 do Hội người mù Hà nội tổ chức.Hàng tháng , được nghe báo cáo viên nói chuyện chuyên đề về pháp luật, vệ sinh an toàn thực phẩm, kế hoạch hóa dân số, vv. Vào các dịp đầu xuân quận Hội thường tổ chức cho hội viên đi lễ chùa, tham quan các di tích lịch sử của đất nước. Hè về, được đi tắm biển hoặc đi nghỉ mát tại các khu du lịch Sapa, Tam đảo, suối nước khoáng … Từ Hội, tôi đã biết đến phần mềm đọc màn hình Jaws và Talk, tôi nhờ người cài và tự mày mò học. Chẳng mấy chốc tôi đã chủ động sử dụng lại được điện thoại di động và máy tính. Tôi nhớ mãi cảm giác đôi tay tôi run run, đặt lên bàn phím rất nhẹ nhàng, tôi sợ mạnh tay chúng sẽ vỡ tung giống như cuộc đời tôi vậy.

Thế rồi tôi mê mải đọc báo, trò chuyện, chia sẻ với bạn bè qua ứng dụng Skype, Zalo, Facebook, Email …, Không biết từ khi nào, tôi thấy thích thú với việc viết lách. Tuy mới vào hội được hơn ba năm nhưng tôi có khá nhiều tin bài và một số truyện ngắn được phát trên VOV Giao Thông, trên Tạp chí Thương mại bán lẻ, Studio đom đóm và Tạp chí Tri thức, Đời sống của Hội người mù Hà Nội. Các tác phẩm nội dung xuyên suốt với mục đích tuyên truyền tới xã hội những tấm gương người khiếm thị giàu nghị lực, những khát khao cháy bỏng hòa nhập cộng đồng, những trăn trở, thiệt thòi trong tình yêu của người khiếm thị … Cũng ba năm tham gia sinh hoạt Hội, tôi đều được cử đại diện cho chị em tham gia các cuộc  thi như: Tìm hiểu truyền thống lịch sử và phụ nữ Việt Nam, trò chơi “chiếc nón kỳ diệu”, phụ nữ khiếm thị tài năng do Cụm thi đua số 1 tổ chức nhân dịp 20 – 10 và rất vinh dự tôi đã dành 2/3 giải nhất. Được sự tin tưởng của BCH và hội viên, tháng 12/2014 tôi được bầu làm Chi hội trưởng phường Cổ Nhuế 2 - Với ý thức, trách nhiệm của một Chi hội trưởng tôi luôn đặt mục tiêu giữ gìn đoàn kết lên hàng đầu, nỗ lực học hỏi để vươn lên, tích cực tham gia, đóng góp ý kiến trong các phong trào, hoạt động hội. Vào ngày Lễ, Tết  khi được nhận quà, tôi thường chia sẻ phần quà của mình với chị, em có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nhân dịp Tết Thiếu nhi vừa qua tôi đã trao những phần quà nho nhỏ của mình cho các cháu thiếu nhi trong Hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi làm được những việc này tôi vui lắm.

Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của tôi, UB Quận Bắc Từ Liêm đã tặng 04 giấy khen từ năm 2014 đến 2017 có thành tích tốt trong các phong trào hoạt động Hội. Năm 2015, Hội người mù Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Năm 2016, tôi là một trong những đại biểu tiêu biểu của quận Bắc Từ Liêm tham dự Hội nghị “Người tốt, việc tốt” và có bài viết trong quyển sách “Những bông hoa đẹp 2016” của quận Bắc Từ Liêm. Cũng trong năm 2016, tôi vinh dự được là 1 trong 30 cá nhân tiêu biểu của quận được nhận giấy khen có thành tích trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng Ủy Quận Bắc Từ Liêm tổ chức. Bên cạnh đó tôi còn nhận được một số giải các bài viết về cuộc thi “Phát hiện gương người tốt, việc tốt” do Ủy ban quận Bắc Từ Liêm tổ chức thường niên.

Thưa các bạn! 46 năm - Chặng đường xây dựng và phát triển, Hội người mù TP Hà nội đã khẳng định vị thế là điểm tựa vững chắc, là ngôi nhà chung cho tất cả người khiếm thị Thủ đô giao lưu, học chữ, học nghề để hòa nhập cộng đồng. Bút mực nào kể xiết công ơn Hội dành cho người mù nói chung, cá nhân tôi nói riêng bởi chính Hội đã sinh ra tôi lần thứ 2. Từ  một tôi” của ngày muốn kết thúc sự sống  đầy bi quan, bế tắc đến một “tôi” ngày hôm nay đầy lạc quan, tự tin, yêu đời là cả một quá trình dìu dắt, chỉ bảo ân cần của các cấp Hội cộng với sự đoàn kết, giúp đỡ từ các bạn đồng tật. Tận sâu thẳm lòng mình, tôi xin gửi tới Hội và các bạn lời tri ân chân thành, sâu sắc nhất. Đồng thời, tôi cũng muốn gửi tới mọi người một thông điệp:

“Nếu vì bất cứ một lý do gì khiến bạn trở thành người khiếm thị, bạn hãy mạnh dạn tham gia ngay vào Hội người mù nơi bạn đang sinh sống.  Ở đó, bạn sẽ được tạo điều kiện, giúp đỡ mọi mặt để hòa nhập cộng đồng, rất có thể tại nơi đây sẽ phát hiện ra những khả năng đặc biệt đang tiềm ẩn trong con người bạn. Hãy tự tin tiến lên phía trước và đừng nghĩ rằng ‘Phía trước không có gì, vì phía trước cái gì cũng có’”./. 

Lỗ Thị Phương Uyên - HNM Bắc Từ Liêm