“Cuộc sống luôn cần sự hy vọng và cố gắng. Em không muốn ngồi yên chờ đợi sự thương hại, mà muốn làm gì đó giúp những bạn đồng tật như em, đồng thời khiến mọi người có cái nhìn khác về người khiếm thị” - Nghiêm Vũ Thu Loan, nữ sinh viên Đại học RMIT, tâm sự. Thu Loan là một người khiếm thị có nhiều thành tích trong học tập và có các dự án vì cộng đồng.

Nữ sinh khiếm thị đỗ đại học quốc tế

Căn nhà mà Loan và mẹ thuê nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Khang ( Cầu Giấy - Hà Nội). Ngoặt phải, ngoăt trái và hỏi thăm đến 5 lần tôi mới tìm được nhà em. Đứng chờ sẵn ngoài cửa, Loan nở nụ cười tươi rói khi nghe tiếng khách đến. Cô nói: “Các số nhà đánh lung tung lắm, em sợ chị không tìm thấy nên đứng đón”.

Vào nhà, Loan mời khách ngồi rồi quay đi rót nước. Trong căn nhà rộng hơn 10 mét vuông được sắp xếp đồ đạc gọn gàng, không cần sờ hay bám vào vật dụng trong nhà để di chuyển, Loan bước những bước tự tin, dứt khoát. Nhìn cử chỉ, hoạt động của em, chẳng ai nghĩ em là một người khiếm thị.

Bình thường chỉ có hai mẹ con Loan sống trong căn nhà trọ nhỏ này – căn nhà mà hai mẹ con thuê ở từ năm 2015 đến nay, khi hai mẹ con từ huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội) lên trung tâm thành phố Hà Nội để Loan đi học cấp 3. Những ngày mẹ về quê để mang rau và một số nông sản lên bán, có hôm Loan sang ở nhờ nhà bạn, có hôm bạn qua ở cùng Loan, cũng có khi mẹ em phải nhờ hàng xóm xung quanh để ý giúp.

“Mẹ em cứ lo xa, chứ em làm được tất. Em chỉ cần bật bếp hâm nóng đồ ăn và cắm thêm nồi cơm thôi. Em còn đang muốn mẹ dạy em làm thêm mấy món khó khó nữa để còn biết nữ công gia chánh!”, Loan nói, đôi môi luôn nở nụ cười.

Ảnh: Khi không có mẹ bên cạnh Thu Loan vẫn tự chủ được cuộc sống sinh hoạt

Bị khiếm thị bẩm sinh, mắt chỉ thấy rất lờ mờ, nên từ khi chưa đầy tháng, cô bé Thu Loan đã phải lên bàn mổ. Đến nay, tổng cộng em đã trải qua hơn 10 ca phẫu thuật mắt, trong đó 2 lần phải khoét mắt, nên hiện tại cả hai mắt của em đều là mắt giả. Tuy nhiên, từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ Loan thôi ý muốn được học hành.

Ban đầu, Thu Loan tự học theo chị gái ở nhà và đi cùng người em họ đến lớp để được đứng ngoài cửa nghe cô giáo giảng bài. Thấy Thu Loan khao khát được đi học, lên 9 tuổi, bố mẹ xin cho em được đến lớp. Loan theo học những con chữ đầu tiên bằng phương pháp học chữ nổi do Hội người mù tỉnh Hà Tây cũ tiếp nhận.

Thời gian học phổ thông, nhất là ở cấp 3, Loan rất vất vả để theo kịp bài học. Sách chữ nổi không hề có sẵn, mà nếu có thì cũng rất dày và cồng kềnh, sách nói cũng ít nên để đạt được thành tích học tập xuất sắc trong ba năm cấp 3 thì Loan đã phải rất nỗ lực, cố gắng gấp hai, gấp ba các bạn bình thường.

Loan chia sẻ: “Các bạn cùng lớp luôn chép kịp bài giảng ngay trong tiết học, nhưng với em, em phải nhờ các bạn đọc cho để chép, có lúc không kịp thì phải nhờ các bạn đọc vào máy ghi âm, tối về em mới chép lại bài.”

12 năm học qua đi, Thu Loan đã có cho mình một bảng thành tích đáng ngưỡng mộ. Em đã 2 lần được giải nhất kì thi viết thư UPU cho trẻ khiếm thị, giải nhì cuộc thi sáng tác văn học giao lưu Việt Nam – Nhật Bản, 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc trong hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc, giải ba cuộc thi công nghệ thông tin cho người khuyết tật của thành phố Hà Nội và trong 3 năm cấp 3 em luôn nằm trong TOP 3 học sinh đứng đầu lớp.

Ảnh: Bảng thành tích cá nhân của Thu Loan

Thu Loan nói: “Để em có thể học được đến hết lớp 12 , không chỉ có sự cố gắng của riêng em mà còn có sự giúp đỡ của rất nhiều người, nên em không muốn dừng lại”. Vậy là em tìm hướng vào Đại học, và nghĩ đến hướng du học tại chỗ của những trường quốc tế, rồi tự tìm hiểu, nộp đơn. Phần thưởng xứng đáng đã đến với cô gái đầy nghị lực: Thu Loan đã được nhận học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Đại học RMIT, trở thành sinh viên duy nhất được nhận học bổng “Chắp cánh ước mơ” năm 2019 của nhà trường.

Việc Thu Loan trở thành sinh viên của trường Đại học sở hữu danh tiếng quốc tế và là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao đầu tiên của Australia không chỉ mang đến niềm tự hào với bạn bè, người thân của em, mà còn như một tấm gương khích lệ sự nỗ lực vươn lên của những bạn khiếm thị đồng cảnh ngộ.

Nhìn đời bằng đôi mắt thiên thần

Khi còn nhỏ, ước mơ của Thu Loan là được làm họa sĩ. Khi ấy mắt em chưa hỏng hẳn, còn nhìn được lờ mờ. “Em muốn khắc họa thế giới trong trí tưởng tượng của mình qua sắc màu” – Loan tâm sự. Tuy nhiên, từ khi thay mắt, Loan hoàn toàn không còn thấy gì nữa, em phải dừng ước mơ từ thuở nhỏ lại để bắt đầu kiếm tìm cho mình một ước mơ khác.

Thu Loan thấy rằng việc viết văn cũng có thể thể hiện được cảm xúc. Đối với em văn học cũng giống như hội họa, ở đó em vẫn có thể mô tả sắc màu, mô tả thế giới trong trí tưởng tượng của em. Hơn nữa Loan từ nhỏ đã được chị gái đọc sách cho nghe, nên cũng dần hình thành tình yêu với văn học.

Vậy là từ năm 2017, song song với quá trình tìm học bổng đại học, Loan bắt đầu những dòng viết đầu tiên. Chia sẻ về kỉ niệm trong quá trình viết sách, em nói: “Trong quá trình viết có nhiều kỉ niệm lắm, nhưng cái mà làm em nhớ mãi đó là câu chuyện cuối cùng trong phần I của cuốn sách.”

Loan kể: “Khi đặt tên cho truyện, em đã có rất nhiều trăn trở. Mới đầu em định để tên là “Không phải là cổ tích” hoặc “Có phải là cổ tích”. Một nhan đề mang tính phủ định, một cái lại mang tính nghi vấn, em vẫn không thấy nó hợp lí vì trong câu truyện này đa phần là em kể về những gì bản thân em đã trải qua. Rồi em bàn bạc và cùng các bạn đưa ra quyết định đặt tên cho câu truyện này là “Sẽ mãi là cổ tích”. Nhan đề này mang đến sự lạc quan, vui vẻ hơn và phù hợp với giá trị hạnh phúc mà em muốn hướng đến qua cuốn sách”.

Đến cuối năm 2019, tác phẩm đầu tay của Thu Loan đã ra đời. Đó là tập truyện ngắn mang tên “Giấc mơ nơi thiên đường”.

Ảnh: Nghiêm Vũ Thu Loan với tập truyện ngắn đầu tay mang tên "Giấc mơ thiên đường"

Lý giải về tựa đề của cuốn sách, Thu Loan chia sẻ: “Sở dĩ em chọn tựa đề như vậy là bởi theo em nếu ta nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của những thiên thần, ta sẽ thấy cuộc đời đẹp như thiên đường mà ta mơ ước”.

Trong lời đề tặng của cuốn sách, Thu Loan viết: “Dù chúng ta là ai, dù hoàn cảnh của chúng ta hôm nay có như thế nào thì tôi vẫn biết rằng tại nơi sâu thẳm nhất, mềm mại nhất của trái tim chúng ta đều sẽ cất giấu một khoảng trời an vui”.

Đánh giá về cuốn sách, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thùy (giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: “Giữa bộn bề cuộc sống, giữa trắng đen cuộc đời, những dòng viết của Thu Loan như dòng nước mùa thu thanh khiết xoa dịu bao nỗi đau, bao tổn thương, bao mất mát của những mảnh đời ở những góc chông gai của cuộc sống. Những dòng viết ấy cũng ánh lên những tia nắng mặt trời ấm áp chan chứa tình yêu thương và cháy bỏng những khát khao, rạng rỡ những niềm tin bất tử vào SỰ CHÂN THÀNH và TÌNH NGƯỜI.”

Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình

Là sinh viên Đại học RMIT, việc học của Loan khá bận. Tuy nhiên, bạn cũng vẫn tham gia các hoạt động tình nguyện, và hiện là một trong 4 người đồng sáng lập nên câu lập bộ (CLB) “Step Club – Hành động vì người khiếm thị”.

Cuội nguồn của ý tưởng này được nhen nhóm từ khi Loan nộp hồ sơ vào trường đại học RMIT. Khi đó, Loan đã viết: “Nếu em được nhận vào học thì em sẽ có những hành động thiết thực để giúp đỡ các bạn đồng tật như em có thể được học tập bình thường”.

“Nhưng kể cả nếu không được nhận vào học thì em sẽ vẫn làm điều đó, bởi em đã từng trải qua những khó khăn để tiếp cận tri thức nên em hiểu các bạn khiếm thị như em rất cần được giúp đỡ”- Loan khẳng định.

“Thông qua Step Club, em mong có thể giúp đỡ được những bạn khiếm thị như mình có được nguồn tài liệu học tập dễ dàng, được giao lưu, chia sẻ thông qua văn học, âm nhạc, hội họa”- Thu Loan tâm sự.

Cách đây khoảng 6 năm, Thu Loan từng có ý tưởng làm sách nói, vừa là để thỏa mãn đam mê với văn học, vừa là để giúp các bạn đồng tật như em có thêm nguồn tài liệu học tập. Nhưng đến thời điểm này Loan thấy rằng công nghệ rất phát triển, có thể hỗ trợ những người khiếm thị rất nhiều nên trong tâm trí em đã xuất hiện những câu hỏi: “Tại sao mình lại chỉ làm sách nói? Tại sao không phải là một CLB có khả năng gắn kết những người khiếm thị trên toàn thế giới lại với nhau?”. Từ suy nghĩ đó, Thu Loan và các bạn đã sáng lập ra Step Club.

Hiện nay Step Club đã có 63 thành viên, các thành viên trong CLB có bạn mù hoàn toàn, có bạn nhìn kém và cũng có cả những bạn sáng mắt.

Nhắc đến khó khăn khi thành lập Step Club, Loan nói: “Khó khăn thì có rất nhiều từ nguồn nhân lực, tài chính, đến kĩ năng… nhìn đâu cũng thấy khó khăn cả vì CLB mới thành lập và đang trong giai đoạn hoàn thiện.”

Để duy trì được CLB, Loan và các bạn của em phải không ngừng học hỏi, tìm tòi. Loan luôn cố gắng trau dồi vốn tiếng Anh của mình, em dự định sắp tới sẽ đi học một lớp thuyết trình để nâng cao khả năng giao tiếp của bản thân. Đối với các bạn là trưởng các tiểu ban nhỏ của CLB, các bạn luôn phải không ngừng sáng tạo để phát triển tiểu ban của mình.

CLB của Loan và các bạn hiện tại có 4 ban: Ban hỗ trợ học tập sẽ hỗ trợ tài liệu học tập cho các bạn khiếm thị như sách nói, sách chữ nổi…; Ban giải trí “Vệt nắng” giúp các bạn được giao lưu về các mảng âm nhạc, văn học. Ở ban này, vừa qua CLB đã tổ chức cuộc thi “Hát khúc đam mê” trực tuyến để các bạn có sân chơi để thể hiện tài năng; Ban truyền thông đối ngoại làm những công việc viết bài truyền thông, xin tài trợ; Ban tình nguyện gồm những thành viên nhìn kém và sáng mắt sẽ hỗ trợ công việc chuyển đổi tài liệu, kĩ thuật trong CLB.

Thu Loan mong muốn rằng CLB của em và các bạn sẽ phát triển hơn nữa, mở rộng phạm vi hoạt động, thậm chí sau này sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ để cống hiến nhiều hơn, giúp được nhiều người trên nhiều phương diện hơn. “Em muốn thông qua nguồn sáng kiến thức từ Step Club, sẽ không còn bất kì một ai bị mất đi cả cuộc đời chỉ vì đôi mắt họ không thấy được ánh sáng mặt trời” -Thu Loan tâm sự.

Theo https://baotintuc.vn/