Ngày 2/10, Hội người mù huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (10/10/1973 – 10/10/2018). Tham dự lễ kỷ niệm có ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội người mù Việt Nam.

Ảnh: Ông Trần Thế Đạt - Chủ tịch HNM huyện Thanh Trì

45 năm qua, Hội người mù huyện Thanh Trì đã trải qua 12 nhiệm kỳ đại hội. Giai đoạn đầu mới thành lập từ 1973 đến hết năm 2000, phương thức hoạt động của Hội chủ yếu bằng chính tấm lòng tâm huyết của cán bộ, hội viên. Ban chấp hành không có kinh phí hoạt động, không có thù lao, không có địa điểm làm việc, không có phương tiện đi lại. Trụ sở làm việc ở ngay chính nhà của cán bộ, hội viên nhưng với lòng quyết tâm xây dựng Hội và phương châm: “đi từng nhà, rà từng ngõ”; cán bộ BCH đã không quản ngại vất vả đi bộ từ làng này sang làng khác, từ xã này sang xã khác để tuyên truyền vận động kết nạp hội viên. Từ chỗ ban đầu chỉ có hơn 20 hội viên do ông Nguyễn Hữu Hạnh là thương binh hỏng mắt làm chủ tịch đến nay Hội đã phát triển sâu rộng trên khắp các thôn, làng, xã trong toàn huyện với 07 chi hội trực thuộc và 144 hội viên.

Ông Phạm Viết Thu - Chủ tịch HNM Việt Nam trao bằng khen cho những cá nhân, tập thể có thành tích trong Hội

Các mặt hoạt động đoàn thể cũng được Hội đặc biệt quan tâm như: Hội viên trẻ, hoạt động công đoàn, ban công tác nữ, các câu lạc bộ sở thích như: Bơi lội, đàn Organ, cờ vua, nghe băng đọc sách. Huyện Hội cũng được là thành viên của UBMTTQ huyện vì vậy các phong trào các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước, mặt trận tổ quốc, Hội luôn chấp hành và hưởng ứng như vận động hội viên ủng hộ đồng bào bão lụt, ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ quân dân trường sa vươn khơi bám biển, ủng hộ nhân dân những vùng bị xâm nhập mặn.... Tuy số tiền không lớn nhưng mang đầy ý nghĩa bằng tấm lòng của những người khuyết tật mặc dù cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Do sâu sát nắm bắt được tình hình và nguyện vọng tha thiết của người đồng tật, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên BCH huyện hội đã quán triệt sự chỉ đạo của Thành Hội là “ khắc phục khó khăn bằng mọi cách tạo điều kiện giúp đỡ hội viên tham gia đầy đủ và bình đẳng vào hoạt động xã hội trọng tâm là dạy nghề tạo việc làm và tổ chức sản xuất. Tổ chức xóa mù chữ nâng cao dân chí, trợ giúp cho những hội viên nghèo không nơi nương tựa. Động viên hội viên chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân.”

 Ban chấp hành huyện hội đã cố gắng vận động hội viên vay mượn người nhà tiền vốn để sản xuất, mượn nhà hội viên để làm nơi sản xuất, tự chống gậy hoặc nhờ con cháu dẫn đi tìm mua nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. Những ngày gian khó đó là những kỷ niệm không thể nào quên với những người đầu tiên của tổ sản xuất như ông Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Hữu Nhong, Nguyễn Hữu Trạch….  Được sự đồng ý về chủ trương của UBND huyện và giúp đỡ của phòng lao động thương binh xã hội huyện Thanh Trì hợp tác xã cao su 19/5 ra đời năm 1978 thu hút 10 người khiếm thị vào làm việc là sự kiện rất quan trọng của Hội lúc đó. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước Nhà nước ta chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang kinh tế thị trường nên huyện Hội đề ra phương hướng tạo việc làm phù hợp với sự phát triển của đất nước. Một mặt củng cố công tác sản xuất những sản phẩm truyền thống như: tăm tre, chổi đót, cao su, … mặt khác tín chấp cho hội viên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Chương trình vay vốn của quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo kênh của Trung ương Hội và thành Hội từ năm 1993 đến nay đã cho gần 400 lượt người vay với số tiền gần 2 tỉ đồng đã giúp nhiều hội viên vay vốn, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Tiêu biểu như thương binh nặng Nguyễn Huy Thắng ở xã Tân Triều vay vốn làm nghề dệt sợi, tạo việc làm cho 10 lao động có thu nhập ổn định.

Không chỉ dừng ở công tác sản xuất huyện Hội đã vận động các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện giúp đỡ tặng quà cho hội viên nhân dịp tết, xây dựng nhà từ thiện, tặng giếng nước sạch.

Năm 2012, Hội được Huyện ủy, UBND huyện bố trí mặt bằng và vận động Công ty Hanvico, tập đoàn nhựa Đông Á tài trợ xây dựng trụ sở mới cho ba Hội tại xã Tứ Hiệp. Đây là việc làm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, chính quyền huyện tới những người khiếm thị, thỏa lòng mong ước từ lâu của họ có một nơi hội họp khang trang, thuận tiện.

Từ năm 1994 đến nay được sự giúp đỡ tích cực của UBMTTQ thành phố, UBMTTQ huyện, các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp đã có 03 hội viên được cấp đất ở, 07 ngôi nhà của người mù được xây dựng mới và 03 nhà sửa chữa lớn với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, giải quyết cơ bản tình trạng nhà ở quá tồi tàn của hội viên. Hội đã đề xuất ý kiến với Thành Hội xin cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho những người mù gặp nhiều khó khăn. Chín hội viên được tặng giếng nước sạch, 100% hội viên nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí.

Tỉ lệ đói nghèo của huyện Hội giảm dần. Từ năm 1973 tỉ lệ hộ nghèo là 90% đến nay không còn hộ đói và chỉ còn gần 3% hộ nghèo theo chuẩn mới. Huyện Hội Thanh Trì rất chú trọng đầu tư cho chương trình giáo dục nâng cao dân trí và tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần, coi đó là biện pháp quan trọng để xoá đói giảm nghèo. Từ những năm đầu tiên huyện Hội đã quan tâm mở lớp dạy chữ, dạy nghề mặc dù gặp rất nhiều thiếu thốn nhưng từ năm 1992 Thành hội đã phân công hai giáo viên xóa mù chữ đến dạy chữ nổi cho hội viên của huyện Hội. Các lớp học đã được mở ngay tại nhà của hội viên, kinh phí hỗ trợ: giấy, bảng, bút viết chữ nổi cho hội viên do Hội vận động các cấp, các ngành giúp đỡ. Sau khi học xong xoá mù chữ, hội viên được tạo điều kiện học bổ túc văn hoá các cấp và được giúp đỡ để học các chương trình cao hơn. Từ khi mới thành lập trình độ văn hóa của hội viên còn rất hạn chế, tới nay đã có hàng chục hội viên đã và đang theo học các bậc phổ thông, đại học. Đem lại cơ hội học tập nhiều hơn cho người khiếm thị giúp họ có một việc làm tốt hơn, làm thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về người khiếm thị.

Năm 2012 Huyện Hội đã có hai hội viên đạt được học bổng của tổ chức phi chính phủ ACCV tham gia vào khóa học nghiệp vụ 03 tháng tại Australia.

Trong những năm qua huyện Hội đã triển khai chương trình khuyến học rộng rãi. Hội viên học bổ túc văn hoá các cấp, cao đẳng, đại học được hỗ trợ kinh phí, cấp một phần dụng cụ học tập như giấy viết, bảng, bút viết chữ nổi.

Hội khuyến học huyện Thanh Trì tặng 10 máy nghe USB cho lớp học tiếng Anh của hội trị giá 05 triệu đồng. Bà Lã Thị Bích Nhung nguyên phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì dành một phần tiền lương của mình tặng học bổng cho em Nguyễn Thị Hồng xã Đại Áng trong suốt quá trình theo học ở các bậc học phổ thông. Từ năm 1994 đến nay 100% hội viên được tặng radio, cơ bản xoá đói thông tin cho tất cả hội viên nghèo. Thư viện của Hội hàng năm đã cung cấp hơn 10 đầu sách, đầu băng, đĩa CD với số lượng bốn nghìn trang sách chữ nổi. Hội đã tổ chức các CLB tuyên truyền phổ biến pháp luật, qua đó vận động hội viên chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Những CLB nói chuyện chuyên đề về lịch sử, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do giáo sư sử học Lê Văn Lan giảng bài đã thu hút hàng trăm hội viên say mê, háo hức tham dự. Chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình được triển khai đều khắp đến từng hội viên. Nhờ vậy 25 năm liền 1993 - 2018 huyện Hội không có hội viên nào sinh con thứ ba.

Cách đây 45 năm Hội người mù huyện Thanh Trì với hơn hai mươi hội viên đến nay đã có 144 hội viên phát triển thành một tổ chức đoàn kết thống nhất là chỗ dựa không thể thiếu của những người khiếm thị trong huyện.

Thành Nguyễn