Ngày 5/12, Trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù TP Hà Nội đã tổ chức lễ Bế giảng lớp đào tạo nghề Công tác xã hội năm 2018 dành cho người khiếm thị. Đến dự có bà Đinh Việt Anh – Phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam.

Ảnh: Ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội người mù Thành phố Hà Nội

Lớp học nghề Công tác xã hội được khai giảng ngày 5/3/2018, dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy, cô giáo đến từ các trường đại học Lao động Xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội… và Ban giám đốc Trung tâm dạy nghề, 50 học viên đã khắc phục mọi khó khăn do khuyết tật gây ra, phát huy khả năng của người khiếm thị, quyết tâm phấn đấu học tập rèn luyện để nâng cao trình độ, vượt lên số phận, tự tin hoà nhập với cộng đồng.

Thầy giáo Nguyễn Duy Nhiên – Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Trải qua 6 tháng miệt mài với 16 modun ngành công tác xã hội dành cho người khiếm thị, các học viên đã học tập tốt, đạt kết quả cao. Lớp học đã đạt được mục tiêu ngay từ đầu khóa đặt ra. Ngoài phần lý thuyết trên lớp, các học viên còn được trải nghiệm với những tình huống thực tế và tiến hành thực tập hơn 1 tháng với đối tượng tại cơ sở”.   

Ảnh: Trao chứng chỉ cho lớp nghề Công tác xã hội

Phát biểu tại lễ bế giảng, ông Trần Trung Hiếu – GĐ Trung tâm dạy nghề cho biết: “Lễ bế giảng hôm nay có một ý nghĩa rất đặc biệt, bởi nó khởi đầu mở ra cho người khiếm thị một nghề mới – nghề công tác xã hội. Với đầy đủ yếu tố quan trọng và theo đúng các quy định của nhà nước về nghề, nghề đào tạo công tác xã hội dành cho người khiếm thị là nghề đạt tiêu chuẩn, chuẩn mực về trình độ sơ cấp của nhà nước, đặc biệt tiếp sau đó cơ hội học tập của các học viên sẽ được rộng mở hơn, các học viên có thể tiếp tục học liên thông lên trung cấp hoặc cao đẳng tại các trường đại học có chuyên ngành công tác xã hội”.

Cũng theo ông Hiếu, nghề công tác xã hội khi được đào tạo cho đối tượng là người khiếm thị sẽ tạo ra giá trị kép – những giá trị nhiều hơn là chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho một người học nghề. Người khiếm thị sau khi học xong nghề công tác xã hội sẽ có việc làm cho bản thân, đồng thời sẽ có những chương trình, hoạt động, dịch vụ trợ giúp xã hội cho người khiếm thị khác. Những người khiếm thị không tham gia vào lớp đào tạo nghề công tác xã hội nhưng vẫn được hưởng lợi từ chương trình này.

Đánh giá rất cao chương trình đào tạo nghề công tác xã hội của Trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù TP Hà Nội, bà Đinh Việt Anh – Phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam bày tỏ: “Trung tâm dạy nghề là đơn vị đầu tiên và cũng là duy nhất trên toàn quốc đào tạo nghề công tác xã hội dành cho các cán bộ, hội viên trong tổ chức hội người mù. Các học viên tham gia vào khóa học đầu tiên này có vai trò rất quan trọng. Đây là những học viên tiên phong học nghề công tác xã hội, sau đó sẽ chuyển thành những hoạt động tích cực cho người khiếm thị trong tổ chức hội cơ sở của mình. Bên cạnh đó, các học viên sẽ tham gia vào quá trình của xã hội và góp phần xây dựng mạng lưới nghề công tác xã hội ở địa bàn khu dân cư”.

Cũng tại lễ bế giảng, Trung tâm dạy nghề và trường Cao đẳng Hùng Vương đã công bố ký kết giao ước trong việc đào tạo nghề công tác xã hội dành cho người khiếm thị Hà Nội hệ trung cấp năm 2019.

Thành Nguyễn