Sáng ngày 4/1, Hội người mù TP Hà Nội tổ chức chương trình kỷ niệm 210 năm ngày sinh của Louis Braille (4/1/1809-4/1/2019), kỷ niệm 25 năm ngày thành lập CLB Tri thức và Đời sống (4/1/1994-4/1/2019, đồng thời phát động cuộc thi đọc viết chữ nổi Braille với chủ đề "Chữ nổi Braille - Đồng hành cùng tôi”. Đây là sự kiện khởi động cho chuỗi hoạt động của Hội người mù TP Hà Nội chào mừng 50 năm ngày thành lập Hội người mù Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô trong năm 2019.

Phát biểu khai mạc chương trình kỷ niệm, bà Chu Thu Hà – Phó chủ tịch, Trưởng ban tuyên giáo Hội người mù TP Hà Nội, đã chia sẻ đến với hơn 100 cán bộ, hội viên về sự ra đời của hệ thống chữ nổi Braille và những giá trị của nó mang lại cho người khiếm thị Việt Nam trong công việc và học tập.

Ảnh: Bà Chu Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội người mù Thành phố Hà Nội

 Bà Thu Hà nhấn mạnh: “Trước đây việc đọc sách, viết chữ là một việc không tưởng đối với tất cả người khiếm thị trên toàn thế giới. Có rất nhiều phương pháp để giúp người khiếm thị biết chữ nhưng đều gặp khó khăn và hạn chế. Mọi điều đã được thay đổi khi Luis Braille phát minh ra hệ thống chữ nổi Braille từ những năm 1820, và ông hoàn thiện nó khi ông 18 tuổi. Hệ thống chữ nổi Braille có thể chuyển ngữ được sang ký hiệu chữ cái, những ký hiệu phức tạp của Toán học, âm nhạc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có nhiều lúc tưởng chừng  chữ nổi Braille bị chìm vào bóng đêm bởi sự đố kỵ của con người. song, với nỗ lực của bản thân cũng như của cộng đồng người khiếm thị thời đó, chữ nổi Braille đã khẳng định được vị thế, có một giá trị to lớn trong giáo dục và giúp người khiếm thị tiếp cận với tri thức.”

 Chữ nổi Braille đã du nhập vào Việt Nam và được Việt hóa từ năm 1898. Đến nay người khiếm thị Việt đã, đang sử dụng chữ nổi Braille như một chiếc chìa khóa vạn năng, mở ra kho tàng tri thức, giúp cho người khiếm thị trau dồi, bổ sung kiến thức, tự tin hòa nhịp với cuộc sống.

Ảnh: Toàn cảnh chương trình kỷ niệm Kỷ niệm ngày sinh của “Người chiến thắng bóng tối” Luis Braille

Cũng tại chương trình, các cán bộ, hội viên còn được ôn lại những kỷ niệm thời gian đầu thành lập CLB Tri thức và Đời sống – một phương thức giúp người khiếm thị Thủ đô tiếp cận được các thông tin của nhà nước, của tổ chức hội liên quan đến người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng.

 CLB Tri thức và Đời sống đã đồng hành cùng người khiếm thị với các nội dung phong phú, đa dạng, từ việc ôn lại những truyền thống của đất nước, của dân tộc, tổ chức hội…  đến việc phổ biến những kiến thức về khoa học, đời sống đã được truyền tải thông qua các buổi sinh hoạt hàng tháng, được đông đảo các cán bộ hội viên hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, tại buổi sinh hoạt, những người khiếm thị Thủ đô được giao lưu, gặp gỡ các diễn giả nổi tiếng như giáo sư sử học Lê Văn Lan, Giáo sư sử học Dương Trung Quốc, nhà tâm lý học Đinh Đoàn, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm…

 Đến dự chương trình kỷ niệm, ông Nguyễn Xuân Hưởng – nguyên Phó chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội, người đã có ý tưởng thành lập CLB Tri thức và Đời sống từ năm 1994, xúc động chia sẻ: “Thật ý nghĩa khi “đứa con tinh thần” của người khiếm thị thủ đô hôm nay tròn 25 tuổi. Một lễ kỷ niệm thật ý nghĩa và cảm xúc. Tôi tự hào khi thấy CLB Tri thức và Đời sống ngày càng đổi mới, sáng tạo và thiết thực với các cán bộ, hội viên”.

 Trong khuôn khổ của chương trình, Ban tuyên giáo của Hội người mù TP hà Nội đã phát động cuộc thi đọc viết chữ nổi với chủ đề: “Chữ nổi Braille – Đồng hành cùng tôi”. Cuộc thi sẽ bắt đầu triển khai trong tháng 1/2019 tại các tổ chức hội cơ sở và tháng 4/2019 vòng chung khảo diễn ra tại cấp Thành hội.

Thành Nguyễn