Nhẩy múa là một phần của nền văn hóa mỗi quốc gia, xuất hiện từ khi con người có mặt trên trái đất. Người ta nhẩy múa trong lễ nghi tôn giáo, trong liên hoan kỷ niệm, giao tế nhân sự, trong giải trí cá nhân, trước khi lâm trận chiến tranh, săn bắn và cả trong liên hoan gây quỹ từ thiện, bác ái.

Nhẩy múa gợi ra ít nhất một số yếu tố của nền văn hóa qua quần áo mặc khi biểu diễn, nhạc cụ, điệu nhẩy và thể điệu âm nhạc riêng của từng dân tộc.

Nhẩy múa hoặc khiêu vũ là di chuyển các bước chân theo điệu nhạc một mình, cùng bạn nhảy hoặc trong một nhóm tại nhà, câu lạc bộ, hội quán hoặc vũ trường, nhà hàng...

Các từ “múa đôi”, “nhẩy đầm”, “nhảy nhót”, đi “bum” “đi bal”, khiêu vũ thể thao (DanceSport), khiêu vũ trường sinh… cũng thường được dùng.

Nhẩy múa đã được tạo hóa gắn vào mỗi tế bào của con người kể từ thuở mới mở mắt chào đời, giơ tay, đạp chân, oe oe tiếng khóc. Cho nên tục ngữ châu Phi có nhận xét “Ai biết nói thì cũng hát được. Ai biết đi thì cũng biết nhẩy múa”.

Aristotle xếp nhẩy múa ngang hàng với thi ca và cho rằng một số vũ công có thể diễn tả các ứng xử xã hội, tình cảm và hành động qua nhiều điệu bộ nhịp nhàng.

Vũ công danh tiếng Mata Hari (1876- 1917) triết lý: “Nhẩy múa là một bài thơ mà mỗi cử động là một lời nói”.

Theo Albert Einstein, “Vũ công là các lực sĩ của Thượng Ðế”.

Voltaire khuyên “Hãy đọc sách và khiêu vũ vì đó là hai thú vui không bao giờ làm hại ai”.

Với những lợi ích vừa nêu, lớp học khiêu vũ do Hội Người mù thành phố Hà Nội phối hợp cùng Hội Người Mù quận Đống Đa đã ra đời. Lớp học được tài trợ bởi tổ chức Reach, Một tổ chức luôn vì lợi ích cộng đồng, đặc biệt là vì hạnh phúc và đời sống của người khiếm thị.

Lớp khiêu vũ mở ra là một hướng đi không mới nhưng rất hợp với xu thế phát triển giúp người khiếm thị mở mang thêm kiến thức, tăng cường sức khỏe, giảm được nhiều bệnh tật. Nhất là bệnh về tim mạch và xương khớp.

Theo như chị Đỗ Thúy Hà, chủ tịch HNM quận Đống Đa có chia sẻ:

Ban đầu, khi vận động những người đồng cảnh tham gia học khiêu vũ cũng gặp không ít những khó khăn. Bởi thể dục, thể thao thì người khiếm thị đã học và đã tham gia. Nhưng khiêu vũ là một bộ môn nghệ thuật phải rất giỏi về tiết tấu, cũng như sự uyển chuyển giữa các động tác, nhịp bước và khuôn mặt biểu lộ tình cảm; Mà điều này người khiếm thị có nhiều hạn chế vì động tác thường lóng ngóng, vụng về do tật mắt đem lại. Nhưng với sự kiên trì vận động của ban tổ chức, cộng với lòng nhiệt tình ham học hỏi những điều hay, sự mới lạ nên sau những bỡ ngỡ, băn khoăn ban đầu, đã có rất nhiều người khiếm thị ở mọi lứa tuổi đăng kí học.

Với người mù việc cảm nhận về sắc thái của điệu nhạc rất tinh tế. Đây là một thuận lợi mà không phải đối tượng nào cũng có được. Từ thuận lợi đó, thầy giáo Tô Văn Hòa đã đưa người khiếm thị bước vào những động tác khiêu vũ căn bản. Rất nhẹ nhàng, mềm mại vui tươi. Học viên đều được thầy nhiệt tình chỉ tận tay những động tác ban đầu. Khó khăn là hiển nhiên. Nhưng với lòng quyết tâm, lớp học đã dần làm quen với những phương pháp như nhẩy theo bản nhạc. Từ chỗ phải đếm bước, rồi lẩm nhẩm để tránh lệch nhịp, làm sai động tác thì giờ đây, những học viên đã tự tin biểu diễn nhẩy đôi. Có người còn chủ động dẫn dắt rất nhịp nhàng, hài hòa và biểu lộ sắc thái, tình cảm rất ăn ý.

Ảnh: Lớp học khiêu vũ đang biểu diễn tại nhà Bát giác quận Hoàn Kiếm

Thật tuyệt vời! Trong sáng ngày 18/05/2019 vừa qua, lớp học khiêu vũ của quận Hội đã biểu diễn và giao lưu với câu lạc bộ khiêu vũ mùa xuân tại nhà Bát giác quận Hoàn Kiếm hà Nội.

Không quản thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao 39, 40 độ C, trên khuôn mặt của những học viên, đều ánh lênnét rạng rỡ, tươi niềm vui phơi phới. Những tiết mục biểu diễn hoàn hảo, những cặp đôi trình diễn giữa các vũ công chuyên nghiệp với những học viên khiếm thị diễn ra thật nhịp nhàng và đong đầy xúc cảm. Từ điệu slow Valse tình tứ uyển chuyển, tới điệu chachacha 5 bước trong 4 phách. Dứt khoát, bông đùa, trêu ghẹo rất tươi vui. Đây điệu Rumba thật tình tứ và quyến rũ. Thể hiện một mối tình rất nồng nhiệt thật đắm say.              

 Ảnh: Lớp học khiêu vũ đang biểu diễn tại nhà Bát giác quận Hoàn Kiếm

 Người nữ tìm cách chinh phục người nam bằng những yếu tố duyên dáng và nữ tính của mình; Điệu nhẩy này khá khó bởi người nhảy Rumba phải bước trên mu bàn chân (balls of feet), phải thể hiện tính lãng mạn và tình tứ của Rumba giữa hai bạn nhảy bằng những động tác chuyển hông (hip actions) và những động tác thân thể (body movements) của nhau. Nhưng với tài năng của mình, người vũ công khiếm thị đã đảm bảo được Những bước phổ thông của Rumba là New York, Cucaracha, Fan, Under arm turn, Walks, Sliding Door, Closed Hip Twist....

 Ảnh: Lớp học khiêu vũ đang biểu diễn tại nhà Bát giác quận Hoàn Kiếm

Họ, những con người mất đi nguồn ánh sáng của đôi mắt. Nhưng trong họ lại rực hồng ánh sáng xuất phát tự bởi trái tim. Họ không nhìn bằng ánh sáng thể lý thông thường mà họ nhìn sâu từ trái tim. Khi tham gia sánh đôi khiêu vũ, họ đã thả hồn mình vào từng động tác, từng giai điệu lung linh. Họ đã xóa nhòa mọi khoảng cách, mọi sự cản trở để cùng đồng điệu, cùng thăng hoa bên người bạn nhẩy đồng hành với mình để làm nên một tác phẩm có giá trị nghệ thuật chân thực, xúc cảm và đậm tình yêu thương.

Mai Hà