Tối ngày 8/8 vừa qua, tại khu du lịch Ao Vua (Ba Vì), Hội người mù TP Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày hợp nhất Hội người mù hai tỉnh Hà Nội và Hà Tây bằng một chương trình Gala Dinner đốt lửa trại truyền thống rất ấn tượng và đặc sắc. Chương trình thể hiện tinh thần đoàn kết sự tự tin của những người khiếm thị Thủ đô trong quá trình xây dựng, phát triển tổ chức hội vững mạnh.

Phóng viên Nguyễn Tiến Thành đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm dạy nghề của Hội người mù TP Hà Nội và ông chính là Tổng đạo diễn chương trình Gala Dinner: 

Ảnh: Ông Trần Trung Hiếu – Tổng đạo diễn chương trình Gala Dinner

Thưa ông, xuất phát từ ý tưởng nào, ông và các cộng sự của mình đã xây dựng lên một đêm Gala Dinner ngày 8/8 đầy mầu sắc như vậy?

Thứ nhất, chúng tôi xuất phát từ  những tình  cảm, nhu cầu thực tế của các cán bộ, hội viên hoạt động trong thời gian vừa qua. Thứ hai là  trong hoạt động Hội thì phải cần có những sự kiện để đánh dấu những dấu mốc quan trọng và sự kiện đêm 8/8 đã thể hiện được điều đó. Chương trình cũng phù hợp với chủ trương của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó,   Gala Dinner còn tạo sự gắn kết giữa các cán bộ của Hội người mù TP Hà Nội.

Các hoạt động của đêm Gala Dinner đều gắn với những ý nghĩa nhất định phải không thưa ông? 

Những hoạt động trong chương trình như xin lửa tại đền thánh Tản Viên, rước lửa, vẽ ngôi sao lửa trên không trung,  xếp vòng tròn nhảy múa bên lửa …  đều do chúng tôi  - những người khiếm thị tự lên kịch bản và làm đạo diễn.

Chương trình có 3 ý nghĩa quan trọng. Một là xác định cội nguồn của chúng ta. Hai là tạo ý nghĩa vui tươi, đoàn kết, ấm cúng cho hoạt động Hội. Ba là có ý nghĩa truyền thông đối với cộng đồng xã hội về tổ chức của những người khiếm thị,   về truyền thống và những dấu ấn mà hội đã đi qua .

Ý nghĩa quan trọng nữa, chương trình là một điểm nhấn chào mừng đại hội Hội người mù TP Hà Nội lần thứ X sẽ diễn ra vào cuối tháng 9/2018.

Ảnh: Đêm lửa trại truyền thống mang lại dấu mốc lịch sử cho người khiếm thị Thủ đô

Một điều đặc biệt là chương trình được thực hiện  đều do những người gặp khó khăn về nhìn thực hiện.Vậy đâu là những  khó khăn của ông khi triển khai?

Ngay từ đầu khi nhận nhiệm vụ, tôi đã xác định chương trình này  là của người khiếm thị, chắc chắn phải do chính những người khiếm thị thực hiện. Khó khăn mấy cũng phải vượt qua. Mặc dù lần đầu có thể chưa Hay, chưa tốt như mong muốn nhưng thông qua hoạt động người khiếm thị đã chứng minh là mình cũng có thể thực hiện được những chương trình mang tầm vóc và quy mô.

Trong chương trình xuất hiện rất nhiều hình ảnh như hình ảnh rước lửa, vẽ ngôi sao trên không trung, vậy, ban tổ chức Đã truyền tải tới những khán giả khiếm thị tham gia như thế nào?

Để người xem là những người khiếm thị có thể hình dung ra được thì vai trò của người dẫn chương trình là rất quan trọng. Trong bài thuyết minh của người dẫn chương trình phải miêu tả, xây dựng nên những hình ảnh để người khiếm thị có thể tưởng tượng được ra. Các bạn khiếm thị trong ban tổ chức  cũng phải Tập luyện cho chương trình này trong rất nhiều ngày, đặc biệt là các bạn trong nhóm rước lửa để có thể tạo nên sự thành công tiết mục của mình.

Ảnh: Sự gắn kết trong tổ chức hội người mù

Sau chương trình, có nhiều người đánh giá đây là một  “dấu mốc lịch sử”.  Ông có cảm xúc như thế nào về ý kiến đánh giá đó?

Tôi cho rằng đây là hoạt động đầu tiên với hình thức tổ chức đốt lửa trại truyền thống sau 46 năm Hội người mù TP Hà Nội  ra đời.  Vì là lần đầu tiên nên vừa mang tính chất khai phá nhưng cũng phải thành công, nhiệm vụ đặt ra là rất quan trọng. Điều này sẽ củng cố vai trò vị thế của hội trong con mắt của cộng đồng xã hội.

 Xin cảm ơn ông!

 Thành Nguyễn