Xin mời các bạn hãy ghé qua Hội người mù quận Ba Đình, nằm trên con phố nhỏ Phạm Hồng Thái của Hà Nội. Tại số nhà 42 của phố này, các bạn sẽ thấy được các hoạt động học tập, lao động sản xuất hay những phong trào văn hóa, văn nghệ diễn ra hết sức sôi nổi của những người khiếm thị Ba Đình. Họ là những người sống tự trọng, tự tin, vui vẻ lạc quan yêu đời.
Vào ngày 22/9/1973, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng bộ, chính quyền, Đại Hội lần thứ nhất Hội người mù quận Ba Đình đã diễn ra trong niềm hân hoan xúc động của biết bao người mù. Bởi từ đây, những Người mù Ba Đình đã thực sự có được một tổ chức đại diện của mình.
Ngay sau ngày thành lập, Quận Hội đã xác định lao động việc làm là nhu cầu không thể thiếu được với mỗi con người nói chung, đối với người khiếm thị đây còn là nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng. Bởi vì, Người khiếm thị tuy bị mất đi phần quý giá nhất của con người là đôi mắt, nhưng vẫn khát khao được sống, làm việc như người bình thường khác trong xã hội, vẫn có thể làm được những việc có ích cho gia đình và xã hội.
Nhằm đáp ứng nguyện vọng khát khao cháy bỏng của hội viên là được lao động, được làm việc như những công dân bình thường khác trong xã hội để có thu nhập tự nuôi sống bản thân, năm 1973 Cơ sở tăm tre An Toàn, nay là Tổ Hợp tác Nhân Đạo được thành lập. Để duy trì và phát triển sản xuất, các bác, các anh chị tổ viên ngày đó đã trải qua biết bao khó khăn, trở ngại như: tự mầy mò đi học nghề, tự gom góp vốn, cho mượn nhà để làm nơi sản xuất v..v . Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Thành hội, sự quyết tâm vươn lên khắc phục khó khăn của Tổ viên, cùng sự giúp đỡ tận tình của các Ban ngành, các tổ chức đoàn thể nên tình hình sản xuất của cơ sở dần đi vào ổn định và ngày càng phát triển. Những gói tăm làm ra tuy nhỏ bé nhưng ý nghĩa mang lại thì rất lớn. Bằng việc làm thực tế, Hội đã chứng minh khả năng tổ chức quản lý sản xuất của mình. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng rất tín nhiệm. Công ty Công nghệ phẩm đã thu mua toàn bộ sản phẩm làm ra của Tổ sản xuất. Có nhiều năm cơ sở Nhân Đạo đạt sản lượng cao tới 5 đến 6 triệu gói tăm/năm, giải quyết cho hơn 60 hội viên có việc làm thường xuyên. Trong đó, có cả những hội viên không thuộc địa bàn Quận, nhưng có nhu cầu làm việc cũng được cơ sở tiếp nhận. Thu nhập từ nghề làm tăm tre không cao, nhưng công việc tưởng chừng giản đơn ấy đã tạo nên niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống của người khiếm thị, từ đó xóa bỏ mặc cảm tự ti, đồng thời, làm thay đổi nhận thức của xã hội về khả năng của người khiếm thị. Sau năm 1992, nhiều Quận, Huyện và các Tỉnh, Thành hội bạn đã đến thăm quan, học hỏi và nghề làm tăm chổi đã được phát triển ở nhiều tỉnh, thành Hội. Cũng từ đó, tăm chổi trở thành mặt hàng truyền thống của Người mù.
Vào năm 1990 nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động, Trung ương Hội người mù Việt Nam mở cuộc vận động "Tuần lễ chăm sóc người mù" thông qua cuộc vận động này Hội cũng đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn Quận, đặc biệt là Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận đã vận động nhà trường và các em học sinh thường xuyên mua tăm, chổi từ thiện. Hàng năm Hội Phụ Nữ, Hội Chữ Thập Đỏ đã tiêu thụ hàng vạn chiếc chổi đót tạo điều kiện thuận lợi cho Hội có thể chăm sóc hội viên được tốt hơn.
Năm 2003, Quận Hội được Ủy Ban cho xây mới trụ sở tại số 42 phố Phạm Hồng Thái và nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của hội viên trẻ, Hội đã mạnh dạn triển khai dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động lượng khách hàng đến với cơ sở ngày càng đông. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 2,4 triệu đồng/ người/1 tháng.
Ngoài hình thức sản xuất, dịch vụ tập trung, từ năm 1993 Quận Hội đã làm thủ tục tín chấp cho hàng trăm lượt hội viên vay vốn từ “nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm” để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy nhiều gia đình hội viên đã có cuộc sống ổn định. Hội đã đề nghị với Thành Hội người mù xin cấp thẻ Bảo hiểm y tế và Thẻ đi xe buýt miễn phí cho 100% hội viên có nhu cầu. Hội cũng quy định các chế độ thăm hỏi khi hội viên ốm đau, chia sẻ tình cảm khi gia đình có chuyện vui hay buồn. Hàng năm Hội còn tổ chức đi tham quan nghỉ mát, tặng quà cho hội viên trong các dịp lễ tết, ngày thương binh liệt sĩ, ngày người cao tuổi Việt Nam… Thông qua những hoạt động thiết thực đó tình thương yêu, đoàn kết giữa những người đồng tật ngày càng được bền chặt hơn.
Một người bị khiếm thị thì thường đi kèm với sự thất học hèn kém. Trước ngày thành lập Quận Hội, số người biết sử dụng chữ nổi chỉ đếm trên đầu ngón tay vì vậy một nhiệm vụ quan trọng nữa của Hội là phải xóa mù chữ nâng cao trình độ học vấn cho hội viên. Với phương châm "Người đi trước rước người đi sau, người đi sau theo mau người đi trước" Các lớp bổ túc văn hóa đã được mở ra, người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người học lớp trên dạy cho người lớp dưới. Lớp nhiều nhất có 10 học viên, có những lớp chỉ có 1 hoặc 2 học viên Quận hội vẫn tổ chức học bình thường. Cứ như thế, với sự phấn đấu kiên trì, bền bỉ trong nhiều năm liên tục cho đến nay hầu hết người mù trong độ tuổi đều có trình độ văn hóa cấp II, nhiều hội viên trẻ còn phấn đấu học lên và đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học. Nhằm thúc đẩy, khuyến khích mọi người phấn đấu vươn lên, quận hội Ba Đình cũng khuyến khích, động viên cán bộ, hội viên đơn vị mình tham tích cực các phong trào, chương trình của Thành hội. Đặc biệt, là cuộc vận động "2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu" đã thu hút trên 90 % hội viên Quận Hội tham gia.
Trong quá trình hoạt động, để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Quận Hội còn cử nhiều cán bộ, hội viên theo học các lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị và quản lý hành chính nhà nước, do trường Đào Tạo cán bộ Lê Hồng Phong phối hợp với Thành hội tổ chức. Từ năm 2006, phong trào học vi tính phát triển rất nhanh trong tổ chức Hội. Chiếc máy vi tính đã trở thành phương tiện hữu hiệu giúp người khiếm thị học tập, làm việc và giao tiếp với cộng đồng. Hiện nay Quận hội có gần 30 hội viên sử dụng thành thạo máy vi tính trong việc soạn thảo văn bản, truy cập Internet. Cùng với đó, Quận hội còn khơi dậy trong hội viên khát vọng vươn tới lĩnh vực học tập và giao tiếp với bạn bè Quốc tế. Vì thế, được sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện Úc, Quận Hội đã mở một lớp học tiếng Anh, cho hơn 10 hội viên, nhằm tạo cơ hội cho các bạn trẻ. Đến nay nhiều bạn trong lớp đã sử dụng được tiếng Anh giao tiếp cơ bản.
Phong trào văn nghệ, sáng tác thơ ca cũng là một thế mạnh của Quận Hội. Những bài thơ, bài hát do các bác cao tuổi sáng tác được đăng trên nhiều báo, đài. Đội văn nghệ Quận hội thường xuyên biểu diễn trong các hội nghị và đã đoạt nhiều giải trong các kỳ hội diễn. Hàng quý Hội tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ mời diễn giả đến nói chuyện về các chuyên đề mà mọi người đang quan tâm. Câu lạc bộ tâm năng dưỡng sinh nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe của các bác trong khu điều dưỡng Thương binh hỏng mắt hoạt động nhiều năm rất có hiệu quả. Hội còn xây dựng một tủ sách chữ nổi, vận động mọi người nghe băng đọc báo do Trung ương và Thành Hội phát hành. Những hoạt động đó đã góp phần nâng cao trình độ dân trí của hội viên.
Ngày đầu thành lập Hội chỉ có 35 hội viên. Hồi đó người mù sống trong mặc cảm, tự ti ngại tiếp xúc với bên ngoài xã hội, nhiều gia đình sợ xấu hổ nên không muốn cho con em mình đi tham gia sinh hoạt, do vậy phát hiện và vận động người khiếm thị gia nhập Hội lúc đó là rất khó khăn. Vừa kiên trì vận động vừa bằng những lợi ích thiết thực do Hội mang lại cho đến nay đã có trên 200 người khiếm thị trên địa bàn đều tham gia Hội. Một số người do tai nạn hoặc bệnh tật bỗng nhiên mất đi nguồn ánh sáng quý báu, họ rất hoang mang lo sợ cho tương lai của mình. Nhưng sau một thời gian tham gia sinh hoạt được học các lớp phục hồi chức năng họ nhanh chóng lấy lại được trạng thái cân bằng về mặt tâm lý, tìm lại niềm lạc quan trong cuộc sống. Thông qua các hình thức hoạt động, tạo điều kiện giúp cho hội viên có việc làm, được học tập văn hóa, đào tạo dạy nghề, cùng giúp nhau trong đời sống hàng ngày Hội đã động viên người khiếm thị và gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước các quy định của địa phương và điều lệ Hội. Thông qua các nội dung công tác, Hội đã khuyến khích khơi dậy những tiềm năng, nghị lực phấn đấu vươn lên trong mỗi cán bộ, hội viên để tự trọng, tự tin khẳng định mình trong gia đình và xã hội.
Với những nỗ lực, phấn đấu trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, Hội người mù quận Ba Đình đã đạt được nhiều thành tích và đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của Trung Ương Hội, của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, của Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng và đặc biệt là Quận Hội đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân Chương lao động hạng III năm 1992 và 2014. Năm 2012, được nhận bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ. Quận Hội Ba Đình luôn đứng ở tốp dẫn đầu phong trào thi đua của Hội Người mù Thành phố Hà Nội.
Những thành tích đạt được trong suốt quá trình phát triển của Quận hội luôn gắn liền với sự chỉ đạo sâu sát của Thành Hội cùng sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận. Năm 1993 Hội được công nhận là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận đã giúp cho vai trò vị trí của Hội trong đời sống xã hội được nâng lên một tầm cao mới. Ngoài sự giúp đỡ của Phòng Lao động - TBXH hiện nay Hội còn nhận được sự đồng cảm giúp đỡ của nhiều ban ngành đoàn thể như Phòng Giáo Dục, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ v..v.
Trải qua hơn 40 năm nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của toàn thể cán bộ, hội viên Quận hội cùng với sự quan tâm giúp đỡ chia sẻ của cộng đồng xã hội đời sống của người khiếm thị đã được cải thiện đáng kể. Mất đi ánh sáng của đôi mắt nhưng chúng ta lại có ánh sáng của niềm tin. Toàn thể cán bộ, hội viên Hội người mù Ba Đình quyết tâm đoàn kết một lòng đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn thử thách phát huy trí tuệ và tài năng để xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, góp sức mình cùng toàn Đảng toàn dân vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước tất cả vì mục tiêu: "Dân giầu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"
QUẬN HỘI NGƯỜI MÙ BA ĐÌNH
Chủ Tịch
Nguyễn Thị Kim Khanh