Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền

(Hồ Chí Minh)

Chú Đàm Quyết Tiến là một người con của mảnh đất Phúc Thọ, Hà Nội. Ngày 18 tháng 06 năm 1982, chú sang Liên Xô theo học ngành Sản xuất khí cụ điện. Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm như dòng sông Sem trong lòng thành phố nơi chú sống để chàng trai ấy thẳng tiến trong sự nghiệp, nhưng điều không ai mong muốn đã xảy ra. Các giáo sư, bác sĩ phát hiện chú mắc căn bệnh hiểm nghèo. Sau ca đại phẫu thuật, cuộc đời chuyển sang màu đen kịt không thấy nổi tương lai. Đôi mắt chú đã hỏng hoàn toàn. Số phận nghiệt ngã đã đẩy chú từ một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, tương lai rặng rỡ giờ trở thành một người khuyết tật, không chỉ bị khiếm thị mà chú còn rơi vào tình trạng phát âm khó khăn do ảnh hưởng của ca phẫu thuật. Ngày 30/10/1984, chuyến bay đưa chú về  đất mẹ trong bóng tối.

Sau thời gian đau khổ tận cùng ấy, chú đã dần lấy lại thăng bằng và làm quen với cuộc sống của một người mù, chú đã từng làm nhiều việc như:  bện chổi đót, tăm tre, chăn nuôi để giúp đỡ gia đình.

Năm 1991 chú xin gia nhập Hội người mù huyện Phúc Thọ. Đôi mắt dẫu mất nhưng tinh thần và trí tuệ luôn sáng tỏ. Chú đóng góp nhiều ý tưởng hay, tích cực trong hội với nhiều đề xuất hợp lý, những cách làm hay, được lãnh đạo cũng như toàn thể Hội viên khâm phục và yêu mến. Chỉ 3 năm sau, trong Đại hội Hội người mù huyện Phúc Thọ khóa II tổ chức vào tháng 8 năm 1993, chú được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội.Với cương vị mới này, chú chăm lo cho đời sống của những hội viên đồng tật. Chú luôn tìm mọi phương cách giúp đỡ, hỗ trợ, động viên, luôn cổ vũ, khích lệ khơi dạy trong lòng mỗi người mù khao khát sống và cống hiến với khả năng của mỗi người. Đối với chú và tất cả hội viên, trái tim nhiệt thành đã thay cho đôi mắt dẫn lối để biến thành hành động đem lại giá trị cho xã hội.

Không chỉ là một cán bộ Hội năng nổ, gần gũi, chú còn là  một trong những cộng tác viên đầu tiên của Hội Người mù tỉnh Hà Tây cũ tham dự lớp báo chí của Trung ương Hội người mù Việt Nam, diễn ra vào tháng 03/1994. Như mảnh đất có thêm những bông hoa, công việc viết báo của chú bắt đầu từ đây. Không chỉ là một cây viết chắc tay của Hội, chú còn là một  cộng tác viên thường xuyên  tham gia và nhiều lần đoạt giải ở cuộc thi viết: “Nét đẹp đời thường” của báo Hà Tây trước kia. Cái duyên với nghề kết nối chú với vai trò cộng tác viên tích cực và thường xuyên của tạp chí Đời mới. Đôi bàn tay trước kia cứng cỏi làm điện, giờ mềm mại miệt mài gieo cầy không ngơi nghỉ trên cánh đồng văn chương, chữ nghĩa.

Ảnh: Đàm Quyết Tiến - chủ tịch HNM Huyện Phúc Thọ

Chú tâm sự: Thuở đi học, chú từng “khoác áo” đội tuyển học sinh giỏi môn văn cấp huyện. Chú vốn rất yêu thích những áng văn hay, những tứ thơ trác tuyệt. Thế nên không chỉ viết báo, trong tâm hồn nhạy cảm của chú cháy thêm ngọn lửa của tình yêu thi ca. Trong suốt quá trình công tác, Chú đã miệt mài cho ra đời gần 100 bài thơ với nhiều chủ điểm khác nhau ca ngợi những nét đẹp làng quê, những con người chăm chỉ, cuộc sống lao động của Hội viên, tình yêu quê hương đất nước, phục vụ đời sống tinh thần cho nhiều độc giả là Hội viên lẫn người ngoài Hội. Ban chấp hành có gợi ý xuất bản tập thơ làm kỷ niệm. Sau thời gian biên tập, sắp xếp cũng như sáng tác thêm, tập thơ đã được đón nhận, gặt hái nhiều thành công ngoài mong đợi. Niềm vui nối tiếp niềm vui, Bài thơ mang tên “Bình minh cuộc đời” rút trong tập thơ cùng tên đã đoạt giải Nhì.

Cuộc thi "Thắp sáng niềm tin, dựng xây đời mới" được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội người mù Việt Nam. Bài thơ được in trong tập san số đặc biệt của Hội người mù Việt Nam. Trước đó vào năm 2000, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập báo Đời mới của Hội người mù Việt Nam, bài  dự thi của chú đã dành giải nhất trong cuộc thi Tạp chí Đời mới của chúng ta. Những thành tựu nhỏ nhưng mang một tình yêu, cảm hứng và ý chí không hề nhỏ của người chủ tịch Hội người mù huyện Phúc Thọ, hay của một người đã vượt qua bao thử thách của trang đời mới khi không thể trở lại cánh cửa của ánh sáng.

Trong mỗi bài viết, tác phẩm báo chí hay văn học của chú, luôn nhắc nhở mình câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh mà chú tâm niệm rằng: "Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết sao cho dễ hiểu?”. Chú đang tích cực đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm phục vụ tốt nhất cho nhân dân, hay gần nhất là những hội viên có chung hoàn cảnh, một lòng sống và hướng theo sự lãnh đạo của Đảng, hướng tới cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc và bình đẳng trong xã hội. Người mù dẫu không thể nhìn thấy, nhưng vẫn có thể làm được mọi việc bằng cách rất riêng của họ.

Ngoài giờ làm việc, chú say mê, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày như đạp xe để   tăng cường sức khỏe, vượt khó vượt cản thể dục, thể thao, rèn tâm lực, trí lực. Chú là một trong số những người cao tuổi đã thành công chinh phục đền Thượng thờ Thánh Tản viên sơn tại Ba Vì với độ cao 1227 mét so với mặt nước biển. Một trong những điều phi thường đối với một người không còn ánh sáng đồng  hành.

Ý chí tự thân trong mỗi người là quan trọng, nhưng người đồng hành với chúng ta trong đời cũng quan trọng không kém. Cuộc sống thêm đẹp, thêm động lực của chú Tiến không thể thiếu đi hình bóng của cô Vân - người vợ tảo tần, đảm đang đã đi bên chú hơn ba chục năm qua. Điều đặc biệt rằng, cô chú nên duyên với nhau sau 2 năm chú mất đi đôi mắt - năm 1986. Cô Vân đã tin tưởng, yêu thương  và nên duyên cùng  chú dẫu nhiều điều kiện cản trở trong cuộc sống hiện tại. Tôi tin rằng, tình yêu và sự hi sinh thầm lặng, kiên nhẫn của cô đã làm động lực giúp chú rất nhiều trong cuộc sống, trên những trang sách sáng ngời tình yêu, niềm khát vọng. Và cũng chính sự bền bỉ của chú đã tiếp thêm năng lượng cho cô để cuộc sống của gia đình cô chú êm đẹp, hạnh phúc viên mãn như hiện nay.

          Với những người mù như chúng tôi, Chú luôn là một tấm gương tạo động lực, cảm hứng cho các bạn trẻ trong Hội, chú là một hình mẫu tàn nhưng không phế như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy năm nào.

Thảo Linh, Văn Hùng