BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI ONKYO 15 NĂM 2017

Sinh ra tại thôn Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Khi cất tiếng khóc chào đời tôi cũng hoàn toàn khỏe mạnh với đôi mắt long lanh như bao đứa trẻ khác. Tôi lớn lên trong tình thương yêu hết mực của cả gia đình, những tưởng tương lai tươi sáng đang chờ đón tôi. Năm lên 3 tuổi, trận dịch Sởi đã cướp đi đôi mắt ngọc sáng long lanh ngày nào. Từ đó, tôi âm thầm sống trong bóng tối, bố mẹ tôi đã cạn khô dòng nước mắt nhưng cũng không thể thay đổi số phận nghiệt ngã cho cô con gái bé bỏng.

Những khó khăn, vất vả, những thiệt thòi và bất hạnh đến với tôi như thế đó. Và cũng có thể nói, những kinh nghiệm và cơ hội mới bắt đầu đến với tôi khi tôi lên 9 tuổi bố mẹ tôi bắt đầu dạy tôi làm các công việc nội trợ như: nấu cơm, chăn lợn, giặt giũ, xay thóc giã gạo… Tuy đôi mắt không còn được nhìn thấy ánh sáng nhưng với sự kiên trì bền bỉ, tập ddi tập lại, làm lần một chưa được thì lần hai, lần ba ... thậm trí là lần thứ mười. Dần dần tôi cũng làm được tất cả các công việc gia đình. Hằng ngày, tôi chỉ biết lấy công việc làm niềm vui, cuộc sống của tôi sẽ vô cùng buồn tẻ nếu như không có cái ngày đáng nhớ ấy, cái ngày đã mở ra cho tôi một cánh cửa của cuộc đời, đem đến cho tôi nhiều cơ hội, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời tôi.

Vào một buổi sáng đầu đông năm 1982, các anh trong Ban thường trực Hội người mù Hoài Đức đến thăm và kết nạp tôi vào Hội. Từ đó, tôi thường xuyên được tham gia hội họp, cảm giác vui sướng khó tả giống như con chim non bị nhốt lâu ngày được xổ lồng. Đến với tổ chức của người đồng tật tôi được bạn bè chào đón như anh chị em đi xa lâu ngày gặp lại. Tôi không còn thấy lạc lõng như trước kia nữa, mỗi ngày đối với tôi có ý nghĩa hơn. Niềm vui đong đầy khi tôi vừa được đi học nghề làm tăm, chổi vừa được đi học  chữ nổi- thứ chữ dành riêng cho người khiếm thị. Dòng chấm nổi có sức hút diệu kỳ khiến tôi miệt mài ngày đêm bên trang sách tập đọc, tập viết. Có lúc tôi cũng thấy khó nhưng tôi không nản lòng vì đây là ước mơ từ nhỏ mà tôi không thể tâm sự cùng ai. Tôi không dám nghĩ rằng một ngày nào đó tôi lại được viết tên của mình và những người thân yêu.

Nhưng đến hôm nay điều đó đã không còn là ước mơ nữa mà nó đã trở thành hiện thực. Sau ba tháng học tập, tôi đã đọc thông viết thạo chữ Braille. Với tính ham học hỏi và sự kiên trì nhẫn nại tôi đã dùng chữ Braille theo học bổ túc văn hóa hết lớp 12. Năm 1997, tôi được cử đi học lớp đào tạo giáo viên dạy chữ Braille cho Tỉnh hội người mù Hà Tây mở. Sau khóa học tôi trở về địa phương dạy cho những người mù chưa biết chữ, tôi muốn là người “gieo mầm ánh sáng” đem lại những kiến thức học được ở trường để giúp người cùng cảnh như tôi. Tôi đã tham gia dạy nhiều lớp xóa mù chữ do Huyện hội tổ chức. Tôi thấy rất vui khi đã làm được một việc có ích cho đời. Ngoài việc học tập và giảng dạy tôi còn rong ruổi khắp nơi khắp chốn, đến từng cơ quan, trường học để bán tăm tre của Hội để vừa có thêm thu nhập cho bản thân đồng thời góp phần xây dựng tổ chức Hội, nơi mà tôi luôn coi đó là ngôi nhà thứ hai của mình.

          Với khả năng, lòng nhiệt tình với công tác hội, tôi được lãnh đạo tin tưởng, hội viên tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành suốt bảy nhiệm kỳ. Ý thức trước công việc mà tổ chức giao cho tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Thường xuyên gần gũi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên từ đó tham mưu cho Ban chấp hành để có sự giúp đỡ kịp thời và thiết thực, động viên người mù gia nhập tổ chức Hội.

          Do có thời gian hoạt động Hội khá lâu nên tôi quen rất nhiều bạn trong và ngoài huyện, thế rồi tôi đã có được tình yêu đôi lứa và thực hiện quyền làm mẹ, cái quyền thiêng liêng mà bất cứ người phụ nữ nào chẳng mong muốn có được. Hồi hộp, lo âu rồi ngày con gái tôi cất tiếng khóc chào đời đã đến; con gái tôi chào đời khỏe mạnh, xinh xắn trong sự vui mừng của gia đình và bạn bè. Tôi thầm cảm ơn ông trời đã ban cho tôi “viên ngọc minh châu” này để tôi có thêm động lực, có thêm chỗ dựa tinh thần cho tôi. Từ ngày có con cuộc sống của tôi trở nên vui vẻ và có ý nghĩa hơn, con gái chính là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường. Ngày tháng thoi đưa, giờ đây con gái tôi đã trưởng thànhlập gia đình và đã có hai cháu, một gái một trai. Vậy là, tôi cũng đã có cháu bồng, cháu bế. Các cháu cũng gần gũi, quấn tôi lắm.

          Bây giờ, tôi đã bước sang tuổi năm tư, song tôi vẫn không ngừng lao động, học tập và tham gia công tác Hội với mong muốn tất cả người mù ở địa phương biết đến tổ chức Hội để họ cũng được học tập và lao động như tôi.

Tôi thấy rằng, chúng ta ai muốn tự lập trong cuộc sống chẳng phải bắt đầu từ sự chăm chỉ học hỏi, tập luyện, tích lũy nhiều kết quả tập luyện lại thành ra những kinh nhiệm sống. Từ đó, những cơ hội như được học chư, học nghề, được giao lưu kết bạn, được gần gũi cới người thân yêu của đời mình, được làm cha, làm mẹ ...

Trên đây là vài dòng tâm sự về phần đời đã qua của tôi với những kinh nghiệm thực tế và những cơ hội đã giúp cho tôi có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Hi vọng rằng qua đây, tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm, sẻ chia của nhiều anh chị em đồng tật để chúng ta có thể thắp lên ngọn lửa của trái tim, ngọn lửa của tình đồng tật sẻ chia đầy nhân ái, để hội mãi là mái nhà chung của chúng ta.

Đỗ Thị Quý – Hội người mù Huyện Hoài Đức