Đợt dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…. Các cơ sở tẩm quất, hợp tác xã thủ công của người khiếm thị tạm thời đóng cửa khiến hội viên làm nghề không có thu nhập; giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng, tiền trợ cấp của nhà nước cũng chỉ đủ một phần mua nhu yếu phẩm nên đời sống của anh chị em hội viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Lê Trung Quyết-Chủ tịch HNM  Hà Nội đại diện nhận quà hỗ trợ của MTTQVN thành phố Hà Nội.

Nắm bắt và sẻ chia những khó khăn của hội viên, trong giai đoạn vừa qua, Thành hội và các Quận, Huyện, Thị hội đã tích cực vận động và tiếp nhận sự đóng góp ủng hộ từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố để hỗ trợ, chăm lo cho hội viên bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Trong đó, đặc biệt lưu tâm tới những hội viên khó khăn, đơn thân, cao tuổi, sức khỏe yếu và gia đình hội viên có con nhỏ. Trong quý I/2021, để hội viên vừa vui xuân đón tết vừa an tâm đảm bảo chống dịch, toàn Hội đã vận động xã hội hóa hỗ trợ  6.968 lượt hội viên người mù với tổng số tiền là: 3,8 tỉ đồng, suất quà cao nhất trị giá 3 triệu đồng, suất quà thấp nhất là 300.000 đồng.

 Các đợt cao điểm dịch bệnh bùng phát trong 6 tháng đầu năm 2021, Hội Người mù Thành phố và các đơn vị trực thuộc đã vận động và tiếp nhận tiền mặt cùng các nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu (mì gói, gạo, trứng, rau củ quả, sữa, nước suối, nước rửa tay, dụng cụ y tế...) đồng thời hội cũng đã trích quỹ hội trợ cấp cho hội viên khó khăn. Chỉ tính riêng Hội Người mù Thành phố đã vận động hỗ trợ được 7.745 lượt hội viên với tổng giá trị 1,5 tỉ đồng .Các đơn vị thành viên cũng đã xã hội hóa, trích quỹ hội để hỗ trợ hội viên với tổng giá trị gần 1 tỉ đồng. Tất cả tiền, vật phẩm tiếp nhận đã được Hội Người mù Thành phố và các đơn vị tổ chức trao ngay đến hội viên để góp phần giảm bớt khó khăn. Bên cạnh đó, Hội cũng đã phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội khám chữa bệnh và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho 200 hội viên; các Quận, Huyện hội cũng đã tổ chức 10 đợt khám, tư vấn nâng cao sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho 1.642 hội viên.

Song song với công tác chăm lo vật chất, Hội đã truyền tải đầy đủ các ý kiến chỉ đạo, công điện của UBND thành phố đến các đơn vị; thường xuyên, liên tục tuyên truyền phòng, chống dịch dưới nhiều hình thức phù hợp với đặc thù của người khiếm thị như tờ rơi bằng chữ nổi Braille, gửi qua email, zalo, thu âm gửi qua thẻ nhớ, đăng tải trên website của Hội…

Anh Nguyễn Trung Thái – hội viên Hội Người mù quận Hà Đông chia sẻ: Trong tình cảnh dịch bệnh này, đối với những người bình thường đã thấy khó khăn, đối với những người khiếm thị cuộc sống còn khó khăn hơn gấp bội. Rất may từ sự trợ giúp của Hội, tôi có thêm nhu yếu phẩm và cả tiền để duy trì cuộc sống. Trong thời gian tới rất mong các cơ quan hữu quan có các biện pháp để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, tăng thêm mức tiền hỗ trợ đối với những người khiếm thị đặc biệt là những người khiếm thị khó khăn, đơn thân, cao tuổi, mắc nhiều bệnh lý…

Còn đối với anh Nguyễn Huy Việt – Huyện hội Hoài Đức thì việc đóng cửa cơ sở xoa bóp đã khiến kinh tế của gia đình anh rất khó khăn. Sự hỗ trợ của Hội người mù Tp đã đến rất kịp thời để anh và gia đình yên tâm vượt qua đại dịch. Anh mong muốn trong điều kiện bình thường mới, các ngành chức năng có hướng ưu tiên các cơ sở của người khiếm thị, cơ sở có người khiếm thị tham gia sản xuất. Tạo điều kiện để các cơ sở dịch vụ, sản xuất kinh doanh của người  khiếm thị được miễn giảm thuế, tiền thuê cơ sở mặt bằng  và tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đại để phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội Người mù Thành phố Hà Nội cho biết: Trong giai đoạn tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hội viên khắc phục khó khăn trong cuộc sống trong đó tập trung vào việc: Tích cực, thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo hội viên thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOVI trên điện thoại thông minh.

Cùng với đó, Hội tiếp tục tổ chức nắm bắt tình hình, diễn biến dịch COVID-19, những khó khăn của hội viên để kịp thời có biện pháp hữu hiệu nhằm chăm lo tốt, đảm bảo không có hội viên nào bị đói, thiếu thốn vật dụng cần thiết để yên tâm góp phần phòng, chống dịch lây lan; Vận động, kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm... chung tay, góp sức hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn trong đại dịch; Tiếp tục dạy nghề truyền nghề phù hợp với người khiếm thị, trong đó, tập trung vào nghề xoa bóp, bán hàng online, công tác xã hội, các lớp nghề thủ công và các lớp khuyến nông giúp hội viên cùng gia đình tiếp tục sản xuất có thu nhập. Vận động các tổ chức cá nhân trao tặng cây, con giống cho hội viên ngoại thành và hỗ trợ, ưu đãi mặt hàng cho hội viên nội thành đã được đào tạo trong các lớp bán hàng online; Hỗ trợ hội viên về thủ tục hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng chính sách để tái sản xuất tăng thu nhập…

Hy vọng rằng, với những giải pháp phù hợp cùng sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, hội viên, Hội sẽ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc giúp anh chị em hội viên an toàn và vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.

Lê Chinh

(Nguồn: Hội Người mù Việt Nam)