Ngày 2/12, Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Người mù thành phố Hà Nội đã phối hợp với  quỹ ABILIS và Hội từ thiện Lão nhà quê cùng những người bạn tổ chức Hội thảo “Phát triển dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị Hà Nội”.  Đây là hoạt động thứ 4 trong chuỗi các hoạt động của dự án “Tư vấn hướng nghiệp việc làm, hỗ trợ vốn phục hồi kinh tế, chung sống an toàn trong đại dịch Covid-19 cho người khiếm thị tại nông thôn Hà Nội”.

Hội thảo  được tổ chức theo phương  thức trực tiếp và trực  tuyến  đã thu hút  sự tham gia của trên 150 đại biểu. 

 Ảnh: Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội Người mù Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội Người mù thành phố Hà Nội, cho biết: “Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng thuận lợi, khó khăn của hoạt động dịch vụ tẩm quất người khiếm thị và đề ra các giải pháp thích ứng, phát triển dịch vụ, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động chung sống an toàn trong đại dịch Covid-19.

Theo ông Trần Trung Hiếu, hiện có hơn 2.000 người khiếm thị đang trực tiếp hành nghề tẩm quất trên địa bàn Thủ đô và cuộc sống của cả chục nghìn người thân đang hàng ngày, hàng tháng trông đợi vào kết quả công việc của họ. Cùng với đó là hàng chục, hàng trăm nghìn khách hàng đang sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của người khiếm thị  với mục đích bồi bổ,  chăm sóc sức khỏe bản thân.

 Bên cạnh giá trị về kinh tế, xã hội, sản phẩm, dịch vụ  tẩm quất  của người khiếm thị còn mang trong đó một phần dòng chảy giá trị văn hóa y học cổ truyền của dân tộc.

Để nghề tẩm quất của người khiếm thị phát triển  bền vững, đúng hướng, đem lại những giá trị cả về ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa xã hội cho cộng đồng là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Từ khi được cấp phép dạy nghề tẩm quất cho người khiếm thị năm 2014, Trung tâm dạy nghề đã tổ chức 3 kỳ hội thảo vào các năm 2014, 2019, 2021. Trung tâm cũng liên tục đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan và tìm những giải pháp, tháo gỡ từng vấn đề từ nhỏ đến lớn, đưa hoạt động của nghề này phát triển, mở rộng cả về lượng và chất, xứng đáng với vai trò không thể thiếu trong đời sống người khiếm thị và cộng đồng...

 Ảnh: Niềm vui của những người khiếm thị khi được cấp vốn để phục hồi kinh tế trong đại dịch Covid-19 

Trình bày tham luận tại hội thảo, anh Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch Hội Người mù Hoài Đức đề xuất  4 nhóm giải pháp để  phát triển nghề tẩm quất cho người khiếm thị một  cách bền vững. Một là, hàng năm, cùng với việc tăng cường khảo sát, nắm bắt nhu cầu và đáp ứng nhu cầu học nghề của người mù nên tổ chức các cuộc thi tay nghề Tẩm quất giỏi, đánh giá chất lượng hành nghề của hội viên để có kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn hóa tay nghề cho họ.

Hai là, cần tăng cường các hình thức liên kết,các cơ sở tẩm quất người mù lại để hỗ trợ nhau về vốn, nâng cao tay nghề, kỹ năng quản lý, liên hệ tìm mượn thuê địa điểm, tuyên truyền quảng bá giúp nhau cùng phát triển.

Ba là, các trung tâm đào tạo của Hội cần quan tâm, đổi mới, chuẩn hóa công tác đào tạo nghề Tẩm quất và phát triển thương hiệu Tẩm quất người mù. 

Bốn là, việc tuyên truyền hình ảnh, thương hiệu của xoa bóp tẩm quất người mù là rất cần thiết và cấp bách.

Còn theo anh Hoàng Văn Lý Chủ tịch Hội Người mù Hoàn Kiếm hiện nay các loại hình  dịch vụ, sản phẩm tẩm quất của người khiếm thị còn khá  đơn giản  chưa đáp ứng được  nhu cầu đa dạng của khách hàng, các chiến lược về marketing chưa được quan tâm đúng mực. Theo anh Lý thì đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh chiến lược marketing chính là đòn bảy để nâng tầm dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị. Đối với các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm đó là: 

       Thường xuyên, khảo sát, nghiên cứu đánh giá  thị trường.

       Đa dạng hóa sản phẩm dựa  trên chính những nhu cầu từ phía khách hàng. 

      Không ngừng nâng cao tay nghề cho đội ngũ kĩ thuật viên, bồi  dưỡng những kĩ thuật viên có khả năng trị liệu với những chứng đau mỏi khó điều trị hoặc các di chứng do tai biến hay thoát vị đĩa đệm…. 

      Cần  tăng cường các giải pháp chia sẻ kiến thức về nghề thông qua  groups trên mạng xã hội facebook, đẩy nhanh quá trình thành lập  liên đoàn người khiếm thị làm nghề tẩm quất từ đó  có các hình thức thi tay nghề, tôn vinh các tổ chức, nhóm và cá nhân có các ý tưởng sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghề tẩm quất. Đối với các giải pháp cho chiến lược marketing: bên cạnh việc học nghề đội ngũ kĩ thuật viên, quản lí rất  cần được đào tạo thêm các kĩ năng về kinh tế truyền thông, ngoại ngữ và các kĩ năng để giao tiếp và chăm sóc khách hàng tốt hơn. 

       Tận dụng tối đa lợi thế từ  các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, youtube, đây là những kênh rất dễ tiếp cận với khách hàng và chi phí quảng cáo là 0 đồng. 

      Mỗi cơ sở dịch vụ cần có những kế hoạch kinh doanh trong đó phải xây dựng được nguồn ngân sách chi cho hoạt động marketing và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó cần thường xuyên đánh giá tính hiệu quả với chiến lược marketing mình đang áp dụng để có những điều chỉnh kịp thời. 

Ảnh: Trao giấy chứng nhận cho Học viên khóa đào tạo kiến thức kinh tế và khởi nghiệp. 

Chia sẻ giải pháp nhằm đổi mới công tác đào tạo nghề tẩm quất cho người khiếm thị trong thời gian tới, bà Vũ  Hải Yến cán bộ phụ trách đào tạo trung tâm dạy nghề hội người mù Hà Nội cho biết cùng với các phương thức tuyển sinh và đào tạo truyền thống, trung tâm  sẽ áp dụng đào tạo theo hướng mở. 

  Theo đó,  các hội viên có cùng chung nguyện vọng (gọi tắt là các nhóm), nhóm có từ 5 đến 10 người. Các nhóm có thể  đăng ký nội dung cần học và đề nghị Trung tâm mở lớp học theo các nội dung chương trình do Trung tâm xây dựng như kĩ năng nghề nghiệp nâng cao, kĩ năng marketing, giao tiếp,  kĩ năng chăm sóc khách hàng…. Cùng với đó  để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tất cả các hình thức  đào tạo trong năm 2022 sẽ được triển khai theo hai hình thức online và offline. Trong đó hình thức online đảm bảo không dưới 40% thời lượng chương trình. Các hình thức đào tạo không hạn chế số lượng người học và các khóa đào tạo.

Cũng tại hội thảo, các đại  biểu đã  cùng chia sẻ, đánh giá và phân tích các giải pháp, kinh nghiệm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ đẩy mạnh  việc liên kết, giải pháp marketing cũng như tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0 vào việc phát triển dịch vụ. 

Hoàng Lý