Ngày27/2/2022, Hội Người mù quận Thanh Xuân phối hợp cùng Hội Đông y và Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận đã tổ chức Chung khảo cuộc thi tay nghề “Bàn tay vàng trong làng xoa bóp Thanh Xuân” lần thứ I, năm 2022. Cuộc thi được tổ chức đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh: Trao giải nhất cho các thí sinh

Đây là lần đầu tiên,một đơn vị Hội người mù tại Hà Nội tổ chức cuộc thi dành riêng cho những người khiếm thị đang làm nghề xoa bóp. Cuộc thi Nhằm khẳng định vai trò, giá trị của nghề xoa bóp nói riêng, của người khiếm thị nói chung với cộng đồng, xã hội và tạo sân chơi bổ ích cho những người khiếm thị làm nghề xoa bóp

Chia sẻ về ý nghĩa của cuộc thi, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho biết, xoa bóp tẩm quất là nghề mũi nhọn của tổ chức Hội Người mù nói chung, của người khiếm thị nói riêng. Hiện 3/4 hội viên của Hội đang làm nghề xoa bóp. Thực tế cho thấy, nghề xoa bóp tẩm quất đã góp phần không nhỏ giúp những người khiếm thị khẳng định với cộng đồng về khả năng và giá trị của mình.

Thấu hiểu và chia sẻ với những người khiếm thị, đồng thời tạo ra một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Ngày Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân (27/2) và kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội Người mù quận Thanh Xuân (10/3/1997-10/3/2022), hôm nay, Hội Người mù quận tổ chức cuộc thi tay nghề “Bàn tay vàng trong làng xoa bóp Thanh Xuân” lần I năm 2022 với sự tham gia của 10 thí sinh; Giám khảo cuộc thi là chuyên gia dưỡng sinh trị liệu và lương y có uy tín.

“Qua cuộc thi, góp phần khẳng định vai trò, giá trị của nghề xoa bóp nói riêng, của người khiếm thị nói chung với cộng đồng, xã hội và tạo sân chơi bổ ích cho những người khiếm thị làm nghề xoa bóp”, ông Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh.

Ảnh: Thí sinh thực hiện bài thi của mình

Tại cuộc thi, các thí sinh được bốc thăm bài thi (bao gồm bảng xoa bóp cơ bản và bảng nâng cao trị liệu) và trình bày, thực hành trực tiếp trên người của Giám khảo. Mỗi thí sinh có tối đa 12 phút để thể hiện bài thi của mình. Trong thời gian này, với những kiến thức đã được đào tạo và kinh nghiệm làm việc thực tiễn, các thí sinh đã thực hiện những thao tác rất thuần thục, được Giám khảo ghi nhận, đánh giá cao.

Nhận định về chuyên môn tay nghề của các thí sinh, Lương y Chu Mạnh Chương- Hội Đông y quận Thanh Xuân cho biết : “Các thí sinh đã nắm rất chắc về lý thuyết, kỹ thuật thực hành và tác phong khá là tốt. Chính điều này đã làm cho BGK chúng tôi rất “đau đầu” để lựa chọn ra thí sinh xuất sắc nhất”.

Đối với chuyên gia dưỡng sinh trị liệu Phương Anh thì đây là lần thứ 3, chị đến với Hội người mù quận Thanh Xuân và rất xúc động khi được tham dự vào cuộc thi ý nghĩa này. Chị Phương Anh chia sẻ : “Các thí sinh đã vượt qua được khuyết tật của bản thân để trở thành những kỹ thuật viên xoa bóp rất giỏi. Tôi cam kết sẽ đồng hành cùng với Hội người mù quận Thanh Xuân để đào tạo và nâng cao hơn nữa kiến thức, tay nghề cho các hội viên trong thời gian tới.”

Bày tỏ cảm xúc khi tham gia cuộc thi, Hội viên Phạm Ngọc Dung (thí sinh đạt giải nhất trong cuộc thi) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và hào hứng khi tham gia cuộc thi. Bởi qua cuộc thi, chúng tôi được rèn luyện tay nghề, và cảm nhận rõ nghề nghiệp của mình được vinh danh, được cộng đồng, xã hội quan tâm”.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì và 6 giải Ba cho các thí sinh tham dự.

Thành Nguyễn