Trong thời gian giãn cách xã hội
từ ngày 24/7 đến hết ngày 6/9, những người khiếm thị vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc mưu sinh nay lại vất vả hơn gấp bội. Thấu hiểu được điều đó, anh Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân cùng các thành viên Ban chấp hành  đã đứng ra kêu gọi các phòng ban ngành, tổ chức hội, các cá nhân thiện nguyện, nhà hảo tâm trao 625 suất quà nhu yếu phẩm và tiền mặt cho 100% hội viên của hội.

Ảnh: Ông Nguyễn Tiến Thành-Chủ tịch HNM Thanh Xuân

đại diện nhận quà của các mạnh thường quân

Anh Nguyễn Đình Chính (sinh năm 1971, Thanh Xuân, Hà Nội) bị khiếm thị từ năm 2017 sau một lần bị ngộ độc. Sau khi tham gia vào Hội Người mù quận Thanh Xuân và được học nghề xoa bóp, anh trở thành kỹ thuật viên tại cơ sở xoa bóp ngõ 110 Quan Nhân. Tuy nhiên, hơn 3 tháng qua anh phải nghỉ do dịch bệnh. Gia đình có bố mẹ già hơn 90 tuổi, 2 con nhỏ, một mình vợ anh làm tạp vụ chẳng đủ trang trải cuộc sống của cả gia đình.
Cùng hoàn cảnh với anh Chính, anh Nguyễn Huy Cường (sinh năm 1977,
phường  Thanh Xuân Trung) cũng phải nghỉ việc nhiều tháng nay. Trong hơn 20 năm làm nghề xoa bóp, đây là lần đầu anh phải nghỉ việc lâu đến vậy.
Anh Cường bị bệnh rung giật nhãn cầu từ nhỏ, mắt còn lờ mờ nhìn thấy, không đọc được chữ bình thường.
Gia đình anh cũng có một thành viên là người khiếm thị. Hiện tại, cả 4 người trong gia đình anh không có thu nhập ngoài số tiền 525.000 đồng trợ cấp hàng tháng.

Còn với 2 mẹ con Nguyễn Hoàng Yến Nhi thì đợt giãn cách xã hội không những làm ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt hàng ngày mà còn khiến bé Nhi không thể thường xuyên điều trị bệnh ung thư võng mạc theo định kỳ. Chị Nguyễn Thị Sáu – mẹ của Nhi cho biết, Yến Nhi ngay từ lúc sinh ra đã không được gặp bố lại còn bị bệnh ung thư võng mạc. Hai mẹ con hơn 10 năm qua thuê nhà ngay tại bệnh viên K để thuận tiện cho việc ra vào viện khám chữa. Cửa hàng bán đồ ăn sáng của tôi cũng phải nghỉ do dịch bệnh…
Đây chỉ là
3 trong số hơn 100 hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân đang phải cố gắng từng ngày để vượt qua thời điểm dịch bệnh.

 Thấu hiểu được sự khó khăn của từng người khiếm thị trong thời gian giãn cách xã hội, anh Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân đã cùng các thành viên trong ban chấp hành xây dựng kế hoạch, đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các hội viên của hội. Và trong hơn 1 tháng trở lại đây, hơn 700 lượt hội viên của Hội đã nhận được không ít  phần nhu yếu phẩm từ các phòng ban ngành, tổ chức hội, các   mạnh thường quân như rau, thịt, cá, trứng, gạo, bún khô, khoai tây dầu ăn, nước mắm, lạc, gia vị, muối, sữa, nước sát khuẩn, xịt họng và tiền mặt,. Một suất quà thấp nhất là 300.000 đồng. Phần cao nhất trị giá 3 triệu đồng.
Cầm
các suất nhu yếu phẩm trên tay, anh Huy Cường xúc động nói: "Thật sự trong nhà tôi sau nhiều ngày không có thu nhập, cuộc sống gặp vô cùng khó khăn. Gia đình tôi đều đang nghĩ không biết làm thế nào để xoay sở tiền mua đồ ăn. Thật may mắn vì nhận được tin có các nhà hảo tâm tặng lương thực, thực phẩm, tôi mừng rơi nước mắt. Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Ảnh: Trao quà hỗ trợ cho hội viên

Với chị Nguyễn Thị Sáu thì các đợt nhận nhu yếu phẩm và tiền mặt vừa rồi như một giấc mơ. Chị bày tỏ: “Hai mẹ con tôi có thực phẩm để ăn hàng ngày, bé Yến Nhi lại còn có tiền mua thuốc duy trì sức khỏe. Cảm ơn tổ chức hội người mù quận Thanh Xuân nhiều lắm…”.

Nói về quá trình kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ người khiếm thị, anh Nguyễn Tiến Thành cho biết: "May mắn là tôi có những người bạn, những anh chị, những tổ chức thân thiết và cộng đồng mạng xã hội luôn hiểu, cảm thông và tin tưởng tôi cũng như đồng cảm về sự khó khăn với  người khiếm thị. Cùng với  Hội Người mù TP Hà Nội, Các phòng ban ngành, MTTQ, hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên quận Thanh Xuân thì  các tổ chức từ thiện như: Quỹ từ thiện Vina Pharma Group; Tập đoàn Queen Group, Công ty K& G, Công ty Đi Chung, Tổ chức BWON Hà Nội,  CLB Tâm thiện nguyện; Nhóm sống khỏe không kháng sinh; Hội chị em và quỹ từ thiện BĐS Nhật Nam, các doanh nhân trẻ TP Hà Nội cùng rất nhiều nhà hảo tâm khác đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay".

Ảnh: Các mạnh thường quân trao quà hỗ trợ cho Hội

Trả lời về việc sẽ có hội viên nhận được nhiều lần nhu yếu phẩm,anh Thành cho biết, trước khi trao quà, chúng tôi đã khảo sát và phân loại nhóm hội viên khó khăn theo mức độ: khó khăn, khó khăn nhiều và đặc biệt khó khăn để trao một cách khách quan nhất.

Để đảm bảo thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế, anh cùng ban thường trực đã chia nhu yếu phẩm thành từng suất, sắp xếp cẩn thận rồi làm phiếu nhận nhu yếu phẩm gửi qua ứng dụng zalo cho người nhà hội viên thuận tiện trong việc đi đường, ấn định khung giờ đến nhận để đảm bảo không có tình trạng đông đúc. Theo đó, cứ 10 người nhà hội viên của Hội sẽ lần lượt đến nhận trong vòng 30 phút - 1 giờ đồng hồ. Khi đến địa điểm nhận, tất cả phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đảm bảo giãn cách.

Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân bày tỏ, bên cạnh những lời cảm ơn, cổ vũ và động viên thì cũng có những lời dị nghị nói anh và các thành viên ban tổ chức  là "anh hùng rơm", "làm vì thành tích".

"Mình đã từng khựng lại sau khi nghe những lời nói đó. Thế nhưng chỉ vỏn vẹn 30 giây  thôi, sau đó mình lại suy nghĩ mình làm vì trách nhiệm, mình đang được hưởng lương, thấy hội viên cùng gia đình hội viên gặp khó khăn mà không giúp thì quả thực có lỗi… rồi mình  tiếp tục thực hiện mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau." – anh Thành chia sẻ.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Hội Người mù quận Thanh Xuân không những duy trì, tổ chức chương trình, các hoạt động cơ bản, thường xuyên theo hình thức trực tuyến mà còn sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hội viên, gia đình hội viên khi Hà Nội vẫn giãn cách. 

 

      Nguyễn Tiến