Hơn 50 năm đi theo con đường của Đảng, trải qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, nhưng vẫn một lòng quyết tâm đi theo con đường của Đảng, nguyện một lòng phấn đấu hy sinh cho lý tưởng thiêng liêng của đảng đến hơi thở cuối cùng.

Ảnh: Ông Đỗ Văn Tài hội viên HNM quận Cầu Giấy

Nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, lòng bác Đỗ Văn Tài, hội viên Hội Người mù quận Cầu Giấy thật sự thấy xúc động. Đây là một phần thưởng cao quý của Đảng trao tặng, ghi nhận cho những đóng góp không mệt mỏi của bác vào sự nghiệp cao quý của Đảng suốt 50 năm qua, dù đôi mắt đã mù lòa không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nhưng được bầy biện gọn gàng, sạch sẽ ở vị trí trang trọng nhất treo tấm huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bác Đỗ Văn Tài xúc động ôn lại chặng đường hơn 50 năm qua của cuộc đời mình.

Ngày đó khi đất nước ta bước vào những ngày tháng chiến tranh vô cùng ác liệt của cuộc kháng chiến trống Mỹ cứu nước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh thanh niên Đỗ Văn Tài đã hăng hái làm đơn lên đường nhập ngũ để lại người vợ trẻ mới cưới nơi quê nhà. Sau khóa huấn luyện tân binh anh được biên chế về quân chủng pháo binh và cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Thanh Hóa làm nhiệm vụ canh giữ bầu trời vùng biển thiêng liêng của tổ quốc. Sau gần một năm làm nhiệm vụ ở chiến trường Thanh Hóa anh được cử đi học lái xe làm nhiệm vụ vận chuyển hàng vào chi viện cho chiến trường Miền Nam. Ngày đó đế quốc Mỹ đánh phá rất ác liệt, hòng cắt đứt con đường chi viện cho chiến trường Miền Nam. Những chiến sĩ lái xe là những người trực tiếp đối mặt với những khó khăn, ác liệt nhất. Đã có biết bao nhiêu chiến sĩ lái xe đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Noi theo những tấm gương anh dũng đó chiến sĩ Đỗ Văn Tài đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì được tổ chức phân công. Kỷ niệm của những ngày tháng khói lửa đạn bon Trường Sơn là những ký ức không bao giờ quên trong lòng bác Đỗ Văn Tài. Những đêm vượt gầm dưới làn mưa bom, bão đàn, hay những khi băng đường dưới ánh sáng của những cây đèn dù bên cạnh là sự hy sinh luôn cận kề. Chính trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt đó càng sáng chói lên phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ. Cũng qua những ngày tháng được tôi luyện trong khói lửa đạn bom đó bác đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi dơ tay tuyên thệ trước Đảng kỳ bác càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình quyết phấn đấu, hi sinh cho lý tưởng thiêng liêng của Đảng đến hơi thở cuối cùng.

Trong một chuyến công tác đột xuất, lần đó vì một đồng chí được phân công đi công tác không may bị ốm, bác đã không ngần ngại xung phong lên đường ngay. Chính trong chuyến công tác đó bác đã bị thương nặng hỏng cả hai mắt xếp loại thương tật 1/4. Sau thời gian điều trị tại trạm quân y tiền phương bác được chuyển về đoàn an dưỡng 582. Đây là quãng thời gian thật sự khó khăn của cuộc đời bác, dù ngày làm đơn lên đường nhập ngũ bác cũng đã xác định phải đối mặt với những mất mát, hy sinh. Nhưng khi bị thương hỏng cả hai mắt vẫn để lại trong bác những bi quan, tuyệt vọng khó thể chấp nhận ngay được. Cứ nghĩ đến giờ này anh em đồng đội vẫn còn đang phải chiến đấu ngày đêm ngoài mặt trận, còn mình lại nằm đây trong bốn bức tường. Cảm giác mình là người thừa không còn có ích cho mọi người luôn giày vò bác. Nhưng rồi được sự động viên, giúp đỡ của anh em thương binh cùng đoàn, bác đã dần bình tâm trở lại, dù đôi mắt đã mù lòa nhưng mình vẫn còn sức khỏe vẫn có thể đóng góp gì đó dù là rất nhỏ, đó là điều bác đã tuyên thệ trước đảng kỳ “sẵn sàng chiến đấu hy sinh đến hơi thở cuối cùng cho lý tưởng của Đảng”. Sau khi ổn định tư tưởng thời gian tiếp theo bác luôn gương mẫu chấp hành tốt các quy định của đoàn an dưỡng nên được anh, em cùng đoàn rất quý trọng. Đến năm 1975, sau 5 năm an dưỡng tại đoàn, do tình trạng sức khỏe của bác đã dần bình phục, thương binh từ các chiến trường chuyển về đoàn ngày càng nhiều nên bác đã tự nguyện làm đơn xin về an dưỡng tại gia đình.

Sau 10 năm đi chiến đấu giờ trở về quê nhà với đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Trước cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn khiến bác nhiều đêm không ngủ được. Bác bàn với vợ vì địa phương nơi bác sinh sống là một vùng đất thuần nông không có nghề phụ gì nên phải xây dựng kinh tế gia đình bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới gặp muôn vàn khó khăn, từ vốn liếng đến kinh nghiệm. Hai vợ chồng cùng bàn bạc với nhau tìm cách tháo gỡ. Thiếu vốn thì đi vay mượn anh em, bạn bè, thiếu kinh nghiệm thì đi học hỏi những người đi trước có kinh nghiệm, bác cũng luôn cố gắng giúp đỡ vợ con những việc có thể. Rồi cuộc sống của gia đình bác cũng dần ổn định, các con bác cũng đã dần khôn lớn đỡ đần bố mẹ được nhiều việc, bản thân bác cũng thấy lạc quan hơn với cuộc sống.

Đến năm 1990, bác được các đồng chí lãnh đạo Hội Người mù tỉnh Hà Tây vào nhà vận động bác đứng gia thành lập Hội Người mù huyện Phúc Thọ, lúc bấy giờ ở huyện Phúc Thọ chưa có Hội Người mù nên cuộc sống của những người khiếm thị còn gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực. Lúc đầu bác cũng rất băn khoăn liệu mình có đảm đương được công việc hay không, nhưng được sự động viên của mọi người, đặc biệt là với phẩm chất một người Đảng viên không cho phép bác được chùn bước trước khó khăn. Nên bác đã không quản ngại vất vả đi vận động các cơ quan chính quyền tạo điều kiện cho được thành lập hội, rồi vận động người mù tham gia sinh hoạt hội. Ngày đầu thành lập huyện hội chỉ có vẻn vẹn 13 hội viên, cơ sở vật chất chưa có gì. Bác cũng ý thức được rằng muốn thay đổi cuộc sống của người khiếm thị, giúp hội viên gắn bó với tổ chức hội cần phải nâng cao trình độ văn hóa và trang bị cho họ có một nghề để tự kiếm sống. Nên bác đã cùng các đồng chí trong BCH tổ chức dạy chữ, dạy nghề cho hội viên theo dự án của tổ chức phi chính phủ Adra. Có việc làm, có thu nhập người mù ngày càng gắn bó với tổ chức hội. Rồi dần dần các hoạt động của huyện hội đã đi vào nề nết, mang lại lợi ích thật sự cho người khiếm thị Phúc Thọ. Đến năm 2003, bác Đỗ Văn Tài được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh hội Hà Tây và giữ cương vị Phó Chủ tịch Tỉnh hội. Trên cương vị công tác mới bác cùng với các đồng chí trong Ban Thường vụ đoàn kết nhất trí đưa các hoạt động của tỉnh hội ngày càng đi vào nề nếp, tất cả hướng đến hạnh phúc và cuộc sống bình đẳng cho những người khiếm thị. Đến năm 2008, tại Đại hội nhiệm kỳ của Tỉnh hội Hà Tây dù vẫn được tín nhiệm của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh hội và đông đảo hội viên, nhưng bác vẫn tình nguyện xin rút khỏi Ban Chấp hành với lý do nhường lại vị trí cho các đồng chí trẻ, năng động hơn. Khi về làm một hội viên bình thường bác vẫn luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ chương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, điều lệ và các quy chế của Hội.

Hơn 50 năm sắt son đi theo con đường của Đảng trải biết bao khó khăn, thử thách, dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng vẫn nguyện một lòng hy sinh cho sự nghiệp, lý tưởng của đảng đến hơi thở cuối cùng. Hơn 50 năm phấn đấu không ngừng bác Đỗ Văn Tài đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, huy hiệu, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương tới địa phương. Tấm gương của đảng viên Đỗ Văn Tài, hội viên Hội Người mù quận Cầu Giấy thật đáng để lớp trẻ hôm nay học tập.

 

Nguyễn Văn Đức - Hội Người mù quận Cầu Giấy