(HNM Hà Nội) - Người xưa vẫn thường hay nói: “cảnh gà trống nuôi con” để đúc kết những khó khăn mà một người đàn ông gặp phải khi người bạn tào khang nửa đường đứt gánh.

                                      Với người khỏe mạnh, lành lặn đã vậy thì với một người mù điều đó còn khó nhọc đến mức nào? Chắc hẳn chúng ta: những người đang sống dưới một mái ấm gia đình hạnh phúc sẽ không thể hình dung.

Vậy mà điều dường như không tưởng ấy lại đang hiển hiện trước mặt chúng tôi khi bước chân vào gia đình ông Nguyễn Hữu Thăng: hội viên HNM Đông Anh.

Bên tách trà nóng hổi; ông Thăng bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về quãng đời truân chuyên nhiều sóng gió của mình: Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông giữa những năm kháng  chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn ác liệt tại một miền quê nghèo: thôn Quán Tỉnh-xã Uy Nỗ-Đông Anh-Hà Nội.

Có lẽ sẽ chẳng có gì nhiều để nói nếu như cuộc đời ông cứ bình lặng trôi đi như cuộc sống của những người nông dân thật thà, chất phác nơi làng quê. Nhưng số phận thật khéo trêu người: Ông bồi hồi nhớ lại: “ năm lên bốn tuổi: Tôi tự nhiên thấy mắt mình sưng đỏ và có cảm giác đau rát. Cảm giác ấy cứ tăng dần và cùng với nó, mọi vật trước mắt tôi cũng mờ nhòe theo”. Tuy trí óc non nớt của một cậu bé mới vừa tròn bốn tuổi chưa giúp ông ý thức rõ ràng về mối nguy hiểm mà mình đang gặp phải; song bóng tối cứ đậm đặc dần trong mắt cũng làm cho cậu bé Thăng lúc ấy cảm thấy hồi hộp và sợ hãi.

         Trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, cuộc sống của nhân dân thời điểm đó khó khăn chồng chất, nền y học nước nhà còn non kém…Thêm đó, với tâm lí chủ quan của gia đình khi nghĩ rằng đấy cũng chỉ là đau mắt thông thường, một thời gian sau sẽ khỏi; nên khi ông được đưa tới bệnh viên trong tình trạng hầu như không còn phân biệt được ánh sáng thì mọi việc đã trở nên quá muộn. Thời gian cứ thế trôi. Tuổi thơ đầy bóng tối  của ông cũng dần qua với nếp nhà tranh, góc sân và mảnh vườn, trong nỗi khó nhọc của cha mẹ.

Ông chạnh lòng nhớ lại: “Tôi cứ lủi thủi, tha thẩn quanh nhà ngày này qua tháng khác. Nhất là khi thấy những bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, ê a đánh vần theo từng con chữ, tôi mới dần ý thức được thân phận hẩm hiu của mình và ngày càng mờ mịt,  bi quan về  tương lai trước mặt”.

Nhưng rồi trong cái rủi cũng có cái may. Bởi bị mù từ nhỏ nên ông cũng nhanh chóng cố gắng tìm cách tập làm quen với cuộc sống trong bóng tối. Có lẽ bản năng sống, cộng với sự ngây thơ, hồn nhiên vốn có của một đứa trẻ đã giúp ông vượt qua những khó khăn ban đầu mà một người mù gặp phải. Ông tự tập làm quen với việc dùng các giác quan còn lại thay cho đôi mắt đã mù bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như đi lại, tắm rửa vệ sinh cá nhân, mặc quần áo…đến những việc phức tạp hơn như quet nhà, thổi cơm, đun nước, đuổi gà…giúp đỡ gia đình những công việc lặt vặt khác.

Năm tháng dần qua. Cậu bé Thăng ngày nào đã dần bước vào tuổi trưởng thành. Cha mẹ già yếu rồi lần lượt qua đời. Anh em trong nhà cũng mỗi người một phận.

Căn nhà cũ dần vắng bóng người thân. Chỉ còn lại một mình ông với nỗi quạnh hiu, trống vắng khôn cùng. Nỗi khao khát đời thường với một gia đình yên ấm bên vợ và những đứa con thơ tưởng đâu đã chìm sâu trong tiềm thức bởi tự ti, mặc cảm bỗng sống dậy tràn dâng mãnh liệt trong tâm hồn người đàn ông trẻ.

Nhưng, ông cũng luôn ý thức được rằng: nếu muốn thực hiện cái ước mơ tưởng chừng như giản dị ấy thì một người khiếm thị như ông sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể khẳng định mình,  chủ động về kinh tế,  làm chủ cuộc sống bản thân và  gia đình.

Với ý chí và quyết tâm ấy, ông đem hết nghị lực vào công việc. Với sự giúp đỡ của người thân, ông cũng tập làm vườn, làm ruộng. Ông dùng tay sờ từng gốc cây trong vườn, ngoài ruộng để tưới nước, bỏ phân, bắt sâu. Những việc chưa thể làm được như gieo mạ, cấy, cày…  thì nhờ anh em giúp đỡ Không chỉ thế, ông cũng lần mò tự học hỏi trong việc chăn nuôi gà, vịt, lợn. Số lượng tuy không nhiều nhưng cũng mang lại cho ông thu nhập tạm đủ trang trải cho bản thân và có đôi chút tích lũy. Ngày tháng dần qua . Với thời gian, ông ngày càng trở nên thuần thục hơn trong những công việc gia đình, đồng áng và đã dần trở thành một người nông dân thực thụ.

Cảm phục trước  sự chịu thương chịu khó của người đàn ông thiệt phận. Với lòng trắc ẩn vốn là nét đẹp truyền thống  của phụ nữ Việt Nam; Một cô gái cùng làng đã đem lòng yêu thương ông. Sau một thời gian tìm hiểu, vượt qua bao định kiến của gia đình và xã hội, họ đã quyết định gắn bó với nhau thành một gia đình. Và thế là, biết bao gắng gỏi của ông đã được đền đáp. Năm 31 tuổi, ông cưới vợ.

Thật khó có thể diễn tả bằng lời khi mà niềm hạnh phúc tưởng chừng như giản đơn nhưng lại được đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức, nghị lực, ý chí và quyết tâm phi thường của một người đàn ông sống trong bóng tối.

Kể từ khi có vợ, cuộc đời ông như được bước sang trang mới. Ông-bà đã thực sự là niềm tin, chỗ dựa của nhau. Tình yêu thương của bà đã sưởi ấm trái tim bất hạnh của ông, giúp ông có thêm niềm tin, nghị lực để xây đắp hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, bà cũng tìm thấy ở ông một tấm lòng đôn hậu, một sức mạnh tiềm tàng nhưng bền bỉ, luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Thế rồi, trong niềm hạnh phúc ngọt ngào và ấm áp ấy, ba người con hai gái, một trai  lần lượt ra đời. Sự có mặt của các thành viên mới trong gia đình làm ông bà vất vả hơn nhưng bù lại là niềm vui khôn tả khi được nghe tiếng nói, giọng cười thơ trẻ; được ôm ấp, ẵm bồng những hình hài bé nhỏ của các con trong vòng tay khiến ông dường như quên hết buồn phiền, mặc cảm, càng thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm ăn và nuôi dạy các con trưởng thành.

Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi êm đềm trong căn nhà nhỏ ấy. Nhưng rồi… Số phận nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha ông. Sau gần 20 năm yêu thương, gắn bó, người bạn đời thân thiết nhất trong cuộc đời ông đã đột ngột ra đi  sau một cơn bạo bệnh để lại cho ông một nếp nhà tranh cùng ba đứa con thơ dại.

Nỗi đau đớn khôn cùng khiến cho ông tưởng chừng như không thể gượng dậy được. Những cử chỉ, lời nói dịu dàng của người vợ hiền thân thiết vẫn như còn ăm ắp trong trái tim ông.

Ông Thăng ngùi ngùi chia sẻ: “lúc ấy, tôi thực sự chỉ muốn chết theo nhà tôi cho có bầu, có bạn”. Song nghĩ đến các con, ông căn răng đứng dậy, vượt qua nỗi đau để làm nốt công việc mà cả hai người đang còn dang dở.

Cuộc sống vốn đã vất vả càng trở nên khó khăn gấp bội khi ông phải gánh trên vai gánh nặng gia đình của cả cha và mẹ. Thật khó có thể hình dung nổi người đàn ông khiếm thị ấy đã làm gì để có thể duy trì nếp sinh hoạt của một gia đình khi thiếu vắng bàn tay chăm lo của người vợ, người mẹ. Ông Thăng tâm sự: “Ngay cả chính tôi cũng không hiểu nổi ngày ấy mình lây đâu ra sức mạnh để cáng đáng việc nhà và chăm lo cho các con{.

Tuy nhiên, sức người có hạn. Mặc dù đã gắng gỏi rất nhiều nhưng ông vẫn không thể lo toan đầy đủ cho các con như hồi bà còn sống. Thương bố vất vả, hai cô con gái đầu đã phải ngậm ngùi bỏ dở việc học hành để ở nhà phụ giúp bố trong cồng việc. Điều này làm ông vô cùng xót xa. Đành vậy. Ông động viên các con cố gắng làm lụng, dồn sức lo cho cậu con út học hành đến nơi đến chốn cho khỏi hổ thẹn với xóm làng.

Không phụ công bố và hai chị; cậu út học hành chăm chỉ hiện đã là cử nhân chuyên ngành công nghệ thông tin của trường đại học công nghiệp Hà Nội. Hai cô chị cũng đã có việc làm ổn định, có gia đình riêng và sinh cho ông 5 đứa cháu ngoại kháu khỉnh.

Khi kể đến đây, nét mặt ông có phần rạng rỡ song vẫn không che dấu nổi những nét ưu tư,m khắc khổ của tuổi tác và âu lo. Ông trăn trở: “biết bao nhiêu đắng cay, cơ cực để lo cho con ăn học bằng người.  Nhưng học xong rồi lại không sao lo nổi cho con một công việc phù hợp. Chẳng biết bao giờ mới được nghỉ ngơi dưỡng già đây.|.

Hiện nay do tuổi tác đã cao, sức khỏe không cho phép ông lăn lộn với những công việc đồng áng nặng nhọc. Nguồn thu chủ yếu của hai bố con dựa vào khoản trợ cấp người khuyết tật 875 nghìn đồng/tháng của ông và những khoản thu nhập khác từ chăn nuôi và mảnh vườn nhỏ quanh nhà. Cậu con trai cũng phụ giúp thêm đôi chút do những công việc làm thêm những không đáng kể.

Ấm nước trà đã nguội. Nắng chiều cũng nhạt dần. Tôi cười cười hỏi ông: “Thế chú có ý định đi thêm bước nữa cho đỡ cô quạnh tuổi già không ạ?”  Ông cười hiền, vui vẻ bảo: “Cũng có ý định ấy nhưng phải đợi con trai có công việc ổn định, xây dựng gia đình cho nó đã rồi mới nghĩ đến chuyện của mình”.

Chia tay ra về mà những lời nói hồn hậu, giản dị của ông vẫn như còn đọng mãi trong suy nghĩ của chúng tôi bởi một tấm lòng người cha đôn hậu, hiền từ, hết lòng vì các con. Tôi thầm chúc cho ông sẽ sớm đạt được ước mơ. Âu cũng là sự bù trì của số phận trước những vất vả mà ông đã phải trải qua trong cuộc đời.

Hoàng Mạnh Cường (Hội người mù Huyện Đông Anh)