(HNM Hà Nội) - Trong số những gương mặt tiêu biểu được tuyên dương trong hội nghị tổng kết việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng uỷ khối tổ chức ngày 27/4/2016, câu chuyện của bác Phạm Hồng Phiên- UV BCH Hội người mù Hà Nội, Phó Chủ tịch HNM Đông Anh khiến nhiều người xúc động và cảm phục về một người thương binh hỏng mắt trong chiến đấu đã anh dũng, trong thời bình đã vượt qua khó khăn tiếp tục phát huy phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, đóng góp sức mình vào sự phát triển của địa phương và giúp những người đồng tật được hoà nhập bình đẳng vào cuộc sống cộng đồng.



Bác Phiên được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước nồng nàn: ông nội được nhà nước cấp bằng có công với cách mạng, bố là một nhà giáo, một chiến sĩ tham gia chống Pháp và là một trong 04 đồng chí thành lập Đảng bộ đầu tiên của xã. Khi còn là học sinh bác đã được các đồng chí cán bộ Đoàn giao trách nhiệm làm liên đội trưởng thiếu niên xã phụ trách HTX măng non với nhiệm vụ lấy lá nguỵ trang, tiếp tế nước và thực phẩm cho các đồng chí bảo vệ bầu trời thân yêu của tổ quốc. Là một thanh niên sống trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, tấm gương của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân đã thôi thúc ý chí của người thanh niên trong bác, dù là con trai độc nhất của gia đình bác vẫn xung phong lên đường làm nhiệm vụ giải phóng đất nước, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ tại chiến trường Miền nam, một lần bị địch càn bác đã bị thương hỏng cả hai mặt và bị địch bắt vào nhà lao Biên hoà. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng bác vẫn luôn trung thành với lý tưởng cộng sản, giữ vững khí tiết của người cách mạng, lập trường kiên định, không khuất phục vũ lực.

Khi trở về với đôi mắt không còn lành lặn và những vết thương vẫn đau nhói từng hồi nhưng được biết còn rất nhiều người mù ở địa phương còn chưa được học văn hoá, chưa có việc làm và vẫn bị coi là gánh nặng cho gia đình và xã hội đã thôi thúc người thương binh ấy mang khả năng, trí tuệ, khí tiết cách mạng của mình để xây dựng quê hương và giúp đỡ những người đồng tật, nhớ lời của Bác dạy xuân Bính Thân 1956 tại trường thương binh hỏng mắt Tuỳ theo sức của mình, học lấy một nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, tiếp tục giữ vững danh hiệu người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận mới. Như vậy là các chú tàn nhưng không phế”, bác Phiên đã tích cực học chữ nổi Bralle, tích cực tham gia hoạt động xã hội, và là một trong những thành viên của Ban Chấp hành Hội người mù Đông Anh. để người mù có cuộc sống bình thường, bình đẳng, hòa nhập trong gia đình và xã hội, điều đầu tiên là người mù phải được học tập văn hóa, học nghề, nâng cao trình độ hiểu biết, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, khơi dậy tinh thần, ý chí, nhu cầu khát vọng. Vì vậy, bác Phiên đã cùng BCH huyện hội Đông Anh đã bám sát và xin được 3000m2 đất của UBND huyện để làm trụ sở và cơ sở sản xuất, tập hợp những người mù trên địa bàn, xây dựng ngôi nhà chung giúp người mù hoà nhập cộng đồng. Hội người mù Đông Anh đã mạnh dạn xây dựng các dự án nhằm tạo thêm các nguồn lực phát triển Hội đó là dự án do Bộ lao động thương binh xã hội tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của hợp tác xã từ thiện Loa Thành và trụ sở Hội được khang trang; dự án của tổ chức phi chính phủ VNAH nhằm mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác Hội. 

Khi có trụ sở điều đầu tiên bác cùng BCH hướng đến là dạy chữ nổi braille cho những người mù để họ có thể tham gia vào các khoá học tiếp theo tại các trường dành cho người mù đồng thời tại Hội còn mở các lớp dạy nghề xoa bóp bấm huyệt, nghề thủ công làm chổi chít, làm tăm cho hội viên có nhu cầu. Phối hợp với HNM Hà Nội, xây dựng các dự án tạo điều kiện để người mù được vay vốn phát triển sản xuất. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để cán bộ, hội viên nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao ý thức trau dồi, rèn luyện bản thân để tự tin hoà nhập cuộc sống. Trong năm 2014 bác Phiên đã tham mưu cho Ban Chấp hành hội người mù Đông Anh tổ chức toạ đàm về việc học tập và làm theo Bác với chuyên đề “ Làm theo lời Bác dạy, người mù Tàn nhưng không phế”.

Giai đoạn 2008-2013, bác Phạm Hồng Phiên được phân công là uỷ viên thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội người mù Hà Nội, bác đã luôn bám sát quy chế và Nghị quyết của các cấp Hội để giữ vững vai trò tham mưu cho ban chấp hành, học tập kinh nghiệm của những lớp người đi trước, có sáng kiến tổ chức cuộc thi uỷ viên kiểm tra giỏi bằng những câu hỏi tình huống trái chiều trong công tác hoạt động hội để các uỷ viên kiểm tra các quận huyện trả lời và xử lý tình huống; luôn đi sâu đi sát xuống cơ sở để uốn nắn kịp thời những việc làm lệch lạc, thúc đẩy hoạt động hội, phát hiện những nhân tố hay, điển hình để đề xuất nhân rộng. Đồng thời ngăn chặn được mầm mống mất đoàn kết trong nội bộ, hạn chế được những thắc mắc, đơn từ tố cáo góp phần vào phong trào hoạt động Hội người mù Hà Nội.

Hiện nay, bác Phiên đang là Phó Chủ tịch HNM Đông Anh, uỷ viên BCH HNM Hà Nội, với kinh nghiệm của người đi trước, bác Phiên luôn có những đóng góp thẳng thắn, chân tình nhằm thúc đẩy hoạt động hội người mù. Bằng những hành động cụ thể, thiết thực bác phiên đã trở thành một tấm gương sáng và tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều người khiếm thị vượt lên hoàn cảnh, trở thành người có ích cho xã hội. 


Lê Chinh