Trần Ngọc Loan sinh ra trong một gia đình có hai chị em, Loan là chị. Khi sinh ra, đôi mắt em vẫn nhìn thấy ánh sáng như bao người. Biến cố xảy đến khi Loan lên 6 tuổi. Khi đang học lớp 1, Loan bất ngờ mắc phải căn bệnh thoái hóa võng mạc, thị lực yếu dần. Gia đình em cũng đã cố gắng đưa em đi chạy chữa khắp các bệnh viện lớn, nhỏ, nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu... Sau hai năm chạy chữa không có kết quả, đôi mắt Loan mất hoàn toàn khả năng nhìn.
Tưởng chừng cánh cửa tương lai đã đóng sập lại với cô bé Trần Ngọc Loan từ đây, trong khi bố mẹ em khổ sở và tuyệt vọng nhất, một tia sáng nơi cuối đường hầm đã đến với gia đình em. Hội người mù huyện Gia Lâm biết đến hoàn cảnh của Loan. Cán bộ của Hội đã đến tận nhà, giới thiệu và động viên bố mẹ cho Loan đi học chữ nổi tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là trường học hòa nhập dành cho học sinh khiếm thị, có điều kiện học tập và sinh hoạt rất phù hợp cho sự phát triển của người khiếm thị. Tại ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu, Loan được học tập, rèn luyện cùng những người bạn đồng tật, dưới sự chỉ bảo tận tình và tình yêu thương vô bờ bến của các thầy cô giáo. Ngoài chương trình học văn hoá, Loan còn được học thêm các môn thể thao, âm nhạc, massage,… Trong đó, Loan có niềm đam mê và năng khiếu đặc biệt với bộ môn cờ vua.
Cờ vua dành cho người khiếm thị có sự khác biệt nhất định với cờ vua của người không khiếm thị. Bàn cờ được thiết kế với các ô đen sẽ nổi hơn so với các ô trắng, giữa mỗi ô cờ có 1 lỗ nhỏ tròn, ở đáy các con cờ có đinh để cắm vào các ô cờ, khi người chơi sờ tay lên bàn cờ sẽ không làm đổ quân cờ. Để phân biệt quân đen, quân trắng, người chơi thường lấy dây chun hoặc vải quấn vào ngang thân của 1 bên đen hoặc trắng để phân biệt.
Ảnh: Bàn cờ nổi với những quân cờ có dấu hiệu nhận biết riêng đã giúp cho những người khiếm thị có thể tiếp cận với bộ môn cờ vua.
Nghe có vẻ phức tạp và khó khăn với những người không biết, nhưng Loan lại rất hào hứng khi ngồi vào bàn cờ, em kiên nhẫn lần sờ từng ô cờ, từng quân cờ để không bị nhầm lẫn. Em tâm sự: “lúc đầu em đánh chậm lắm, vì việc sờ không nhanh như khi nhìn, đôi lúc sờ lâu quá em còn bị người chơi cùng thúc giục làm em cuống, toát mồ hôi. Nhưng cũng quen dần, em cũng không nhớ là em có thể đánh nhanh từ bao giờ, sau đó em cũng có thể đánh cờ mà không cần sờ vào bàn cờ nữa”. Hành trình theo nghiệp vận động viên cờ vua của Loan manh nha từ đó. Tuy nhiên, không có chặng đường nào bằng phẳng, không có thành công nào có được một cách dễ dàng, đặc biệt là đối với một cô gái khiếm thị nhỏ bé, không có quá nhiều sự hỗ trợ ngoài sự động viên về tinh thần từ gia đình và bạn bè.
Sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Loan đã lựa chọn con đường khó khăn nhất đó là học hòa nhập tại 1 trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông quận Hai Bà Chưng. Tại ngôi trường mới, Loan phải thuê nhà trọ gần trường để thuận tiện cho việc đi lại. Mọi chi phí sinh hoạt, ăn, mặc, ở, … em đều phải tự chi trả trong khi gia đình còn túng thiếu. Mặc dù vậy, em vẫn học, vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê cờ vua. Một bước ngoặt đến với Loan, khi học cấp 3, em biết đến và được tham gia tập cờ vua chuyên nghiệp tại trung tâm thể thao khuyết tật Hà Nội. Tại đây, em được huấn luyện một cách chuyên sâu, bài bản. Từ đó, em vừa đi học, vừa đi tập ở trung tâm, nơi cách nhà trọ khoảng 4km.
Thành quả đầu tiên đến với Loan đó là cuối năm 2014 - đầu năm 2015, em đã trở thành vận động viên chính thức của đoàn thể thao khuyết tật Hà Nội, tham gia giải thể thao khuyết tật toàn quốc. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Loan băn khoăn, suy nghĩ về việc có nên tiếp tục học đại học hay không? Nếu em tiếp tục học đại học thì lịch học sẽ trùng với lịch tập cờ nên em không thể vừa tập cờ và vừa đi học. Ở thời điểm đó, Loan đã phải nâng lên, đặt xuống rất nhiều về hai con đường. Em liệt kê ra giấy ưu điểm, nhược điểm của từng con đường. Hơn nữa, bố mẹ của em giờ tuổi cũng đã cao, kinh tế gia đình khó khăn… Cuối cùng, em lựa chọn theo nghiệp vận động viên cờ vua.
Từ đó cho đến nay, Loan đã thi đấu cờ vua chuyên nghiệp được tám năm. Vinh quang cũng nhiều và những giọt nước mắt tiếc nuối cũng không hề ít. Những thành tựu em đã đạt được là những lần được vinh danh, những tấm huy chương quý giá khiến gia đình, thầy cô tự hào. Nhưng trong bất kì hoàn cảnh nào, dù thắng hay thua, tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản" vẫn luôn toát lên ở cô gái Trần Ngọc Loan.
Đặc biệt, tháng 8 năm 2022, lần đầu tiên tham gia một giải đấu quốc tế - ASEAN PARAGAMES lần thứ 11 ở Indonesia, Loan đã đạt được 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Ảnh: Trần Ngọc Loan (bên trái) thi đấu bộ môn cờ vua tại kỳ ASEAN PARA GAMES lần thứ 12
Chưa đầy một năm sau, tại đại hội thể thao dành cho người khuyết tật (ASEAN PARA GAMES) lần thứ 12, được tổ chức tại Cam-pu-chia, Trần Ngọc Loan đã xuất sắc đạt 4 HCV, 2 HCB. Cô gái "vàng" xúc động chia sẻ: “Đứng trên bục danh dự và nghe quốc ca Việt Nam ở trên đất nước khác, em cảm thấy vô cùng tự hào. Em cũng luôn tin rằng, hi vọng chỉ vụt tắt khi ta mất niềm tin vào chính mình”.
Ảnh: Trần Ngọc Loan trên bục nhận huy chương
Hiện tại, Loan cùng chồng (cũng là người khiếm thị) đã có với nhau một bé trai kháu khỉnh. Tuy phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và chăm con nhỏ, Loan vẫn cố gắng đi tập đều đặn tại trung tâm thể thao khuyết tật Hà Nội. Em cũng thường xuyên có tên trong danh sách được cử đi thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Đối với Loan, niềm đam mê với bộ môn cờ vua chưa bao giờ tắt trong em. Loan cũng luôn tin rằng: “hi vọng chỉ vụt tắt khi ta mất niềm tin vào chính mình”.
Nhật Thanh
Newer news items:
Older news items:
- Vượt qua bóng tối cuộc đời bằng ánh sáng của trí tuệ và trái tim - 19/06/2023 01:52
- Một chủ tịch Hội với sức trẻ thanh xuân - 27/04/2023 02:19
- Tấm lòng của một chi hội trưởng - 04/04/2023 08:12
- BỐN LẦN VƯỢT LÊN NỖI ĐAU - 27/03/2023 07:09
- Vĩnh biệt nghệ sĩ guitar Văn Vượng - 1 trong 100 nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam - 15/02/2023 06:54