(HNM Hà Nội) - Cứ đến làng Hậu (phường Dịch Vọng Hậu-quận Cầu Giấy) hỏi bác Nguyễn Viết Chuân thì người dân đều chỉ tôi tới khu tưởng niệm liệt sỹ của phường và họ đều bảo “Bác ấy lúc nào chả ở ngoài đấy, cần gặp bác ấy chỉ có tìm ở đấy là thấy ngay” và quả nhiên vừa tới nơi tôi đã bắt gặp ngay hình ảnh người thương binh Nguyễn Viết Chuân đang cặm cụi cắt cỏ trong khuôn viên khu tưởng niệm.
Còn nhớ ngày đó, như bao chàng trai khác, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đang có chiến tranh, năm 1964, anh thanh niên Nguyễn Viết Chuân đã làm đơn xung phong lên đường đi chiến đấu. Sau khi vào chiến trường, đơn vị anh được bổ sung cho chiến trường Quảng Nam, một trong những mặt trận nóng bỏng của chiến trường. Trải qua tám năm chiến đấu với rất nhiều những trận chiến ác liệt, trong một lần không may, anh đã bị thương bỏng cả hai mắt. Sau gần bốn tháng điều trị qua nhiều bệnh viện, được sự chữa chạy tận tình của các bác sỹ, đôi mắt của anh đã dần thấy lại đôi chút ánh sáng.
Sau khi rời bệnh viện, bác Chuân được chuyển ngành về địa phương công tác. Rồi đến khi nghỉ hưu, bác đã chuyển về sống tại phường Dịch Vọng Hậu - quận Cầu Giấy- thành phố Hà Nội. Xét hoàn cảnh và nguyện vọng của bác, ủy ban nhân dân phường đã quyết định giao bác trông coi nhà bia tưởng niệm của phường.
Đây là công việc thật sự rất có ý nghĩa đối với một người thương binh như bác vì hàng ngày bác được chăm lo hương khói cho những người đồng đội của mình đã không may nằm lại ở các chiến trường.
Suốt năm năm qua kể từ khi nhận trông coi khu tưởng niệm này, mỗi khi có dịp đi đâu, bác đều tìm các loại cây dễ sống để mang về trồng ở đây, lâu dần tạo thành không gian xanh giữa một ngôi làng đã tiến lên đô thị hóa với những tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Bước sang tuổi 70, bác Chuân vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, chả thế mà khu tưởng niệm 2,7ha lúc nào cũng được bác chăm chút cẩn thận, từ việc cắt tỉa cây cối, làm cỏ, quét dọn sân chơi và lối đi sạch sẽ nhưng điều bác đặt nhiều tâm huyết nhất là lau chùi bia tưởng niệm cùng với chiếc lư hương, bác còn thường xuyên vào đình xin hương để hàng ngày đều đặn hương khói vì đây không chỉ là nơi mà mọi người dân trong khu vực đến để tri ân các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của cộng đồng.
Bác Chuân bộc bạch “công việc này đối với tôi không đơn thuần chỉ là tăng thu nhập, mà đó còn là cách tôi giáo dục con cái”, “ăn quả phải nhớ người trồng cây”. Khi tôi hỏi chuyến đi nào để lại cho bác ấn tượng sâu sắc nhất, bác cho biết đó chính là lần bác về vùng Nghệ Tĩnh - nơi nông trường của những cựu thanh niên xung phong sinh sống, do chiến tranh mà họ trở thành những người phụ nữ neo đơn, người thì đã quá lứa lỡ thì, người thì do bệnh tật…, họ không thể có 1 gia đình hoàn chỉnh nên họ chỉ biết dựa vào nhau mà sống, bác cùng đoàn đã tặng cho họ một số tiền để họ mua 5 con bò làm tư liệu sản xuất. Bác Chuân tâm sự: “Cùng là những người lính nên tôi rất đồng cảm với hoàn cảnh của các chị em, mình may mắn hơn họ nên thật sự mong muốn có thể chia sẻ và giúp đỡ họ nhiều hơn”. Từ đó bác càng tích cực hơn trong các phong trào chữ thập đỏ, bắt đầu chỉ là tìm đến những hộ có điều kiện trong khu phố để vận động quyên góp nhằm hưởng ứng các phong trào, dần dần chính bác cùng với gia đình tổ chức những chuyến đi thiện nguyện như giúp cho những đứa trẻ bị bỏ rơi tại các chùa ở Phủ Lý rồi Thái Bình những đồ dùng thiết yếu để sinh hoạt hàng ngày hay lên tận vùng cao để chia sẻ những manh áo ấm mỗi khi cơn lũ đi qua… Bác Chuân kể rằng ngoài những chuyến đi đột xuất do thiên tai hay những trường hợp khó khăn đặc biệt mà bác tình cờ biết được thì đều đặn mỗi năm bác cùng các bà con trong khu phố tổ chức được 2 chuyến đi vào dịp cuối năm để hỗ trợ cho bọn trẻ thêm chút lương thực lo tết và ra năm lại có thêm 1 chuyến đi tiếp tục mang tới những vật phẩm mới quyên góp được. Trước mỗi chuyến đi, bác đều tự tay chuẩn bị những suất ăn dọc đường cho các thành viên trong đoàn, lúc thì cơm nắm muối vừng, khi lại bánh mì, lương khô… Bác nói “Mình rủ họ cùng tham gia thì phải lo cho họ thật là chu đáo mới được”. Các con bác đều đã trưởng thành, có công việc tốt, thu nhập ổn định, thấy cha ngày càng tâm huyết với những hoạt động thiện nguyện cũng sẵn sàng góp công góp của cùng bác góp sức cho cộng đồng.
Từ khi tham gia hội người mù quận Cầu Giấy, trở thành chi hội trưởng Dịch Vọng Hậu thì bác lại có thêm 1 nhiệm vụ nữa là làm cầu nối giữa hội viên với tổ chức hội. Công việc tưởng chừng dễ dàng nhưng để hoàn thành bác cũng phải bỏ ra không ít công sức, mỗi khi được phổ biến về 1 chủ trương mới của quận hội, bác liền thông báo tới từng hội viên, việc tìm tới từng nhà hội viên cũng là việc bác thường xuyên thực hiện vì theo bác đó là cách để bác hiểu thêm những người đồng tật, hiểu những tâm tư tình cảm của họ cũng chính là góp phần vào định hướng phát triển của hội.
Không phô trương, không ồn ào nhưng những việc làm của bác được các tổ chức, đoàn thể ghi nhận, đó là những tấm giấy khen và đặc biệt là danh hiệu người tốt việc tốt của quận Cầu Giấy. Giờ đây mặc dù tuổi đã cao nhưng bác vẫn không ngừng rèn luyện thể lực và cả trí lực, bác đang theo học một lớp vi tính do hội người mù quận Cầu Giấy mở. Bác muốn mình luôn được cập nhật những tin tức thời sự để chia sẻ cùng mọi người. Bác thật sự là một người thương binh mẫu mực, xứng đáng với câu nói của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”.
Nguyễn Văn Đức (Hội người mù Quận Cầu Giấy
Newer news items:
Older news items:
- NGƯỜI CHI HỘI TRƯỞNG HẾT LÒNG VÌ CÔNG VIỆC - 20/01/2017 02:26
- NGƯỜI CÁN BỘ HỘI ĐAM MÊ CÔNG VIỆC LÀM BÁO - 20/01/2017 02:25
- NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHIẾM THỊ - 20/01/2017 02:24
- NỂ PHỤC CHÀNG TRAI KHIẾM THỊ CHỤP ĐƯỢC ẢNH ĐĂNG báo - 20/01/2017 02:23
- MỘT TÂM HỒN ĐẸP GIÚP ĐỜI NỞ HOA - 20/01/2017 02:22