(HNM Hà Nội) - Đam mê với nghề kỹ thuật từ nhỏ, tự tin bước vào ngành điện tại giảng đường đại học và thành công cùng doanh nghiệp của mình rồi trở thành nhà đầu tư kinh doanh trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau – đó là những thông tin về một câu chuyện dường như chỉ dành cho một doanh nhân năng động, sáng tạo và tài giỏi trên thương trường nhưng câu chuyện này đã và đang được Phùng Anh Tú – một thanh niên khiếm thị Hà Nội viết lên trong suốt hơn 10 năm qua.
Mộc mạc, dễ gần và luôn nở nụ cười lạc quan trên khuôn mặt trẻ hơn với cái tuổi 41 rất nhiều, Phùng Anh Tú vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm quan các phòng ban của Công ty Thiết bị điện Phố Hiến (số 24 phố Nguyễn Chính, Hà Nội) cũng như giới thiệu về những sản phẩm mà công ty đang kinh doanh 10 năm qua. Bằng những cử chỉ, động tác khá thuần thục trên các thiết bị điện, anh đã làm cho chúng tôi rất bất ngờ và ngỡ ngàng như trước mặt mình là một kỹ sư điện chuyên nghiệp. Nhớ lại lý do bước vào ngành điện, anh Tú tâm sự:”Tôi đến với ngành điện bằng lòng đam mê, sự tự tin và như một duyên số đã định. Thời còn nhỏ, mỗi lần đi theo bố đến các công ty xi – măng khắp đất nước, tôi ước mơ lớn lên mình sẽ trở thành một người làm trong ngành kỹ thuật như bố. Ước mơ dần thành hiện thực khi tôi bước vào khoa Hoá của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tuy nhiên, sau 2 năm học cơ bản, tôi quyết định chuyển sang ngành điện và nhận ra ngành học này mới thực sự là niềm đam mê của mình”.
Mặc dù được khuyên nhủ và cảnh báo về những khó khăn nhưng cùng với lòng quyết tâm, sự giúp đỡ của các thầy cô, sự hỗ trợ của bạn bè , đặc biệt là tình yêu của người bạn gái cùng lớp và sau này là vợ mình, anh Phùng Anh Tú đã hoàn thành khoá học 5 năm 1992-1997 với tấm bằng loại ưu. Chưa dừng lại ở đây, nghị lực và sự đam mê trong học tập của một chàng sinh viên khiếm thị đã lan toả và chạm tới trái tim của một người thầy. Năm 1998, thầy giáo – Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thiêm đã nhận Phùng Anh Tú vào làm việc tại Trung tâm Môi trường trực thuộc ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đây thực sự là một món quà ý nghĩa ,xứng đáng dành cho những nỗ lực và cố gắng vượt qua khó khăn của Phùng Anh Tú trong suốt quá trình học tập. Với sự giúp đỡ của thầy Thiêm, anh đã phát huy được hết khả năng chuyên môn của mình và luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Hơn 20 tuổi, dường như trong tay Phùng Anh Tú – một chàng trai khiếm thị đã có tất cả những niềm mơ ước mà bất cứ một sinh viên bình thường nào mới ra trường cũng không dám nghĩ đến. Công việc ổn định, gia đình ủng hộ và niềm vui lớn nhất là năm 2001 anh kết hôn với cô gái đã đồng hành cùng anh từ thời ngồi trên ghế giảng đường đại học. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cũng trong thời gian này, anh chị chào đón sự ra đời của một “thiên thần” bé nhỏ, khoẻ mạnh và kháu khỉnh.
Tưởng chừng sự viên mãn của cuộc sống đã đến với chàng trai đất Hà Thành này thì năm 2006, căn bệnh thoái hoá sắc tố võng mạc bẩm sinh làm thị lực của anh giảm sút một cách đột ngột và nhanh chóng. Anh đi khám ,điều trị ở nhiều nơi với hy vọng giữ được thị lực ổn định nhưng không có kết quả. Sức khoẻ không đáp ứng được yêu cầu của công việc, anh xin nghỉ làm tại Trung tâm Môi trường, ở nhà chăm sóc gia đình và tìm cho mình một công việc phù hợp hơn.
Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Tú trầm lắng xuống khi anh kể về căn bệnh lạ xuất hiện trong gia đình anh. Anh là con thứ 4 trong một gia đình có 6 anh chị em tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngôi làng yên bình đột nhiên có đến 5-6 gia đình có 2 người con, trai và gái đều mắc bệnh lý về mắt, theo giải thích của các bác sĩ đó là bệnh thoái hoá sắc tố võng mạc và không có phương thuốc nào cứu chữa. Phùng Anh Tú và chị gái Phùng Mai Hương không may mắn nằm trong những trường hợp đó. Đã vất vả lại càng thêm khó khăn do có 2 người con bị bệnh, bố mẹ Phùng Anh Tú phải chạy vạy khắp nơi, tham gia vào nhiều công việc để có thể duy trì cuộc sống hàng ngày. Điều ngạc nhiên nhất cho mọi người và cho chính bố mẹ Tú đó là sự trưởng thành ,những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của 2 chị em Anh Tú và Mai Hương. Anh Phùng Đăng Khuê – em trai của Phùng Anh Tú bày tỏ:”Cả nhà tôi cũng ngạc nhiên và bất ngờ trước nghị lực của anh Tú. Từ lúc đi học đến lúc làm việc tại trường ĐH Bách Khoa, anh Tú không hề phụ thuộc vào mọi người trong gia đình, tự mình vượt qua hoàn cảnh để có chỗ đứng trong xã hội. Thực sự tôi rất tự hào có một người anh trai như vậy…”.
Năm 2006, sau khi nghỉ việc, Phùng Anh Tú được Lê Tiến Trình - một người bạn thân thời đại học đến mời anh tham gia vào việc thành lập công ty thiết bị điện mang tên Phố Hiến. Anh nhận lời và được ban giám đốc tin tưởng bổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Làm việc đúng chuyên môn , đúng đam mê, Phùng Anh Tú là một nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp Phố Hiến ngày hôm nay. Nói về người bạn thân cũng là người đồng nghiệp của mình, anh Lê Tiến Trình – Giám đốc Công ty Thiết bị điện Phố Hiến bày tỏ:”Trong thời gian còn đi học cũng như hiện tại, chúng tôi luôn tôn trọng và đối xử bình đẳng với Phùng Anh Tú. Tú có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực điện khá chắc. Dù bị hạn chế về tầm nhìn nhưng Tú vẫn làm việc rất tốt và hiệu quả”.
Trong 10 năm chuyển sang môi trường doanh nghiệp, Phùng Anh Tú luôn xác định sẽ gặp phải rất nhiều thử thách, song, bằng sự tự tin, bằng chất lượng các sản phẩm, cái tên Phùng Anh Tú đã trở nên rất quen thuộc với nhiều công trình điện lớn trên cả nước như dự án cung cấp thang máng cáp cho công ty samsung (Bắc ninh), dự án cung cấp hộp điện cứu hỏa cho tòa nhà Keangnam( Mỹ Đình)… Các loại tủ điện phân phối, tủ tụ bù, thiết bị đóng cắt,… mang thương hiệu Phố Hiến do anh cùng đồng sự thiết kế ,lắp ráp được khách hàng đánh giá rất cao. Chưa dừng lại tại ngành điện, Phùng Anh Tú đã và đang còn tiến sâu vào nền kinh tế thị trường , anh tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh cho biết:”Ngành điện là nền tảng cho tôi tiếp tục bước đi trên con đường kinh doanh trong thời gian tới. Đặc biệt, chiếc máy tính có hỗ trợ phần mềm dành cho người khiếm thị mà tôi được học tại Hội người mù TP Hà Nội sẽ là công cụ hữu ích giúp tôi trong công việc, giao lưu và tìm được nhiều bạn hàng trên toàn thế giới”.
Thay cho lời chào chia tay, Phùng Anh Tú nhắn nhủ với chúng tôi:”Dù đã có những thành công nhất định nhưng tôi luôn trăn trở và mong muốn rằng sẽ tìm được các bạn trẻ khuyết tật, đặc biệt là các bạn trẻ khiếm thị, yêu và đam mê kinh doanh để tôi có thể giúp các bạn những kiến thức, kinh nghiệm trên con đường khởi nghiệp. Tôi và những đồng sự tại công ty Phố Hiến luôn dành tất cả những điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn..”.
Thành Nguyễn
Newer news items:
- CHUYỆN TÌNH ĐẸP NHƯ CỔ TÍCH CỦA CÔ GIÁO KHIẾM THỊ - 20/01/2017 02:12
- CHUYỆN TÌNH ĐẸP KHÓ TIN: CHỒNG MÙ, VỢ CỤT CHÂN VÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ NHƯ THIÊN THẦN - 20/01/2017 02:10
- CHIA SẺ CỦA MỘT CÔ GÁI KHIẾM THỊ - 20/01/2017 02:07
- Chàng trai khiếm thị và những ý tưởng kinh doanh đặc biệt - 20/01/2017 02:04
- CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA TÔI - 20/01/2017 02:02