Trong những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6/2017 vừa qua, hội người mù Hoàng Mai đã tổ chức thành công nhiều sự kiện  bổ ích ý nghĩa  như “Hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tham quan nghỉ mát tại vùng biển Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa” giúp nâng cao giá trị về nhận thức và tinh thần cho đông đảo cán bộ, hội viên tạo niềm khích lệ trong tư tưởng cũng như ý thức tham gia các hoạt động do hội khởi xướng.

Ảnh: Bà Chu Thị Thu Hà và tập thể cán bộ, hội viên Hội người mù Hoàng Mai

Ngoài những hoạt động nêu trên, có một chương trình nổi bật rất đáng chú ý là Hội thảo trao đổi, lấy ý kiến đóng góp từ hội viên với chủ đề "thiết bị hỗ trợ người khiếm thị” cụ thể là sản phẩm “kính mắt thần” do Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải sáng chế. Đây là phiên bản thứ ba có nhiều công năng và cơ động hơn các mẫu  trước.  Đúng 2h chiều  ngày 29/5, mọi người đã tập trung đông đủ tại văn phòng quận hội. Đến dự hội thảo có bà Chu Thị Thu Hà, Phó chủ tịch, Trưởng ban tuyên văn giáo   hội người mù Hà Nội, ông Nguyễn Trung Thái, là cán bộ chuyên trách  của thành hội.Thành phần tham gia tại hội người mù Hoàng Mai gồm có các ủy viên BCH và đại diện cho đa dạng các đối tượng, lứa tuổi  đang là hội viên sinh hoạt trên địa bàn quận. Ngoài ra, còn có một số khách mời là người khiếm thị và không khiếm thị cũng đến tham gia

Mở đầu hội thảo, thạc sĩ Trần Phương Nam, giảng viên Đại học sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đại diện  cho Ban nghiên cứu kiểm thử đã có đôi lời giới thiệu về ý nghĩa, mục đích của chương trình. Dù bận công tác, nhưng tiến sĩ Nguyễn Bá Hải đã không quên ghi âm lại lời chào, lời tâm sự  của mình để gửi gắm đến hội thảo nói lên ý tưởng, cảm xúc và sự trân trọng dành cho những người yếu thế tuy mất đi ánh sáng của đôi mắt  nhưng tâm hồn vẫn lấp lánh một niềm tin. Điều đó  luôn thôi thúc anh giữ vững được nguồn cảm hứng và đam mê trong nghiên cứu khoa học. Anh cũng chia sẻ về mối lương duyên khi quen biết với những người khiếm thị miền Bắc và mong muốn thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp khi phối hợp với hội người mù Hoàng Mai cùng tổ chức buổi hội thảo. Được biết, đây là đợt đầu tiên mà hội viên Hoàng Mai vinh dự thuộc danh sách 200 người khiếm thị cả nước tham gia vào chương trình này.  

  Ở phần trải nghiệm, anh Nam và một cán bộ trẻ từ Trung ương đoàn đã tận tình hướng dẫn cho từng người làm quen, sử dụng với các tư thế, góc độ khác nhau, đặc biệt là việc kết hợp thiết bị với chiếc gậy,một công cụ không thể thiếu đối với những người hỏng mắtkhi đi đường.

Một số tính năng và đặc điểm kỹ thuật cần biết  của bộ “Kính mắt thần”:

- Chiếc kính vẫn có 2 cảm biến gắn trước gọng, nhưng đã thanh mảnh hơn giống với kính trắng thời trang. Có thể kết nối bằng dây vào thiết bị chính để hoạt động ở tầm cao.

- Thiết bị chính có dạng hình vuông với kích thước cạnh khoảng 10 cm,độ dày khoảng 2 cm,2 thấu kính hồng ngoại được gắn song song ở phía trên mặt trước, bên sườn có một công tắc, ngõ nối  với kính, cổng sạc pin, và 2 nút bấm để điều chỉnh cự ly cảm biến từ 1 m đến 3,5 m, cường độ rung có 5 cấp, và tích hợp pin  sử dụng từ 4 đến 6 ngày.  

 Là thiết bị trung tâm có thể hoạt động độc lập sẽ báo rung khi phía trước có vật cản nên không cần kết nối với kính đeo. Thiết bị   có khả năng chống nước khi đi dưới trời mưa. Ngoài ra, nó có phần dây đai để  quàng vào thắt lưng, móc vào tay đi cùng với gậy hay đeo vào các vị trí phù hợp trên cơ thể.

Tiến sĩ Bá Hải có chia sẻ bên lề rằng trong tương lai gần sẽ cố gắng thu gọn thiết bị bằng 1/6 kích thước hiện tại và sẽ có thêm các tính năng hữu ích. 1000 thiết bị đầu tiên hoàn toàn sẽ dành tặng  cho những người khiếm thị khó khăn phải bươn chải  cuộc sống  hàng ngày. Các sản phẩm tiếp theo sẽ có tính thương mại ở nước ngoài và cứ 2 sản phẩm bán được sẽ qui thành 1 bộ thiết bị để tặng cho một hoàn cảnh cụ thể trong nước.

    Sau giờ giải lao, mọi người rất hào hứng trao đổi, chia sẻ phần trải nghiệm của mình bằng những câu hỏi, đề xuất rất thực tế gắn liền với nhu cầu và mong đợi của một bộ phận không nhỏ người khiếm thị. Từ ý tưởng của các bạn trẻ đến ý kiến của người có tuổi đều khá chân tình, tích cực.Trong số các vị khách mời còn có những bạn khiếm thị đã từng du học, tham quan,  tập huấn  trong và ngoài nước như các nước Nhật, Úc v.v. Tại đây, họ đã có thêm sự đối chiếu, gợi ý rất thú vị, mới mẻ nhìn chung, mọi đóng góp  đều mang tính xây dựng  hướng tới việc nâng cấp sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn

  Kết thúc buổi hội thảo, mỗi người đều có những tâm tư, kỳ vọng nhất định về cuộc sống, việc hòa nhập  trong xã hội hiện đại bằng sự lạc quan  tin tưởng vào tương lai và vận hội của chính mình.

 Thiết nghĩ, hiện nay trong bối cảnh giao thông, quy hoạch đô thị và các công trình công cộng  chưa đủ tính  tiếp cận cho người khuyết tật ở nước ta nói chung. Thêm vào đó là tập quán sinh sống của cư dân tại các vùng miền rất khác nhau nên đặc thù sinh hoạt, di chuyển, sinh kế của người khiếm thị  ở nhiều nơi cũng chưa đồng nhất. Vì vậy, việc nghiên cứu, phát triển các thiết bị, công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật là trí tuệ, tâm hồn, nghĩa cử cao đẹp mà bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng cần được khích lệ, tiếp sức vì tính nhân văn, sự đa dạng và bình đẳng trong cộng đồng xã hội, thể hiện được niềm tin của người dân và chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước

  Quang Hiếu