Kinhtedothi - Câu tục ngữ “giàu hai con mắt” nói lên sự quan trọng và cần thiết của đôi mắt trong cuộc sống. Vượt qua bóng tối, vượt qua số phận, nhiều phụ nữ khiếm thị Hà Nội đã vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.
Xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó
Theo Chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội Lê Trung Quyết, phụ nữ khiếm thị luôn phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nên luôn được các cấp Hội quan tâm, dành nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện để chị em vượt khó vươn lên hòa nhịp với xã hội. Hàng năm, toàn Hội đều có nhiều hoạt động, thu hút chị em tham gia. Nhờ đó chị em đã dần xóa bỏ mặc cảm tự ti, phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng xã hội.
Ảnh: Hội người mù TP Hà Nội tổ chức hội nghị kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023); tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2023; tổng kết 25 năm công tác phụ nữ và trẻ em
Những năm gần đây, cùng với nhiều hoạt động sôi nổi của Hội người mù TP Hà Nội, phụ nữ khiếm thị luôn là những hạt nhân nòng cốt trong các phong trào, sự kiện lớn của Hội. Các kỳ Festival “Niềm tin và ánh sáng”, Liên hoan nghệ thuật “Giai điệu Thăng Long - Hà Nội”, “Mùa thu Hà Nội - Vang mãi niềm tự hào” hay “Mãi mãi một niềm tin” luôn có sự đóng góp không nhỏ của hội viên nữ, từ vai trò tổ chức sự kiện tới ca sĩ, diễn viên…
Công nghệ thông tin đã mở ra một cuộc cách mạng mới, giờ đây công nghệ thông tin đã trở thành công cụ hữu ích với người khiếm thị. Qua 2 kỳ liên hoan tin học do Hội người mù Việt Nam khởi xướng, đã có nhiều chị em nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Tại vòng thi toàn quốc, Hội người mù TP Hà Nội đã có các thí sinh đạt giải cao như chị Nghiêm Thu Loan và chị Hoàng Thị Cúc.
Không chỉ tham gia các cuộc thi trong nước, nhiều chị còn chinh phục cả những đấu trường Quốc tế, như chị Đỗ Thu Hà (quận Cầu Giấy) đoạt giải Nhất cuộc thi viết chữ Braille khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; em Tô Nhật Hà giành giải Nhất cuộc thi âm nhạc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; các em Nguyễn Thị Hồng (huyện Phúc Thọ), Nguyễn Thị Mỹ Linh (huyện Đan Phượng) đoạt nhiều huy chương vàng môn cờ vua trong kỳ Para Games khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ảnh: Hội người mù TP Hà Nội biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến tiêu biểu
Trong phong trào học tập, trau dồi kiến thức cũng xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó vươn lên. Hiện tại, Hội người mù TP Hà Nội có 7 hội viên nữ có trình độ Thạc sĩ, 135 chị tốt nghiệp đại học, cao đẳng… Tiêu biểu như chị Đỗ Thúy Hà đã tốt nghiệp 2 bằng Thạc sĩ; các chị Đào Thu Hương, Nghiêm Thu Trang đã tốt nghiệp Thạc sĩ tại Úc hay em Nghiêm Thu Loan, Đào Thùy Linh đã trúng tuyển và đang theo học tại trường Đại học RMIT.
Quan tâm đời sống, dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ khiếm thị
Hàng năm, Ban công tác phụ nữ trẻ em các cấp Hội người mù TP Hà Nội vận động toàn thể cán bộ, hội viên tham gia ủng hộ quỹ “Mái ấm tình thương” do Hội người mù Việt Nam phát động nhằm hỗ trợ, xây dựng nhà cho phụ nữ khiếm thị khó khăn với tổng kinh phí trong 3 năm 2021, 2022, 2023 gần 37 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện tình cảm và sự chung tay của những người đồng tật cùng giúp đỡ lẫn nhau.
Trong 25 năm qua, Hội người mù TP Hà Nội đã có hơn 33.000 lượt chị em được chăm sóc, tặng quà, trợ cấp với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, hầu hết đều được vận động từ nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, trong những ngày đại dịch Covid-19, thực hiện yêu cầu của Nhà nước về phòng, chống dịch, nhiều chị em đã gặp không ít khó khăn do bị mất việc làm, thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ vì phải cách ly, giãn cách xã hội nên cuộc sống cực kỳ khó khăn. Hội người mù TP Hà Nội và các đơn vị đã chủ động liên hệ với các nhà hảo tâm để có những phần quà là nhu yếu phẩm hỗ trợ cán bộ, hội viên yên tâm vượt qua đại dịch.
Ảnh: Hội người mù TP Hà Nội biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến tiêu biểu
Theo Chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội Lê Trung Quyết, để giúp chị em ổn định cuộc sống thì cần phải đẩy mạnh việc trang bị cho chị em những nghề phù hợp. Trong những năm qua, rất nhiều lớp học nghề tại Hội người mù TP Hà Nội và đơn vị đã được mở. Mỗi năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội đều triển khai nhiều lớp dạy nghề. Với gần 1.000 chị em đã qua đào tạo thì hầu hết đều đã có việc làm bằng các công việc: Xoa bóp tẩm quất, bán hàng online, làm nghề thủ công…mang lại thu nhập ổn định hàng tháng.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác dạy nghề thì Hội cũng thường xuyên quan tâm công tác vay vốn giải quyết việc làm. Có thời điểm tổng số vốn do Hội người mù TP Hà Nội quản lý lên tới trên 32 tỷ đồng. Trong số này đã có 1.067 lượt chị em được vay với số tiền gần 11,4 tỷ đồng. Nhờ có vốn vay, nhiều hộ gia đình người khiếm thị đã phát huy được khả năng lao động, tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình cùng tham gia phát triển kinh tế.
Mọi người đều cho rằng, người khiếm thị vay vốn là rất vất vả khó khăn, nhưng khi họ được hưởng quyền lợi, người khiếm thị đã biết nắm bắt thời cơ và phát huy hiệu quả của đồng vốn phát triển kinh tế, tạo cho họ thoát khỏi nghèo đói, vươn lên làm giàu. Với tinh thần cần cù chịu khó, các chị em đã sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực cho bản thân và gia đình, 100% khi đến hạn đều hoàn trả đủ, không có trường hợp nào dư nợ quá hạn.
Nhiều chị em được vay vốn đã mạnh dạn đầu tư, mở các cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất, trở thành những bà chủ có mức thu nhập tương đối cao, tự làm chủ bản thân, có vị thế trong gia đình và xã hội, được cộng đồng yêu mến.
Tuy ở Hà Nội, song nhiều chị em vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Trong những năm qua, toàn Hội vẫn luôn nỗ lực vận động các nguồn lực từ chính quyền địa phương, từ các nhà hảo tâm để xây mới và sửa chữa nhà cho các chị. Đã có 76 chị em được hỗ trợ làm nhà với kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng và 32 chị được hỗ trợ sửa nhà với kinh phí hơn 670 triệu đồng. Đây là hoạt động ý nghĩa và giàu tính nhân văn của toàn xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế. Cùng với đó, Hội cũng đã làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, giúp 2.340 chị em được hưởng chế độ bảo trợ, BHYT thường xuyên của nhà nước, đạt 100% đủ điều kiện và số còn lại do đã được hưởng lương hưu hoặc chế độ mất sức.
Hội người mù TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023); tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2023; tổng kết 25 năm công tác phụ nữ và trẻ em. Đồng thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến tiêu biểu trong tổ chức hội có đóng góp tích cực vào sự phát triển của tổ chức và cộng đồng.
Nguồn: Hồng Thái - kinhtedothi.vn
Newer news items:
- Mô hình tuyên truyền hiệu quả thông qua các cuộc thi trực tuyến dành cho người khiếm thị - 20/06/2023 04:07
- Người khiếm thị Quận Hà Đông tham gia đóng góp ý kiến văn kiện đại hội XI Hội người mù thành phố - 17/06/2023 13:45
- Huyện hội Người mù Ứng hòa tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và góp ý văn kiện đại hội XI - Hội người mù thành phố nhiệm kỳ 2023-2028 - 17/06/2023 13:42
- Sôi nổi hoạt động chuẩn bị Đại hội Hội Người mù TP Hà Nội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 tại các đơn vị cơ sở. - 14/06/2023 04:05
- Người khiếm thị Thủ đô vững vàng tinh thần “Tàn nhưng không phế” - 12/06/2023 02:25
Older news items:
- Hội Người mù thành phố Hà Nội: kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - 09/06/2023 07:41
- HNM Hoàng Mai tổ chức hội nghị đóng góp văn kiện Đại hội XI của Thành Hội Hà Nội - 09/06/2023 07:39
- Hội người mù Thường Tín đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Hội người mù Thành Phố Hà Nội khóa XI nhiệm kỳ 2023-2028 - 07/06/2023 07:41
- Hội người mù thành phố: Tập huấn tư vấn hướng nghiệp nghề cho cán bộ khiếm thị - 31/05/2023 08:43
- Hội người mù Quận Hà Đông: tổ chức chương trình “Thiếu nhi quê lụa - Rộn ràng vào hạ” - 31/05/2023 07:20