Ngày 11.10, Trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù TP Hà Nội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), Hội trợ giúp Người tàn tật Việt Nam (VNAH) tổ chức Hội thảo “Nhu cầu đào tạo nghề Công tác xã hội cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng cục bảo trợ Xã hội phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Hồi- Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động Thương binh và xã hội; Bà Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Bộ trưởng bộ lao động thương binh xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội; Đại diện tổ chức VNAH tại Hà Nội; đại diện các Sở ban ngành Thành phố Hà Nội và một số trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm có chuyên ngành đào tạo nghề Công tác xã hội cùng hơn 100 người khiếm thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Công tác xã hội là một nghề hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Ở Việt Nam, nghề Công tác xã hội (CTXH) đã được đào tạo từ những năm 2000 và Nhà nước ta đã có những chính sách đẩy mạnh phát triển nghề Công tác xã hội trong giai đoạn 2010-2020 được cụ thể hóa tại Quyết định 32/2010 của Chính phủ.

Trung tâm dạy nghề Hội người mù Thành phố Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố Hà Nội chuyên đào tạo nghề cho người khiếm thị ở trình độ sơ cấp Thời gian qua, Trung tâm đã và đang đào tạo các nghề Tin học văn phòng, Tẩm quất, và một số nghề thủ công cho người khiếm thị; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng Kỹ năng sống, hỗ trợ việc làm, hướng nghiệp, phát triển kinh tế và tư vấn pháp luật cho người khiếm thị… Hiện nay, xuất phát từ thực tế Hội trải qua 45 năm hoạt động, Hội người mù Hà Nội có những đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhiều năm, thực hiện nhiều chương trình trợ giúp người khiếm thị hiệu quả nhưng chưa có cán bộ nào được đào tạo chính quy về nghề CTXH hơn nữa cùng với các đối tượng xã hội khác, người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng cũng là đối tượng “thân chủ” của nghề Công tác xã hội. Vì vậy, Trung tâm dạy nghề Hội người mù Thành phố Hà Nội đã xây dựng, thẩm định và phê duyệt hoàn chỉnh bộ chương trình, giáo trình dạy nghề Công tác xã hội cho người khiếm và đã được cấp phép dạy nghề. Đây là tín hiệu vui đến với người khiếm thị Thủ đô. Từ sự cho phép đó, những người khiếm thị sẽ có thêm một nghề mới, mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.

 

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH trình bày báo cáo

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các tổ chức, các trường Đại học đã báo cáo về: Tình hình thực hiện các quy định, dạy nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực nghề CTXH; Chương trình, giáo trình sơ cấp nghề CTXH cho người khiếm thị; Giới thiệu về công nghệ sách Daisy và ứng dụng vào công tác đào tạo nghề CTXH cho người khiếm thị…

 

Ảnh: Lễ ký kết đào tạo nghề giữa Trung tâm và trường Cao đẳng Hùng Vương

Cũng tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết đào tạo liên thông nghề CTXH giữa trường Cao đẳng nghề Hùng Vương và Trung tâm dạy nghề HNM Hà Nội. Buổi chiều là phần thảo luận nhóm với những chủ đề: Những giải pháp thúc đẩy nhu cầu học nghề cho người khiếm thị; Nhu cầu đào tạo gắn với tạo việc làm cho người khiếm thị…

 

 Lê Chinh