(HNM) - Người ta thường nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, nhưng với nhiều người khiếm thị, sự thiệt thòi không làm cho họ vơi đi niềm tin. Tiếp xúc với họ, ta vẫn thấy một đời sống đa sắc, đa âm, khao khát hướng tới tương lai. Ánh sáng niềm tin đó được tạo dựng từ chính bản lĩnh của người khiếm thị và sự động viên của cả cộng đồng.
Vun trồng hạnh phúc
Sinh ra trong gia đình khó khăn, lại bị khiếm thị, thay vì tự ti về hoàn cảnh, anh Lê Văn Bình (48 tuổi), thôn Xoan, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) không ngừng cố gắng để dựng xây cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự nỗ lực của anh trong mọi công việc, hoạt động khiến nhiều người cảm động và đó cũng là cơ duyên để anh gặp người bạn đời của mình. “Gặp và chứng kiến anh không sáng mắt, nhưng luôn sáng lòng, tôi khâm phục, cảm động, rồi yêu thương. Sau hơn 20 năm kết hôn, chúng tôi nắm tay nhau, động viên nhau bước qua những gian khó, có 3 đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, kinh tế ngày càng ổn định, phát triển”, chị Đỗ Thị Tuyết, vợ anh Bình cho hay.
Anh Lê Văn Bình, thôn Xoan, xã Vân Hòa (Ba Vì) chăm sóc đàn bò sữa.
Đưa chúng tôi thăm khu chuồng trại chăn nuôi, anh Lê Văn Bình cho biết, gia đình đang nuôi 7 con bò sữa, nuôi thêm 2 con trâu lấy sức kéo, một cặp bò sinh sản và nhiều lợn, gà. Chăn nuôi mang lại cho gia đình anh tổng doanh thu khoảng 360 triệu đồng/năm, lãi khoảng 180 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình còn mở thêm dịch vụ xay xát, làm nông nghiệp. Kinh tế ổn định, anh Lê Văn Bình có điều kiện nuôi dạy con cái học hành, giúp đỡ những người xung quanh, nhất là những người đồng cảnh. Thời gian tới, anh dự kiến dùng số tiền tích lũy đầu tư mở rộng chuồng trại, phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín toàn diện với hệ thống trang thiết bị hiện đại, có thể chủ động phòng, chống dịch bệnh, nguồn thức ăn và đầu ra cho sản phẩm.
“Tôi có được thành công như hôm nay một phần là sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của bản thân, một phần nhờ sự tin tưởng, giúp đỡ của những người xung quanh. Hai lần tôi được giải quyết vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm thông qua Hội Người mù huyện Ba Vì để xây dựng chuồng trại, mua con giống. Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía để kế hoạch chăn nuôi quy mô lớn có thể trở thành hiện thực”, anh Lê Văn Bình bày tỏ.
Thêm một tấm gương người khiếm thị bền bỉ vun trồng hạnh phúc mà chúng tôi gặp là chị Đỗ Thúy Hà (37 tuổi), Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Mỗi lần gặp là một lần chúng tôi thêm bất ngờ về chị. Chị cho rằng, mọi ngả đường đều có thể đi đến đích, càng đi càng đến những đích xa hơn, nên không bao giờ cho phép bản thân dừng lại. Sau chuỗi thành tích được ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý như: “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, “Gương mặt triển vọng Việt Nam”, “Công dân Thủ đô ưu tú”…, chị đang phối hợp với một số tổ chức thiện nguyện trong nước, nước ngoài mở các lớp dạy nghề, dạy kỹ năng mềm cho hội viên Hội Người mù quận Đống Đa, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng. Bản thân chị đang học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh của Đại học Quebec (Canada) với chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh và giáo viên nước ngoài. Vừa đi học, đi làm, vừa tham gia công tác xã hội, chị Đỗ Thúy Hà vẫn dành đủ thời gian chăm sóc tổ ấm - nơi có người chồng hết mực cảm thông, yêu thương cùng hai đứa con 7 tuổi và 1 tuổi khỏe mạnh, đáng yêu.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Hà khẳng định: “Những thành tích bước đầu là động lực để tôi tiếp tục vươn lên. Tôi sẽ vận dụng kiến thức, kỹ năng có được để xây dựng các chương trình, hoạt động trợ giúp người khiếm thị”.
Xây đắp tương lai
Tương tự những người đi trước, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (23 tuổi), thôn Vĩnh Kỳ, xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) không ngừng nỗ lực học tập, tìm kiếm niềm vui, niềm hy vọng trong cuộc sống.
Ngày ngày, Linh miệt mài trên giảng đường Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cùng học với những sinh viên bình thường, Linh gặp khá nhiều khó khăn do thiếu giáo trình, thiếu con mắt tinh tường để ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, rèn luyện kỹ năng. Để theo kịp bạn, Linh chăm chỉ, tích cực tìm hiểu công nghệ thông tin, chủ động học hỏi điều hay, lẽ phải. Nhờ đó, Linh đạt điểm khá, giỏi ở nhiều môn học, được thầy, cô đánh giá cao, bạn bè yêu mến.
Ngoài chương trình học chính khóa, Nguyễn Thị Mỹ Linh tìm đến môn cờ vua cho thỏa niềm đam mê. Với tinh thần không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách, khả năng chơi cờ vua của Linh tiến bộ theo thời gian. Tham gia tập luyện tại Câu lạc bộ Cờ vua người khuyết tật TP Hà Nội từ năm 2013, Linh có nhiều cơ hội đi đấu, khẳng định tài năng. “Đến nay, tôi đã tham gia 5 mùa giải thể thao trong nước dành cho người khuyết tật, giành 16 huy chương các loại, trong đó có 5 Huy chương vàng. Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 9 năm 2017 (Asean Paragames 9) diễn ra ở Malaysia, tôi mang về 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc môn cờ vua. Mới đây, tôi vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong thể thao”, Linh phấn khởi.
Từ thành công của bản thân, Linh nhắn nhủ, học tập và rèn luyện là con đường ngắn nhất giúp người khiếm thị tự tin, vui sống. Thay vì trông chờ sự giúp đỡ từ người khác, người khiếm thị nên biết rõ mình mong muốn gì, có khả năng gì và cố gắng phát huy hết khả năng để hiện thực hóa mục tiêu. Các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội nên quan tâm dạy kỹ năng mềm cho người khiếm thị, động viên, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho họ hòa nhập.
Mong ước cho những người đồng cảnh tự tin tạo lập cuộc sống, chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển, hội viên Hội Người mù huyện Sóc Sơn đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi với số tiền 30 triệu đồng để mở cơ sở xoa bóp, tẩm quất trên đường Đào Tấn (quận Ba Đình). Tiếp nhận những người khiếm thị vào làm việc, chị luôn nhắc nhở họ: “Nếu để khách đến cửa hàng bằng lòng thương hại, họ sẽ chỉ đến một lần. Hãy để khách được hưởng chất lượng dịch vụ tương xứng số tiền họ bỏ ra, họ sẽ quay lại”. Cách ứng xử nhân văn với người lao động, thái độ trân trọng khách hàng là yếu tố cơ bản đưa cơ sở xoa bóp, tẩm quất của chị Uyển phát triển như hiện nay. Cơ sở này đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục người khiếm thị với mức thu nhập trung bình từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng.
Những ví dụ điển hình về người khiếm thị nêu trên phần nào cho thấy, con người dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, nếu bản thân có đủ quyết tâm, nếu người thân và cộng đồng xã hội tạo điều kiện giúp đỡ, mỗi người đều có cơ hội làm chủ tương lai, cuộc sống của chính mình. Riêng với người khiếm thị, ánh sáng có thể xuất phát từ trái tim, từ tâm hồn, từ hành trình nỗ lực không mệt mỏi.
Theo hanoimoi.com.vn
Newer news items:
- Quận Thanh Xuân: Trao quà cho người khiếm thị cao tuổi - 02/10/2018 06:31
- Điểm tựa của người khiếm thị - 01/10/2018 07:18
- 312 đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Người mù TP Hà Nội nhiệm kỳ 2018-2023 - 28/09/2018 07:40
- 38 đại biểu được bầu vào Ban Chấp hành Hội Người mù TP Hà Nội nhiệm kỳ 2018-2023 - 28/09/2018 07:34
- Giải cờ vua người khiếm thị Hà Nội mở rộng năm 2018 - 19/09/2018 06:35
Older news items:
- Khai giảng lớp chữ nổi tại Huyện hội Hoài Đức - 31/08/2018 03:54
- Tuyên truyền dạy nghề, tư vấn học nghề, tự tạo việc làm cho lao động trên địa bàn quận Nam Từ Liêm - 24/08/2018 08:25
- Người khiếm thị Phú Xuyên sau 10 năm sáp nhập: Tự tin, vươn mình đón ánh sáng. - 23/08/2018 07:38
- Dấu ấn lịch sử của những người khiếm thị Thủ đô - 21/08/2018 07:55
- Trao học bổng khuyến học cho học sinh sinh viên và con hội viên khiếm thị - 21/08/2018 03:39