Để khích lệ phong trào sử dụng chữ Braille trong học tập và cuộc sống của người mù, hàng năm Hiệp hội Người mù thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (WBUAP) phát động cuộc thi viết chữ Braille ( ONKYO) dành cho người khiếm thị. Năm 2020 là năm thứ 18 cuộc thi được tổ chức. Căn cứ vào thông báo của WBUAP, TW Hội đã phát động cuộc thi tới các Tỉnh, Thành Hội, nhiều đơn vị đã thành lập Ban tổ chức và triển khai cuộc thi đến từng hội cơ sở, chi hội và được đông đảo cán bộ, hội viên, học sinh hưởng ứng. Cuộc thi được tổ chức từ ngày 11/3/2020 đến ngày 25/5/2020. Qua tuyển chọn, đã có 48 bài xuất sắc nhất từ 32 Tỉnh, Thành hội được gửi về Trung ương Hội, tuy nhiên, trong số bài dự thi năm 2020, nhóm dưới 26 tuổi tỷ lệ tham gia rất thấp (18,8%). Người cao tuổi nhất tham dự cuộc thi 74 tuổi, ít tuổi nhất 18 tuổi. Trung ương hội đã tặng quà cho 45 thí sinh có bài viết tốt, đúng thể lệ.
Có thể nói 4 chủ đề của Ban tổ chức cuộc thi ONKYO 18 đưa ra phù hợp, phong phú, có chủ đề mới để hội viên hứng thú lựa chọn khi viết bài. Các bài dự thi đều được viết bằng chữ Braille, đúng chủ đề. Mặc dù lựa chọn ở chủ đề khác nhau, nhưng mỗi bài viết đều thấy được những khó khăn của người mù, họ đã nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu để có những thành công trong cuộc sống.
Với chủ đề: “Nếu hiện nay, chữ Braille vẫn còn phù hợp và quan trọng với người mù, cần làm gì để thúc đẩy người mù tiếp tục sử dụng chữ Braille?” Hầu hết các bài viết đều đánh giá cao vai trò của chữ Braille trong học tập, công tác và đời sống của người mù. Trong thời đại ngày nay, sự phát triển và ứng dụng của Công nghệ thông tin cũng đã đem lại nhiều tiện ích nhưng không thể thay thế được chữ Braille, vì vậy, công nghệ thông tin và chữ Braille luôn là phương tiện đồng hành, hỗ trợ người mù tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức. Đồng thời, cũng có nhiều giải pháp, đề xuất như: các cấp Hội duy trì và phát triển tủ sách với nhiều nội dung, hình thức phong phú; mở các lớp dạy xóa mù chữ cho hội viên; tích cực tham gia các cuộc thi viết do Hội và địa phương tổ chức; duy trì văn hóa nghe, đọc hàng ngày và ghi chép lại bằng chữ Braille những nội dung bổ ích, phát triển việc sử dụng các máy móc công nghệ in ấn, hiển thị chữ Braille…
Khi viết về chủ đề 2: “Viết về người/tổ chức đã giúp bạn vượt qua bóng tối và trở thành người có ích như hôm nay”, phần lớn các bài viết dành sự tri ân, tình cảm cho tổ chức Hội như ngôi nhà thứ hai đã tạo môi trường để họ tham gia học tập, lao động, phát triển bản thân, tạo sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của họ một cách tích cực. Một số bài viết dành tình cảm cho người mẹ thân yêu, cho người bạn đời…
“ Nếu được cho ba điều ước, bạn sẽ ước những gì? Lí do vì sao?” Đây là chủ đề mới được nhiều tác giả thích thú. Bên cạnh ước cho bản thân những điều thiết thực, nhiều tác giả ước cho những người đồng tật có đôi mắt nhìn được ánh sáng, không bị xã hội phân biệt, và những điều ước thật giản dị như: mong sao nghề xoa bóp bấm huyệt được tất cả mọi người hiểu đúng đắn, trong sáng và tôn trọng… Có những điều ước mang tính thời sự về dịch covid, chiến tranh trên thế giới không còn nữa… ở đó thấy được tình đồng tật, tình đồng bào qua mỗi bài viết
Chủ đề âm nhạc “Sự kỳ diệu của âm nhạc và ý nghĩa của nó đối với bạn?” Với đặc thù của người mù thường được nghe nhiều hơn nên âm nhạc được hình thành trong họ ngay từ khi còn bé qua lời ru, tiếng hát của bà, của mẹ. Hình ảnh quê hương, cánh đồng bát ngát, được các thí sinh tưởng tượng qua lời bài hát, đó là những ký ức đẹp trong tâm trí mỗi tác giả. Niềm đam mê âm nhạc giúp cho người mù có tinh thần vui vẻ, tràn đầy năng lượng để họ vượt qua khó khăn, thành công trong cuộc sống. Vẫn còn những tác giả tâm tư với nghề âm nhạc, mặc dù được đào tạo trong các trường âm nhạc lớn nhưng khi ra trường vẫn khó để có thu nhập ổn định với nghề. Nhưng với sự đam mê, họ vẫn luôn cố gắng để âm nhạc sẽ đem lại niềm vui cho bản thân, cho bạn bè và mọi người yêu mến âm nhạc.
Thông qua những bài viết, thấy được hình ảnh của người mù Việt Nam ở mỗi vùng miền với những khó khăn rất riêng, nhưng đều nói lên được nghị lực vươn lên đạt kết quả trong học tập, công tác, đời sống. Những thành quả đó đã làm thay đổi quan điểm, thái độ của những người xung quanh, giúp họ tự tin, bình đẳng trong xã hội.
Ban giám khảo cuộc thi ONKYO 18 của Trung ương Hội đã chấm điểm và đánh giá công bằng, khách quan, lựa chọn ra 05 bài viết tiêu biểu nhất, dịch sang tiếng Anh, đại diện cho 02 nhóm tuổi để gửi đi tham dự cuộc thi ONKYO 18 khu vực Châu Á Thái Bình Dương đó là:
1. Nghiêm Thu Loan, 22 tuổi, Hội Người mù huyện Ứng Hòa, Hà Nội
2. Nguyễn Việt Khởi, 20 tuổi, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng
3. Trần Bình Minh, 34 tuổi, Công nhân Xưởng in chữ Braille, Chi hội Người mù trực thuộc Trung ương Hội
4. Phan Đình Việt, 38 tuổi, Hội Người mù tỉnh Bình Định
5. Nguyễn Văn Sơn, 57 tuổi, Hội Người mù huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk
Ban tổ chức cuộc thi OKYO khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã nhận được 35 bài dự thi từ 9 quốc gia và đã trao giải cho 07 thí sinh có bài viết xuất sắc nhất theo thể lệ cuộc thi và 14 giải khuyến khích theo đề xuất của ban giám khảo. Trong 05 thí sinh của Việt Nam tham dự nói trên, 04 thí sinh vinh dự được nhận giải của ban tổ chức, đó là:
Giải OTSUKI (Giải đặc biệt) trị giá 1000 USD thuộc về thí sinh Trần Bình Minh, Công nhân Xưởng in chữ Braille, Chi hội Người mù trực thuộc Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Giải tác phẩm xuất sắc trị giá 500 USD thuộc về thí sinh Phan Đình Việt, Hội Người mù tỉnh Bình Định
Giải khuyến khích 150 USD và 100 USD thuộc về 02 thí sinh Nguyễn Văn Sơn, Hội Người mù huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk và Nghiêm Thu Loan, Hội Người mù huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.
Trung ương Hội chúc mừng 04 thí sinh xuất sắc đạt giải của cuộc thi ONKYO lần thứ 18 của Hiệp hội Người mù thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và nhiệt liệt biểu dương cán bộ, hội viên, các Tỉnh, Thành hội tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi. Các bài viết chất lượng sẽ được Trung ương Hội đăng tải trên các số tạp Chí Đời Mới và Cổng thông tin điện tử.
Ban Tuyên văn giáo, TW Hội
Newer news items:
- “Vui cùng con ba mẹ nhé” - món quà ấm áp dành cho các gia đình khiếm thị nhân dịp Giáng Sinh - 22/12/2020 07:26
- Vang mãi tiếng hát từ trái tim người khiếm thị Thủ đô - 18/12/2020 07:12
- Ca vang tiếng hát người khiếm thị Thủ đô - 18/12/2020 06:50
- Lễ Trao giải Hội thi Tin học toàn quốc dành cho người mù lần thứ II - 04/12/2020 01:41
- Ra mắt CLB Kịch của người khiếm thị - Chất “gia vị” mới trong hoạt động của Hội người mù quận Thanh Xuân - 27/11/2020 06:36
Older news items:
- HỘI NGHỊ ĐÓNG GÓP KỶ YẾU HỘI NGƯỜI MÙ TP. HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 1972 – 2020 - 06/11/2020 08:05
- Hội người mù Đông Anh kỉ niệm 90 năm ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam - 30/10/2020 01:38
- ITPLUS TRAO HỌC BỔNG CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ TẠI “HỘI THI TIN HỌC DÀNH CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ” - 23/10/2020 20:12
- Đã xác minh được đối tượng mạo danh hội người mù đi bán tăm nhân đạo - 22/10/2020 22:31
- Chung khảo hội thi tin học người khiếm thị Hà Nội lần thứ II - 21/10/2020 00:44