(ĐCSVN) - Mặc dù không nhìn thấy ánh sáng, không thấy thầy dạy nhưng những thành viên ở Câu lạc bộ Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) vẫn từng bước nhịp nhàng theo điệu nhạc. Tất cả các bước nhảy của các học viên đều đến từ cảm nhận trái tim chứ không bằng đôi mắt.
Những giờ học đặc biệt
Lớp học đặc biệt dạy khiêu vũ miễn phí cho người khiếm thị nằm trên tầng 2 của Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội). Phòng tập khiêu vũ nhỏ, cơ sở vật chất cũng chưa được đầy đủ, hiện đại nhưng buổi học nào cũng đầy ắp tiếng cười của cả thầy và trò. Dành tình cảm lớn cho những người khiếm thị và mong muốn được chia sẻ những bước nhảy của mình, sáng thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, thầy Tô Văn Hòa đều đi từ Hà Đông tới tập cho mọi người.
Ban đầu, lớp học được mở ra từ một dự án Step up của REACH (Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn) với mục đích hỗ trợ học nghề cũng như hòa nhập cộng đồng cho người khiếm thị. Thầy Tô Văn Hòa được REACH tiến cử tới hướng dẫn những thành viên lớp học bộ môn khiêu vũ thể thao. Kết thúc dự án, vì thấy được niềm say mê, hào hứng của mọi người, thầy Hòa không nỡ rời đi, vẫn tiếp tục đều đặn tới đây dạy hằng tuần.
“Những ngày đầu tiên dạy nhảy gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, vấn đề lớn nhất là về giáo trình. Không thể chỉ dùng giáo trình và hiểu biết của mình để tập cho lớp học này mà phải đưa thêm chi tiết về cơ thể, chân tay và đặc biệt với những người khiếm thị định hướng về không gian là quan trọng nhất”, thầy Hòa chia sẻ về quãng thời gian bắt đầu lớp học cho người khiếm thị.
Theo chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, dancesport là bộ môn rất cần quan sát về vũ hình, vũ hình phải đẹp, phải chuẩn thì các bước nhảy mới đẹp. Khi học dancesport, điều khó khăn nhất của người khiếm thị là bắt chước về vũ hình. Thầy có giỏi về kĩ năng giảng dạy và kĩ năng truyền đạt tốt mới có thể hướng dẫn người khiếm thị thực hành.
Khó khăn là vậy, nhưng thầy Hòa vẫn cố gắng truyền tải từng động tác nhảy tới từng thành viên một cách tỉ mỉ nhất. Thay vì đứng tập mẫu cho mọi người, thầy Hòa đi tới từng người, uốn nắn từng động tác tay chân cho đúng kỹ thuật, nhịp điệu. Nhìn mọi người cùng nhau nhảy một cách nhịp nhàng, uyển chuyển theo điệu nhạc, không ai nghĩ đây là lớp khiêu vũ của những người khiếm thị.
Đam mê với bộ môn khiêu vũ từ nhỏ, chị Đỗ Thị Thái (Thanh Nhàn, Hà Nội) chia sẻ đã tham gia lớp học được hơn ba tháng nhưng chị chưa vắng mặt buổi học nào. Đồi với chị, việc tập nhảy vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa giúp tinh thần chị thoải mái, vui vẻ và tự tin hơn.
Bước nhảy xóa mọi khoảng cách
Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Hòa cộng thêm sự say mê, nhiệt huyết tập luyện của các học viên, qua từng ngày những điệu nhảy tango, chachacha hay zumba đã được họ thể hiện một cách thuần thục hơn. Hơn thế, những thành viên của lớp học không chỉ tập luyện như một hoạt động ngoại khóa đơn thuần, mà họ còn cố gắng nỗ lực hết sức mình để tham gia những giải đấu khiêu vũ.
Mới đây, lần đầu tiên một cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị được tổ chức với tên gọi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”. Cuộc thi là hoạt động kỷ niệm 65 năm lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới ngày thành lập Hội người mù Việt Nam (17-4-1969). Các thành viên của lớp học đều hào hứng tham gia, vượt qua những trở ngại, khó khăn, định kiến của xã hội họ đã thể hiện khát khao nghệ thuật khiêu vũ và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Chỉ định tới lớp học khiêu vũ để giao lưu với mọi người, nâng cao sức khỏe, nhưng đến nay anh Đỗ Xuân Quang (Tây Hồ, Hà Nội) đã gắn bó với lớp học được gần hai năm. Với niềm đam mê khiêu vũ cháy bỏng trong mình, anh Quang đã không ngừng tập luyện, không quản ngày đêm, mưa nắng, học thầy học bạn, để rồi những nỗ lực của anh đã gặt được trái ngọt đó là anh đã giành được Huy chương Vàng hạng E1 Giải vô địch khiêu vũ thể thao quốc tế Hà Nội mở rộng 2019, Huy chương Vàng nội dung đồng diễn Giải khiêu vũ thể thao CLB Linh Anh, Huy chương Đồng hạng E1 Giải Hanoi Stars Open Dancesport C. Anh tâm sự: “Nhảy trên sân khấu đối với người bình thường vui một thì đối với người khiếm thị vui mười”. Nhiều người khi đến với lớp học đã nghĩ rằng mình không thể khiêu vũ được, nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực bản thân họ đã có thể làm những điều tưởng rằng không thể.
Chị Thu Hà, một thành viên trong lớp học không khỏi xúc động cho biết: “Lớp học dancesport này đã đem đến hình ảnh người khiếm thị mới hơn trong mắt cộng đồng. Chúng tôi có thể đẹp hơn, tự tin hơn và hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng vượt lên chính mình. Có quyết tâm và niềm tin thì sẽ hoàn toàn chiến thắng”!
Ánh Sáng-Thu Hằng
Theo BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Newer news items:
- Hội Người mù Thành phố Hà Nội: nhiều hoạt động hướng về Hội thảo 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 23/04/2021 07:46
- Tự hào truyền thống tổ chức Hội và lời dạy "Tàn nhưng không phế" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 23/04/2021 06:38
- Hội Người mù huyện Chương mỹ khám bệnh miễn phí cho người khiếm thị; Triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ khiếm thị năm 2021 - 23/04/2021 02:44
- Tăng cường kỹ năng chăm sóc sức khỏe và kỹ năng phòng chống xâm hại, quấy rối tình dục cho người khiếm thị Hà Nội - 16/04/2021 03:24
- Những bông hoa đẹp trong vườn hoa người khiếm thị Thủ đô - 16/04/2021 01:49
Older news items:
- Chiêm ngưỡng những "bước nhảy xóa mọi khoảng cách" của người khiếm thị - 05/04/2021 06:16
- “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” cho người khiếm thị - 05/04/2021 01:26
- Gần 40 người khiếm thị tham gia cuộc thi “Bước nhảy người khiếm thị” - 02/04/2021 02:18
- Chương trình giao lưu: Thanh niên Hội Người mù Thành phố Hà Nội thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 26/03/2021 08:15
- Hội Người mù huyện Chương Mỹ : Tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Người khiếm thị năm 2021 - 25/03/2021 08:04