Tôi gặp anh Lý vào một chiều đầu hè tại phố Hàng Buồm, Hà Nội. Tôi mang theo bao sự tò mò, háo hức đến gặp anh Hoàng Văn Lý – Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm.
Bệnh tật không thể ngăn cản những ước mơ
Đến địa điểm hẹn anh, sợ anh đi lại khó khăn, tôi liên lạc với anh để di chuyển đến nơi anh làm việc nhưng anh Lý nhất định xuống đón tôi. Theo dấu chân anh, chúng tôi di chuyển lên tầng 2 của ngôi nhà 95 Hàng Buồm, là nơi làm việc của anh, cũng chính là văn phòng của Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Bước chân anh leo cầu thang chậm rãi nhưng chắc chắn, làm tôi có sự hoài nghi trong lòng, liệu anh có hẳn là không nhìn thấy gì không vậy?
Hà Nội hôm nay nắng hơn mọi ngày, anh mời chúng tôi ngồi rồi tự mình đi lấy cốc rót cho chúng tôi những cốc nước mát lạnh, dưới sự ngỏ ý giúp đỡ anh của chúng tôi, anh Lý cười đùa: “ Anh làm được hết, đây là địa bàn của anh mà”. Nhìn những hoạt động chính xác của anh, khiến tôi cứ từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Văn phòng đơn sơ với chiếc bàn làm việc, bộ bàn ghế tiếp khác nhưng trên tường là hàng loạt những tấm bằng khen thưởng những hoạt động của Hội Người mù quận Hoàn Kiếm.
Chân dung anh Hoàng Văn Lý - Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. ảnh: Dương Chiến
Anh Lý sinh ra trong một gia đình thuần nông, gia đình còn có bố anh và em trai anh là người khiếm thị. Mẹ anh là trụ cột chính trong gia đình, lo việc đồng áng một tay mẹ anh chăm sóc 3 bố con anh. Tính đến nay, gia đình anh có 6 người khiếm thị, bố anh Lý, vợ chồng anh Lý, vợ chồng người em của anh và cháu ruột anh.
Từ khi còn là một cậu bé, gia đình cho anh đi chữa chạy ở Hà Nội nhưng không khỏi. Anh vẫn đi học tại trường mầm non ở xã. Năm lên 7 tuổi, anh ra Hà Nội theo học tại trường trẻ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu theo sự giới thiệu của xã. Chia sẻ về câu chuyện nhập học, anh kể: “ Ngày ý ô tô đón ở đường lớn, anh chuẩn bị lâu quá xe họ đi mất. Sau đó học có gửi lại anh giấy triệu tập học nhưng văn thư khó khăn, một tháng sau giấy triệu tập mới đến nơi. Anh nhập học muộn hơn so với các bạn 1 tháng”. Sự thay đổi môi trường vừa là động lực và cũng là nỗ lực không mệt mỏi của anh để thay đổi chính cuộc đời mình.
Anh Lý kể lại rằng, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với anh. Sống xa gia đình, bạn bè mới, môi trường mới, một đứa trẻ khiếm thị 7 tuổi phải tự lập tất cả. Anh bị trầm cảm một năm trời, gầy yếu, suy dinh dưỡng. Mẹ anh đến thăm, thương con nhưng bà cũng chỉ biết động viên con cố gắng để học tập và hòa nhập cùng bè bạn, thầy cô, trường học. Vì nếu không ở đây, trở về nhà, anh chỉ mãi mãi là một người khuyết tật chứ không thể hòa nhập cùng cộng đồng.
Cứ thế mà đến nay anh đã xa gia đình 32 năm. Ba năm đầu nhập học, một năm anh được về nhà 2 lần là dịp Tết và hè. Từ năm thứ 3 anh bắt đầu học các môn năng khiếu, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ dịp hè, anh còn không có nghỉ hè. Đến kì thi đại học, anh tham gia thi như các bạn bình thường khác, sử dụng chiếc máy đánh chữ để làm bài thi. Năm ấy, anh thi đỗ khoa Báo chí (Đại học KH-XH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nơi anh làm việc hiện tại cách nơi anh sinh sống hơn 8km nhưng hàng ngày anh vẫn tự đi làm bằng xe bus. Xe bus là phương tiện giúp anh di chuyển khắp Hà Nội. Thời gian đầu còn nhiều khó khăn, để quen dần, anh chăm chỉ đi khắp mọi nơi ở Hà Nội.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân đầu tiên
Không khuất phục trước số phận, anh Lý luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để có thêm kiến thức. Khi còn học cấp 2, anh thường giành được học bổng để có thể chi trả tiền ăn hàng tháng, anh lấy tiền tiết kiệm là khoản thù lao trong những chuyến đi biểu diễn mua một cái đài nhỏ để nghe những chương trình phát thanh, tiếp xúc với thế giới. Lên cấp 3, trường công lập vẫn chưa nhận học sinh khiếm thị, may mắn anh được một thầy nhận vào trường dân lập dành cho người khiếm thị của thầy mở. Anh bắt đầu được làm biên tập nguyệt san Hoa Nắng. Điều ngẫu nhiên này là một sự may mắn khi từ đó ước mơ cháy bỏng được làm báo chuyên nghiệp dấy lên trong lòng chàng trai trẻ tuổi.
Anh thi đỗ khoa Báo chí (Đại học KH-XH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội). Lên lớp nghe thầy cô giảng anh phải ghi âm, và chép lại bằng chữ nổi. Giáo trình quan trọng anh nhờ các bạn đọc vào băng ghi âm để anh về nghe. Hai năm đầu đại học là khoảng thời gian rất khó khăn, tài liệu khi chuyển sang audio thì đã gần đến ngày thi, có những tài liệu còn không kịp nghe hết. Khó khăn như vậy nhưng anh vẫn cố gắng phấn đấu. Ngay ở giảng đường đại học, anh Lý bắt đầu viết bài gửi một số cơ quan báo chí.
Anh Lý tham gia cuộc thi “Chạy cùng tôi” năm 2018. ảnh: Nguồn Hoàng Văn Lý
Tốt nghiệp đại học, anh tham gia cộng tác viên với tạp chí Hòa Nhập, sau anh bén duyên với phát thanh và trở thành phóng viên, biên tập viên của chuyên mục “Chuyện đêm” trong chương trình “Thức cùng VOV” phát sóng trên VOV1, chương trình “Nâng niu từng ngày” phát trên kênh VOV sức khỏe.
Chương trình “Niềm tin ánh sáng” là chương trình dành riêng cho người khiếm thị được phát sóng trên kênh VOV giao thông. Để có được sự tin tưởng của ban biên tập, anh Lý tự tìm tòi cách sử dụng các phần mềm để dựng chương trình phát thanh, chủ động đề xuất đề tài, tự mình thực hiện đề tài đó,..
Tháng 9/2016, chương trình “Niềm tin ánh sáng” dừng phát sóng, anh chuyển sang làm chương trình thời sự, sức khỏe. Anh Lý tâm sự: “Đến một thời điểm, anh nghĩ anh nên dừng lại để xem lại khả năng của mình đến đâu. Có nhiều lý do cả chủ quan, cả khách quan, anh quyết định chuyển sang xây dựng những chương trình xã hội, tư vấn truyền thông và đào tạo cho người khiếm thị”. Anh Lý đã tự mình xây dựng những dự án truyền thông khác về người khiếm thị, nổi bật nhất là dự án “Đom đóm studio”. Gần đây, anh đảm nhận vai trò truyền thông cho cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” – cuộc thi khiêu vũ đầu tiên dành cho người khiếm thị tổ chức tại Hà Nội.
“Con cứ học tập, bố mẹ sẽ luôn ủng hộ con”
“Nói về mẹ anh thì phải nói đến hai từ vất vả, chắc có lẽ ít người vất vả như bà” là lời đầu anh Lý chia sẻ khi nhắc đến mẹ của mình. Là trụ cột chính trong gia đình 4 người có đến 3 người là người khiếm thị, không ai có thể tưởng tượng được mẹ anh Lý đã phải trải những giai đoạn khó khăn như thế nào. Bác Phương - mẹ anh Hoàng Văn Lý, mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ. Tuổi thơ của bác Phương gắn liền với những ngày đi chăn trâu, cắt cỏ, không được đi học, không biết chữ, đến chiếc xe đạp là phương tiện di chuyển bác cũng không thể sử dụng. Vậy nhưng người phụ nữ này lại luôn muốn con trai mình phải được học hành tử tế, phải được làm tất cả những điều mình muốn.
Qua mai mối, bác Phương được giới thiệu lấy một người con trai khiếm thị kém mình 5 tuổi, chính là bố anh Lý bây giờ. Trải qua năm tháng sống cùng nhau, bố mẹ anh Lý có với nhau 2 mặt con, tình cảm cũng dần sâu đậm, gắn bó.
Ngôi nhà là địa bàn của bố anh Lý, bố anh có thể quét dọn nhà cửa, giặt giũ, chăm lợn, chăm gà còn mẹ anh là người phải bươn chải bên ngoài, để lo cái ăn, cái mặc, lo tiền chạy chữa cho 2 người con khiếm thị. “Làm hết ruộng nhà mình thì làm thuê ruộng nhà người khác, cấy thuê, gặt thuê, gánh gạch thuê, bốc vác, người ta thuê gì thì bà làm cái ấy, cứ việc gì ra tiền là bà làm”. Lần nào đưa con lên viện chữa bệnh, là lần ấy mẹ anh lại một mình gồng gánh, lo toan.
Nhớ lại khi còn học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, anh Lý chia sẻ với tôi: “Thỉnh thoảng mẹ anh lên thăm anh, lúc ý chỉ có xích lô. Cứ khi nào có anh thì mẹ anh đi xích lô còn nếu một mình bà thì bà đi bộ, bà tiếc tiền đi xích lô nên đi bộ từ bến xe Kim Mã vào Lạc Trung phải 8 9 cây số. Vì bà không biết chữ, không nhìn được địa chỉ nên nhiều lần bà còn bị lạc đường. Mẹ anh cứ đi theo trí nhớ, bà bảo đi vài lần rồi quen”.
Thấy anh được đi học, bố mẹ anh rất phấn khởi. Không có bài học giáo dục nào thiết thực hơn là chính hoàn cảnh gia đình của mình. Gia đình khó khăn, con đường học tập không dễ dàng. Đã có khi anh Lý nghĩ phải bỏ dở con đường học tập của mình, những lúc như thế anh Lý lại chia sẻ với bố mẹ. Bố mẹ anh đều không được đi học, không biết chữ, nhưng bố mẹ anh luôn kề vai sát cánh, luôn ủng hộ mọi thứ anh làm. Khi nào anh còn muốn học, bố mẹ sẽ luôn luôn ủng hộ anh.
Trông dáng người bé nhỏ của bác Phương, không ai hình dung được bà đã trải qua những khó khăn, đã hy sinh hết cả cuộc đời vì chồng vì con. Bà là người gồng gánh gia đình để anh em anh Lý có tương lai như ngày hôm nay, một tương lai được tái hòa nhập cùng cộng đồng, sống cuộc sống như những người bình thường khác, làm những điều có ích cho xã hội, lan tỏa năng lượng và truyền cảm hứng cho mọi người.
Gia đình nhỏ hạnh phúc to
Trong một lần đi làm hoạt động xã hội cho người khiếm thị, anh quen chị Dung - vợ anh, một người khiếm thị do bị dị ứng thuốc. Anh Lý chia sẻ: “Đúng duyên số, ngày này năm nay anh quen chị, ngày này sang năm là ngày cưới. Anh muốn từ từ, hai bên gia đình bảo nếu anh chị yêu thương nhau thật lòng thì cứ tiến tới đi, kinh tế có thể khó khăn, nhưng con cái ông bà cũng hỗ trợ được, vậy là anh chị quyết định kết hôn”. Đến nay anh Lý chị Dung đã sinh được hai cô công chúa vô cùng đáng yêu, may mắn nhất là cả hai bé đều khỏe mạnh bình thường.
Gia đình nhỏ của anh Lý. ảnh: Nguồn Hoàng Văn Lý
Khi có em bé, anh chị đều lo lắng vì nhà anh nguy cơ bé bị khiếm thị là rất cao nhưng anh chị chỉ biết an ủi nhau, cùng làm hậu phương để nửa kia yên tâm phần nào. Một bạn học lớp 8, một bạn học lớp 4, luôn là học sinh giỏi, ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, không bao giờ vì hoàn cảnh bố mẹ mà so sánh với người khác.Chia sẻ với tôi, trên mặt chị Dung hiện rõ vẻ mặt hạnh phúc: “Tài sản lớn nhất với chị chính là gia đình hiện tại, từ lúc yêu nhau đến khi kết hôn sống cùng nhau, anh chị luôn hòa thuận, anh Lý quan tâm chia sẻ công việc nhà với chị, hai cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Nhiều khi bé lớn nhà chị còn bảo con thương bố mẹ hơn bố mẹ những bạn khác vì bố mẹ không nhìn thấy, bố mẹ phải vất vả hơn”.
Tâm lý của anh Lý đã ổn định, anh còn là người, hướng dẫn cho những người khiếm thị khác nhưng vẫn có những lúc anh cảm thấy bất lực, tại sao số phận lại áp đặt mình như thế. Anh chia sẻ: “Nhiều khi anh đến điểm xe bus, như những người bình thường họ có thể nhìn thấy từ xa là xe bao nhiêu để chạy đến điểm chờ,anh lại không thể chạy như thế được. Có khi anh vừa đến điểm chờ, mở ứng dụng tìm xe ra thì cái xe mình đi lại vừa đi qua 1, 2 phút trước. Những lúc như thế cũng làm anh buồn, giá như mà anh như những người bình thường thì mọi chuyện có thể thuận lợi hơn”. Nhưng khi về đến gần nhà, chị Dung và con gái lại ra đường lớn đón anh, anh lại cảm thấy mọi muộn phiền được xua tan hết. Ngôi nhà bình yên và hạnh phúc của anh luôn là nguồn động lực lớn nhất để anh tiếp tục cố gắng.
Lạc quan sống từng ngày
Ông trời không lấy của ai hết mọi thứ, chúng ta phải lạc quan sống thì cuộc sống mới trở nên tươi đẹp hơn. Chỉ cần những người khuyết tật có thể vượt qua rào cản trước mắt, dám đứng lên, bản năng sinh tồn của con người sẽ giúp chúng ta làm được tất cả. Là những điều anh Lý suy nghĩ và chia sẻ, anh luôn cố gắng tạo thêm nhiều chương trình để có thể gắn kết người khuyết tật với người bình thường, để người bình thường có thể hiểu hơn, đồng cảm, chia sẻ với cuộc sống của người khuyết tật.
Không gì có thể ngăn cản được nghị lực sống và những khát khao cháy bỏng đầy nhân văn. Chúng ta đều có thể cháy hết mình bằng tất cả nhiệt huyết với cuộc sống tươi đẹp. Đẹp theo một cách của riêng ta.
Newer news items:
Older news items:
- Vũ Thị Hải Anh- cô gái khuyết tật với ước mơ nghề báo - 01/04/2021 12:42
- Người thầy của những học viên khiếm thị - 25/03/2021 06:20
- Một nghị lực đáng trân trọng - 28/12/2020 08:17
- Người chắp cánh cho ước mơ tôi - 23/11/2020 08:19
- Ước mong gieo ánh sáng cho những người khiếm thị đồng cảnh - 05/07/2020 18:06