Sáng 28/4,  Hội Người mù Thanh Oai đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Người mù thành phố Hà Nội (1972 -2022) và tổng kết 30 năm thực hiện chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (1992 – 2022). Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội, các ông bà nguyên là lãnh đạo huyện hội và 40 hội viên tiêu biểu của Hội Người mù huyện Thanh Oai.

 

Ảnh: Đội văn nghệ với ca khúc Tâm hồn sáng mãi

Tại hội nghị, ông Đỗ Minh Khoa – Chủ tịch Hội Người mù huyện Thanh Oai đã ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Hội Người mù thành phố Hà Nội: 50 năm trước, trong hoàn cảnh Thủ đô và đất nước còn đối diện với vô vàn khó khăn, thử thách, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã được thành lập. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Hội người mù Thành phố luôn thấm nhuần và xác định rõ sứ mệnh của mình là hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành và động viên người khiếm thị Thủ đô vươn lên trong cuộc sống. Để làm được điều này, Hội đã triển khai xây dựng và củng cố tổ chức với phương châm ở đâu có người khiếm thị ở đó có Hội. Hội cũng luôn có sự điều chỉnh về phương thức hoạt động, kết hợp việc dạy chữ dạy nghề, phổ biến Điều lệ Hội, sinh hoạt theo từng chuyên đề, tổ chức giao lưu giữa các đơn vị, thành lập diễn đàn trao đổi trên mạng internet để phù hợp với từng nhóm hội viên. Công tác chăm sóc giúp đỡ hội viên là một trong những tiêu chí hoạt động của tổ chức Hội. Tính đặc thù của tổ chức Hội trong việc chăm sóc giúp đỡ hội viên còn thể hiện rất rõ thông qua những việc làm tưởng như bình thường trong xã hội nhưng lại có sức lan tỏa lớn, hỗ trợ thiết thực cho hội viên. Tham gia hoạt động hội, người khiếm thị đã thực hiện quyền và nghĩa vụ, tham gia đầy đủ và bình đẳng vào công cuộc xã hội như mọi công dân khác trong xã hội…

 

Ảnh: ông Đỗ Minh Khoa – Chủ tịch Hội Người mù huyện trình bày báo cáo

Báo cáo tổng kết 30 năm thực hiện chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Hội Người mù huyện Thanh Oai đã nêu rõ: việc triển khai, thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm trong toàn Hội đã mang nhiều ý nghĩa quan trọng, chính nhờ có sự quan tâm của các cấp nên hội viên đã được tiếp cận với đồng vốn, tạo công ăn việc làm cho người mù và gia đình người mù để có thu nhập nâng cao cuộc sống. 30 năm qua đã có 531 lượt hộ gia đình có người mù trên địa bàn huyện được vay tổng số vốn trên 2 tỷ đồng. Với hình thức lao động sản xuất tại gia đình, hội viên đã cùng với gia đình làm các nghề phụ như trồng trọt, chăn nuôi và mở các dịch vụ kinh doanh nhỏ thông qua hình thức đó giúp anh chị em hội viên khẳng định được mình và vươn lên hòa nhập với cộng đồng xã hội., Như gia đình Ông Đỗ Văn Trình-Cao Viên được vay vốn đã có một trang trại vườn ao chuồng, Ông Hoàng Ngọc Anh-Phương Trung có một cơ sở sản xuất, Bà Nguyễn Thị Nhuận-Bình Minh có cơ sở giặt là. Bà Đoàn Phương Nga-Cao Viên mở được cơ sở may bạt và thuốc đông y…

Ảnh: Ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội Người mù thành phố

Phát biểu tại hội nghị ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội đánh giá cao những hoạt động của Hội Người mù huyện Thanh Oai, đặc biệt đây là đơn vị cấp quận/huyện đầu tiên tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm với bản báo cáo cùng 03 tham luận đã làm rõ được hiệu quả từ những đồng vốn ưu đãi mà hội viên được vay và cũng là minh chứng cuộc vận động Hai vượt, bốn rèn năm phấn đấu của Hội đã đi vào chiều sâu. Ông cũng khẳng định, Hội Người mù thành phố có bề dày truyền thống 50 năm qua là sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, hội viên, của các đơn vị quận/huyện/thị hội trong đó có sự đóng góp của huyện hội Thanh Oai. Hội đã thật sự là mái nhà chung, giúp người khiếm thị xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vượt khó vươn lên, tiến tới sự bình đẳng, hòa nhập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần, góp phần tạo nên một thế hệ người khiếm thị năng động, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Lê Chinh