Hơn 70 năm và cũng gần chừng ấy thời gian, nhạc sĩ, nghệ sĩ Văn Vượng phải sống trong bóng tối, bởi tật nguyền ngay lúc tuổi thơ (Bệnh đậu mùa đã cướp đi quyền được nhìn thấy ánh sáng mặt trời của ông từ năm lên bốn). Nhưng với cây đàn ghi-ta, ông rong ruổi khắp các miền đất nước, mang âm nhạc đến với công chúng. Năm 2012, Văn Vượng vinh dự được nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Ghi nhận thành quả lao động nghệ thuật của ông qua hàng trăm bản độc tấu, hòa tấu các ca khúc viết về Hà Nội.

Nghệ sĩ Văn Vượng (Ảnh sưu tầm)

 Nghệ sĩ Văn Vượng sinh ngày 10/10/1942 tại Thành phố Hải Dương, nhưng gần cả cuộc đời ông gắn bó và dành hết tình cảm cho Hà Nội. Văn Vượng mê âm nhạc và tự tập đánh đàn ghi-ta từ nhỏ. Xuất phát từ niềm đam mê đó, ông tự học chữ nổi, học nhạc nổi để chép toàn bộ các bản nhạc. Năm 15 tuổi, ông tự mày mò sáng tác bài hát Hoàng hôn trên sông. Đến năm 16 tuổi, Văn Vượng lên Hà Nội. Ông tìm đến nhiều nhạc sĩ để học thêm. May mắn hồi đó, ông được gặp nhạc sĩ Tạ Tấn, Văn Cao, và được các nhạc sĩ này tận tình hướng dẫn về lí thuyết âm nhạc. Vì vậy tiếng đàn ghi-ta của Văn Vương là sự đúc kết, chắt lọc tinh túy từ nhiều nghệ sĩ lớn mà ông may mắn được gặp trong đời. Năm 18 tuổi, lần đầu tiên, Văn Vượng lên sân khấu biểu diễn bài Trống Cơm do danh cầm Tạ Tấn chuyển soạn cho ghi-ta, được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Sau đó, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam về tỉnh Hải Dương thu một số bản nhạc của Văn Vượng. Tiếng đàn của ông cứ thế vang xa.

 Năm 1968, nghệ sĩ Văn Vượng chuyển hẳn lên Hà Nội (ở nhà số 51 phố Hàng Giấy), để theo đuổi con đường nghệ thuật.

 Ông chia sẻ :

  "Hàng ngày tôi vẫn thường nghe các bài hát và tác phẩm độc tấu của mình để nhớ và trở lại những ngày đầu tiên ở Hà Nội, với những năm tháng chiến tranh, tuy khó khăn, gian khổ nhưng Hà Nội vẫn có những khoảnh khắc thanh bình. Tôi nhớ nhất hồi những năm 1973 - 1974, tôi hay đi dạo đêm trên phố và tràn đầy cảm xúc về Hà Nội. Những buổi tối gió nhẹ, thổi mơn man rất là thích. Đi qua những tuyến phố như Nguyễn Gia Thiều, Đỗ Hành, Tuệ Tĩnh, … Đây là những con phố vắng người qua lại thời bấy giờ nên cảm xúc về Hà Nội nhiều lắm".

Trường ca Người Hà Nội nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã được nghệ sĩ Văn Vượng chuyển soạn thành công cho ghi-ta vào chính năm đầu tiên ông trở thành công dân Thủ đô :

 "Tôi nhớ hôm đó là ngày 11/01/1968, tôi đi qua đường Đinh Tiên Hoàng, thì trên loa phát thanh có phát bài hát Người Hà Nội của nhạc sĩ  Nguyễn Đình Thi do chị Mĩ Bình hát, lúc đó tôi xúc động quá. Lúc đó tôi ước gì đôi mắt tôi sáng để ngắm nhìn Hà Nội xinh đẹp. Tôi quyết định về nhà chuyển thể bài hát Người Hà Nội sang cho đàn ghi-ta".

Cảm nhận từ cuộc sống ở ngõ nhỏ, phố nhỏ tiếp thêm mạch nguồn để những ca khúc nối tiếp những bản nhạc không lời về Hà Nội chảy tràn trên những dây đàn từ đôi tay nghệ sĩ Văn Vượng :

"Tôi hay ra hồ Gươm, hồ Tây ngồi lắm. Thấy gió mơn man, lá rơi xào xạc, rơi trên mặt hồ và cảm giác của không gian rộng lớn cũng mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có những cái náo nhiệt khi tôi đi trên đường Phố Huế, xe cộ và dòng người cười nói rất vui. Hay tôi đi trên phố Hàng Đào, Hàng Ngang,...tất cả nhịp sống Hà Nội đối với tôi như hiện lên. Như tôi sáng tác bài hát "Hà Nội tôi yêu" có câu: "Này Hàng Giấy, kìa Hàng Đào và Hàng Ngang. Ôi Hồ Gươm lung linh dưới ánh mặt trời". Thực sự tôi có những say mê với cảm giác về không gian Hà Nội".

Trên 8000 buổi biểu diễn, cùng hơn 100 ca khúc (chưa kể những ca khúc sáng tác cho thiếu nhi), và hơn 200 bản nhạc chuyển soạn cho ghi ta, đã đem đến vinh dự cho nghệ sĩ Văn Vượng, khi ông được trao tặng giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội.

Giải thưởng đến như một niềm vui bất ngờ, bởi đó là sự ghi nhận của cộng đồng. Còn bản thân Văn Vượng lại không thể cắt nghĩa được tình yêu ấy: "Một hôm tôi nhận được điện thoại bên Thông tấn xã Việt Nam thông báo đúng ngày ấy đến để nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái về tình yêu Hà Nội. Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm, mà bất ngờ nữa vì tôi nghĩ mình làm những điều nhỏ bé, chưa có gì lớn lao. Những gì dành cho Hà Nội là do tình cảm của tôi. Những gì ở Hà Nội tác động đến mình thì làm mình yêu Hà Nội. Nhiều lần đi công tác xa, đi lâu quá, tôi nhớ Hà Nội da diết."

Nhắc tới người nghệ sĩ khiếm thị đã gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp của mình với Hà Nội, Giáo sư Phan Huy Lê, thành viên Hội đồng bình chọn "Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" cho rằng:

"Văn Vượng đã chuyển soạn cho ghi-ta, và trình diễn những những tác phẩm xuất sắc về Hà Nội, với tình yêu và khát khao vô bờ của một nghệ sĩ khiếm thị. Khi đưa ra cái tên Văn Vượng thị Hội đồng giám khảo đều đồng tình ủng hộ. Một nghệ sĩ khiếm thị, 40 năm qua cuộc sống của ông gắn bó với Hà Nội, sáng tác về Hà Nội, biểu diễn phục vụ người dân Hà Nội. Đây là một con người, một tấm lòng rất đáng được tôn vinh, rất đáng được ngợi ca.

Vĩnh Phong

(nguồn VOV 5-Ban đối ngoại-Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam)