Âm thanh réo rắt, đan xen giữa các loại nhạc cụ truyền thống khiến cho không gian tĩnh mịch của một chiều Đông trở nên rộn ràng, sống động.
Chúng tôi đến Khoa Nhạc cụ Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia, cứ theo cái thanh âm trong trẻo, lảnh lót phát từ cây đàn tranh mà tìm đến lớp học của cô Phạm Hồng Hạnh.
Tại căn phòng rộng lớn, một cô – một trò lọt giữa trong khoảng không, bên cạnh là nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Bé Nguyễn An Như mảnh dẻ, thanh thoát ngồi trước cây đàn, nghiêng nghiêng đôi vành tai tập trung, lắng nghe cao độ. Những ngón bé tay thon dài, trắng muốt vừa rung, vừa gảy, nhấn nhá từng nốt nhạc trên mỗi dây đàn, khối âm thanh lanh lảnh, hòa quyện vang lên, lan ra khắp căn phòng.
Học viện Âm nhạc Quốc Gia là một trong những cái nôi tạo nên các tài năng âm nhạc của đất nước. Mỗi đứa trẻ theo học ở đây không chỉ đòi hỏi về năng khiếu mà các em còn phải trải qua một cuộc thi đầu vào khắt khe. Gọi là “chơi” nhạc nhưng thực chất lại là loại hình lao động vất vả, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa trí não, tâm hồn và sự khổ luyện.
“Một người bình thường học nhạc vốn không dễ dàng, vì vậy, người khiếm thị theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp lại càng khó khăn hơn,” cô Hồng Hạnh chia sẻ.
(Ảnh: Doãn Đức)
Cuộc chiến nhiều nghìn ngày
Vào năm 2003, gia đình nhỏ của chị Tuyết Anh đón thêm thành viên mới trong không khí tràn đầy hạnh phúc. Như bao đứa trẻ khác, bé An Như xinh xắn, đáng yêu chập chững lớn lên trong vòng tay yêu thương chăm sóc của mẹ.
Nhưng số phận quả là nghiệt ngã, một tai họa khủng khiếp đã giáng xuống đứa bé con non nớt, mới mười một tháng tuổi. Chị Tuyết Anh kể, đó là ngày đi học đầu tiên của con. Tại nhà riêng của một bà giữ trẻ, họ đã làm ngã con và giấu không cho gia đình chị biết. Buổi chiều, con về nhà rất bình thường, nhưng tối đến bắt đầu nôn và sốt. Gia đình cho An Như đi khám, bác sĩ chẩn đoán con bị bệnh thông thường nên hôm sau thấy con đỡ, lại cho đi học tiếp.
Song triệu chứng sốt và biếng ăn của bé vẫn không dứt. Phải đến ngày thứ tám, thứ chín, bác sĩ mới phát hiện con bị vỡ sọ não, nguyên nhân do ngã đập đầu vào vật cứng. Ngay lập tức, một cuộc phẫu thuật được thực hiện. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ lấy đi được một lượng máu đọng và không thể lường được, đây chỉ là sự khởi đầu của một cuộc tranh đấu “bền bỉ” diễn ra nhiều nghìn ngày sau đó.
“Con vẫn có mệnh làm người, bởi bác sĩ đã kịp thời mổ não, hút máu tụ lưu lại. Nhưng mười bốn ngày sau, An Như lại phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật khác để đặt van úng thủy, và mặc dù sinh mạng được cứu nhưng toàn bộ cơ mặt, mắt, mũi, miệng của bé đều không cử động được,” chị lặng lẽ kể, rồi bất giác cười nhẹ.
Nghe tiếp câu chuyện của chị, tôi học được một điều “con người muốn thoát ra khỏi sự tuyệt vọng giữa bể khổ mông lung, không thể là những giọt nước mắt mà phải bằng nụ cười, nó thắp sáng tâm can, kéo người ta đứng lên bước tiếp.”
Chị Tuyết Anh nhớ lại: “Giai đoạn khó khăn đó, tôi tưởng như hai mẹ con ôm nhau đang trên máy bay phi xuống biển. Hơn 13 năm chữa bệnh, bảy năm đầu hầu như sống trong bệnh viện. Sau hai cuộc đại phẫu thuật, con bé tiếp tục thực hiện hơn 20 cuộc điều trị. Chúng tôi đi khắp các bệnh viện, từ Tây y đến Đông y, vào miền Nam, tới miền Trung, ra miền Bắc. Tôi chủ động tìm hiểu thông tin, gặp gỡ các giáo sư, tiến sỹ trong ngành cả trong nước và quốc tế, nhờ họ tư vấn. Nhờ đi đúng hướng, con dần bình phục, nhưng đôi mắt thì vĩnh viễn mất đi ánh sáng.”
Thời gian đó, chị Tuyết Anh bị khủng hoảng tinh thần nên cũng phải nằm viện gần một năm để điều trị căn bệnh suy sụp về tâm lý.
“Cuộc sống cực kỳ đẹp phải không cô!”
“Cảm xúc của mình hoang mang lắm, mỗi cái nạn dội xuống con người là khác nhau. Với mình chẳng có đường mà cựa. Nạn rơi vào ai, người đó chịu. Cố gắng làm hết sức mình, có thể để không phải áy náy. Nếu như trước đây, tôi luôn tự trách bản thân thì bây giờ đã ổn hơn và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Hơn nữa, con rất lạc quan chứ không như mẹ,” chị Tuyết Anh chia sẻ.
Đứa trẻ vì trải qua nhiều cuộc trị liệu, tinh thần trở nên yếu ớt. Chứng tự kỷ theo đó xuất hiện, con liên tục la hét, gào khóc, đập phá. Chị Tuyết Anh tìm đến các bác sỹ tâm lý, tư vấn phương pháp chữa bệnh an thần và phát hiện ra con mình rất thích âm thanh. Bất kỳ vận dụng nào đến tay, con đều gõ để tạo ra âm thanh. Vì vậy, vật dụng trong nhà, từ bàn ghế, xoong nồi, đồ chơi… con đều gõ nát.
Ba tuổi, An Như bắt đầu tiếp cận với thế giới âm nhạc. Theo chị Tuyết Anh, khó khăn đầu tiên là chọn nhạc cụ, vì quá trình chữa bệnh cho con chi phí quá tốn kém, nên điều kiện kinh tế gia đình lúc đó khá khó khăn. “Tôi định mua cho con cây đàn organ, song chuyên gia tư vấn với các cháu khiếm thị không nhìn được, nếu cho tiếp cận với âm thanh điện tử thì lãng phí đôi tai, tốt nhất nên dùng đàn cơ. Từ đó, con có thể tiếp cận âm thanh thật hơn đồng thời thể hiện cảm xúc cũng thật hơn. Vì cơ duyên đó, tôi lại cố gắng chạy vạy, mua cho con một chiếc đàn piano.”
Quá trình học đàn của con là cả sự kỳ công, kết hợp giữa con, mẹ và cô. Mỗi buổi học kéo dài 60 phút, nhưng nỗ lực lắm cô cũng chỉ có thể giúp con tiếp cận âm thanh khoảng 5-15 phút và sự tiến bộ của con theo từng nấc thang rất nhỏ và thời gian phải chờ cả năm. May mắn thay, hai năm sau hệ thần kinh của con bắt đầu ổn định.
An Như có thể chơi thành thạo đàn tranh, sáo và piano. Con còn là ca nương của Giáo phường Ca trù Thăng Long, tham gia biểu diễn thường xuyên tại đền Quan Đế
An Như tâm sự, âm nhạc giúp cho con thư thái hơn. Đầu tiên học piano là rất khó, bởi con không nhìn được các nốt nhạc và cô giáo phải cầm tay chỉ cho từng phím đàn. Hiện tại, khó khăn lớn nhất của cô bé vẫn là việc không đọc được bản nhạc. Quá trình học, giáo viên phải thu âm bài và hướng dẫn kỹ thuật, sau đó con tập đi tập lại rất nhiều mới có thể trau chuốt và mỗi ngày con tập đàn khoảng hai giờ.
“Trong các nhạc cụ, con thích nhất đàn tranh, vì nó rất réo rắt và thánh thót. Mỗi lần chơi nhạc, con thường tưởng tượng ra rất màu sắc. Con không biết định nghĩa màu sắc như thế nào, khi đánh đàn con tưởng tượng ra những dòng nước chảy róc rách có cá, tôm bơi lội, những đám mây trắng bồng bềnh… Cuộc sống cực kỳ đẹp phải không cô! Con nghĩ, tất cả mọi người trên đời đều tốt và rất hòa đồng,” cô bé thỏ thẻ chia sẻ.
Bất giác, tôi mỉm cười và nhớ đến dòng trạng thái của con trên Facebook cá nhân, “chỉ ăn ngủ… đi học về lại tập, tập, tập, diễn, diễn, tập, tập và luyện!”
Kết quả đã không phụ công người, mặc dù khiếm thị và phải chữa bệnh trong một thời gian rất dài, song bé An Như, học sinh năm 3 hệ trung cấp 6 năm chuyên ngành Đàn tranh, Khoa Nhạc cụ Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc Gia luôn đạt thành tích học sinh xuất sắc và năm 2016, con vinh dự được nhận học bổng Vallet dành cho những học sinh ưu tú. Ngoài ra, An Như có thể chơi thành thạo các nhạc cụ khác như sáo, piano. Thêm vào đó, con còn là ca nương của Giáo phường Ca trù Thăng Long, tham gia biểu diễn thường xuyên tại đền Quan Đế.
Về điều này, cô Hạnh là giáo viên chuyên ngành theo giảng con trong suốt ba năm qua cũng ghi nhận, “thế giới âm nhạc mang lại nhiều màu sắc cho con. Con không còn bận tâm – mình là người khiếm thị và có thể bình thản bước đi trong cuộc đời cũng như con đường nghệ thuật rộng lớn phía trước.”
(Ảnh: Doãn Đức)
Truyền cảm hứng cho các bạn bè
Không chỉ học nhạc, An Như còn theo học văn hóa tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Cô Nguyễn Quỳnh Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1 cho biết, do con học một lúc hai trường (nghệ thuật và văn hóa) nên rất vất vả và cần phải cố gắng nhiều hơn các bạn. Đôi khi, con phải nghỉ học văn hóa để tham dự các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ tại Học viện.
“Tuy nhiên, cô giáo và các bạn luôn tạo điều kiện giúp đỡ con. Nhờ đó, con luôn nhanh chóng hoàn thiện lượng các kiến thức thiếu hụt trong các lần nghỉ học. Tinh thần lạc quan và sự hiếu học của con đã truyền cảm hứng tới các bạn, từ đó cùng nhau nỗ lực vươn lên,” cô Nga xúc động chia sẻ.
Nguyễn Đình Chiều là ngôi trường đặc biệt, ở đây các học trò khiếm thị được học chung với các bạn sáng mắt. Cô Nga cho biết, chính môi trường học như vậy đã tạo cho các con một thế giới hòa đồng, thân thiện và chia sẻ. Một số học sinh khiếm thị ban đầu còn tự ti, nhưng nhờ sự thân thiện của các bạn trong lớp mà khoảng cách đã dần được xóa bỏ.
“Các em đã quen với sự hòa nhập và sẵn lòng sẻ chia, giúp đỡ các bạn khiếm thị trong học tập, vui chơi, sinh hoạt. Vào đây giao tiếp cùng với các con, mình có thêm nhiều kỹ năng sống, vì thế tình yêu thương luôn ở vị trí hàng đầu và nó đều có ở mỗi thày, cô giáo trong trường,” cô Nga nói.
Quan sát một giờ chơi của các con, chúng tôi thấy nhiều đứa trẻ không chạy ùa ra sân trường mà chúng lưu lại trong lớp, từng nhóm quẩn quanh bên một người bạn khiếm thị. Điều đặc biệt hơn, các con có những cử chỉ giao tiếp giao tiếp rất đẹp, mấy đứa mắt sáng cầm nắm đôi bàn tay bạn mình rất nhẹ nhàng, rồi chúng thì thào nói cười, rúc rích chỉ cho nhau chơi một trò chơi nào đó.
(Ảnh: Doãn Đức)
Bạn Lê Thanh An (học sinh lớp 8A1) chia sẻ, “cô ơi, An Như vui tính và hiền lắm ạ. Các chương trình văn nghệ của trường, bạn tham gia rất nhiệt tình. Con rất ngưỡng mộ bạn vì có thể học tốt văn hóa lại chơi được nhiều nhạc cụ âm nhạc điêu luyện. Bạn khó khăn hơn chúng con rất nhiều, nhất là các môn cần trí tưởng tượng như hình học hay chia đa thức. Nhưng, An Như chăm học, khi có vấn đề không hiểu là bạn hỏi cô hoặc chúng con luôn. An Như rất vui vẻ và dễ gần nên con thích chơi với bạn.”
Cô bé Nguyễn Quỳnh Chi (học sinh lớp 8A1) đứng kế bên cũng nhoẻn miệng cười và khoe, “bạn Như rất tốt bụng và hòa đồng với các bạn mắt sáng. Bạn quan tâm đến chúng con. Rất hay cô nhé, chỉ cần nắm bàn tay là Như có thể nhận ra mỗi đứa chúng con. Những lúc học bài thể dục mới, con hay giúp bạn các động tác. Đối với các bạn khiếm thị, con có cảm nhận các bạn ý luôn cố gắng vui vẻ và học tập.”
Tôi chia sẻ với mẹ của An Như về những câu chuyện của bạn bè và cô giáo trong trường, lúc này nụ cười của chị đã ánh lên trong giọt nước mắt. Chị xúc động nói, “Tôi quan sát, các con học trong trường Nguyễn Đình Chiểu có tâm rất sáng, có tính cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ và nhân hậu. Hơn 200 cháu khiếm thị học tại đây, mỗi người một hoàn cảnh, do đó bản thân các con vẫn là chính. Vì vậy, tôi luôn dạy cho An Như về ý thức tự lập và tinh thần lạc quan với cuộc sống.”
Dừng lại dòng suy nghĩ, lắng nghe giai điệu sâu lắng, tiếng ca nỉ non mà trong sáng của cô bé An Như hát tặng mẹ, “Watashi no… naka ni…yadottab inochi… omae ga umareru asa o matteita. Kono mune ni daite tsutawaru nukumori, kegare no, nai utsuk, shii hitomi…/ Bao ngày Mẹ ngóng… bao ngày Mẹ trông… bao ngày Mẹ mong con chào đời… ấp trong đáy lòng có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần. Mẹ chợt tỉnh giấc và Mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần, tiếng con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhòa, cảm ơn vì con đến bên Mẹ…” [Bài hát ‘Nhật ký của Mẹ,’ sáng tác Nguyễn Văn Chung, lời tiếng Nhật Yoshimoto Kayo]
Gặp gỡ chị Tuyết Anh và bé An Như, chúng tôi có thêm một góc nhìn về tình yêu trong cuộc sống, ở đó có chân-thiện-mỹ, có sự khát khao mãnh liệt của một “nụ mầm” nỗ lực vươn lên giữa bốn bề là tầng tầng đá, sỏi trơ cứng. Rồi “khối đá” định mệnh kia cũng phải tách ra, nhường chỗ cho chiếu lá non tơ ngửng đầu hướng cao tới vầng dương chói lóa, đôi bàn tay bé xinh sẽ xòe ra hứng từng giọt sương mai và đó chính là sự sống./.
(Ảnh: Doãn Đức)
Nguồn: VietNamPlus.vn
Tin mới
- Vĩnh biệt nghệ sĩ guitar Văn Vượng - 1 trong 100 nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam - 15/02/2023 06:54
- Cờ vua Việt Nam: Những 'vầng trăng khuyết' trên bảng vàng quốc tế - 01/02/2023 01:46
- Chủ tịch Hội hết lòng vì người khiếm thị - 10/11/2022 01:50
- Lời Bác dạy “không có việc gì khó” đã trở thành động lực - 05/10/2022 08:03
- CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG - 26/08/2022 07:16