Phạm Sơn Hà - cái tên gần gũi, thân quen mỗi khi nhắc đến công nghệ dành cho những người khiếm thị ở Hà Nội và cả miền Bắc. Anh là người khiếm thị bình dị, khiêm nhường, vượt lên tật nguyền gieo tia sáng công nghệ cho người đồng tật, không ngừng âm thầm đóng góp chút công sức của mình làm cho Hội, thành phố, cuộc sống này mỗi ngày thêm tươi đẹp.

Phạm Sơn Hà sinh ra trong một gia đình có bố là Bộ đội tên lửa phòng không không quân, mẹ là thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị. Bị hỏng mắt do di chứng của chất độc màu da cam nhưng anh đã học hết phổ thông và theo học 5 năm về đàn organ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ra trường anh đi sâu nghiên cứu về soạn nhạc dựa trên sự hỗ trợ của Công nghệ thông tin. Âm nhạc đã kết nối anh đến với Công nghệ thông tin, từ một công cụ giúp anh trong học tập, nghiên cứu, tin học đã trở thành niềm đam mê lớn. Với Sơn Hà và người khiếm thị, Công nghệ thông tin đã trở thành "đôi mắt" giúp họ tiếp cận với kho báu tri thức nhân loại từ bên ngoài cuộc sống, không bó hẹp bởi rào cản địa lý và sự khiếm khuyết của cơ thể.

Ngược dòng thời gian, đưa chúng ta trở về những năm 2000, thời điểm mà công nghệ thông tin vẫn còn là một điều mới lạ, khó tiếp cận đối với ngay cả những người bình thường. Vậy mà với Phạm Sơn Hà, sự thông minh và ý chí, nghị lực phi thường đã giúp anh trở thành một chuyên gia về công nghệ dù hai mắt  không thể nhìn thấy. Từ đây, ý tưởng về việc giúp đỡ những người khiếm thị vươn lên bằng công nghệ thông tin đã ra đời.

 Được sự đồng ý của Thành hội người mù Hà Nội, Phạm Sơn Hà sáng lập Câu lạc bộ (CLB) tin học để dạy miễn phí cho người khiếm thị. Kết thúc mỗi khóa học, những người khiếm thị đã thành thục trong việc sử dụng máy tính và soạn thảo văn bản. Ngày 25/5/2005, Ban Thường vụ Thành hội người mù Hà Nội đã có quyết định số 55/QĐ/THNM về việc thành lập trung tâm tin học Tia Sáng và chỉ định Phạm Sơn Hà là giám đốc trung tâm, địa chỉ của Trung tâm tại chính nhà của anh (số 844, phố Minh Khai - Hà Nội) hoạt động của trung tâm là tiếp tục dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị. Dạy cho khiếm thị đòi hỏi người dạy phải kiên trì, nhẫn nại, phải cảm thông, yêu thương, thấu hiểu, lựa chọn những cách giảng giải dễ hiểu nhất với mục tiêu truyền tải kiến thức và từng lứa tuổi. Bình thường Sơn Hà ít nói, nhưng khi đứng lớp người thầy trong anh lại đầy nhiệt huyết, đam mê, tạo hứng thú cho từng bài học. 

Năm 2005, nhờ những cống hiến trong việc dạy tin học cho người khiếm thị, Sơn Hà được công nhận là Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Năm 2006, anh cùng cộng sự nhận được giải thưởng “ICT Thắp sáng niềm tin”. Nhờ có những lớp học miễn phí của anh mà hiện nay đã có rất nhiều người khiếm thị trở thành giáo viên dạy Công nghệ thông tin để tiếp tục truyền đạt kiến thức cho người đồng tật, hay những cán bộ hội sử dụng Công nghệ thông tin để phục vụ công tác hội, hội viên được mở mang kiến thức, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, từ đó vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Với đặc thù của dạng tật, đi lại khó khăn nhưng Phạm Sơn Hà đã không quản ngại xung phong đến các quận/huyện xa trung tâm thậm chí cả tỉnh thành Hội người mù bạn để truyền dạy kiến thức Công nghệ thông tin đến những người đồng tật. Năm 2008, anh được nhận vào công tác tại Hội người mù Thành phố. Không chỉ tham gia công tác giảng dạy CNTT, anh còn hỗ trợ cài đặt máy tính, điện thoại thông minh cho hội viên và làm quản trị Website của hội, quản trị mạng thông tin nội bộ (HBA) của người khiếm thị Hà Nội; tiếp tục nghiên cứu, truyền đạt việc sử dụng điện thoại cảm ứng cho hội viên tại Hội người mù Thành phố. Tuy đôi mắt không nhìn thấy nhưng anh vẫn mày mò tháo lắp các thiết bị máy tính như những người thợ chuyên nghiệp. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm anh sẵn sàng đến tận nhà hội viên để hỗ trợ, sửa chữa, cài đặt máy tính, điện thoại.

Ảnh: Anh Phạm Sơn Hà

Chia sẻ về người thầy của mình, anh Nguyễn Trung Thái xúc động: “15 năm quen anh Phạm Sơn Hà, từ là học trò rồi trở thành đồng nghiệp, tôi luôn tự hào được đồng hành cùng anh trên bước đường phát triển công nghệ tại Hội Người mù TP Hà Nội. Đối với tôi anh luôn là người thầy đáng kính, người truyền đam mê công nghệ và là Tia Sáng giúp tôi trên con đường chia sẻ kiến thức tin học cho người khiếm thị”. Với đồng nghiệp, bạn bè, người đồng tật thì Sơn Hà luôn là một người bạn chân thành, thân thiện và hết lòng giúp đỡ mọi người. Trong công việc, dù được giao việc gì anh cũng không sợ khó, không sợ khổ mà luôn tận tâm, cố gắng cống hiến và đã có những dấu ấn, thành tích cao trong công việc.

Từ năm 2013 đến nay, Phạm Sơn Hà được bầu là ủy viên Ban Kiểm tra Hội Người mù thành phố Hà Nội, ngoài ra anh cũng kiêm thêm nhiệm vụ cán bộ ban tuyên giáo Hội. Dù trên cương vị nào, anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh đã được nhận Kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù”, nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội, Thành hội.

Tạp chí tin học do anh viết trên website: hnmhanoi.org.vn của Hội Người mù Thành phố từ năm 2017 đến nay tập hợp những thắc mắc của người khiếm thị về công nghệ, đã trở thành cuốn cẩm nang tin học của người khiếm thị. Tại đây toàn bộ những bài giảng về những giải pháp tháo ghỡ khó khăn cho người khiếm thị trong quá trình sử dụng các phần mềm trên internet, những kiến thức tin học cơ bản, cách sử dụng, ứng dụng trên điện thoại thông minh đã được giải đáp.

Ngày hôm nay, khi tác giả viết về anh thì Phạm Sơn Hà cũng đã dời xa nhân thế, đây là một sự mất mát đối với Hội và người khiếm thị Thủ đô nhưng tin chắc rằng, cuộc đời anh đã thực sự có ý nghĩa, những gì anh đã cống hiến, những hi sinh lặng thầm của anh đã để lại cho người khiếm thị ngọn lửa niềm tin, ý chí vươn mình hòa nhập xã hội, làm chủ công nghệ thông tin. Phạm Sơn Hà đã trở thành sợi dây kết nối, nối dài ánh sáng công nghệ cho người đồng tật, là hiệp sĩ trong lòng của người khiếm thị Hà Nội.

Lê Chinh