(HNM) - Với nhiều thế hệ học viên khiếm thị của Trung tâm Dạy nghề (Hội Người mù thành phố Hà Nội), thầy giáo Trần Trung Hiếu rất đáng kính. Là người khiếm thị, thầy thấu hiểu những rào cản mà các học viên gặp phải để từ đó giúp họ có công việc ổn định trong cuộc sống. Với nhiều đóng góp cho cộng đồng người khuyết tật, năm 2020, thầy giáo Hiếu vinh dự được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt”.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) luôn tích cực tổ chức các lớp đào tạo nghề và

giới thiệu việc làm miễn phí cho người khiếm thị

 

Tạo cơ hội cho người khiếm thị

Từ khi tham gia các hoạt động đào tạo việc làm miễn phí cho người khiếm thị năm 1986, thầy giáo Hiếu không nhớ nổi đến nay đã tổ chức bao nhiêu lớp học, cho bao nhiêu học viên. Từ năm 2012 đến nay, trên cương vị Giám đốc Trung tâm Dạy nghề (Hội Người mù thành phố Hà Nội), thầy Trần Trung Hiếu không ngừng nỗ lực đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho các học viên khiếm thị.

“Trước đây, chúng tôi dạy cho người khiếm thị các nghề thủ công để họ có thu nhập, tự khẳng định bản thân. Thế nhưng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như những năm qua và xu thế sắp tới, bản thân người khiếm thị cũng phải thích nghi để có việc làm. Vì thế, trong 3 nghề chính được chúng tôi tập trung đào tạo thì bên cạnh nghề tẩm quất, công tác xã hội, có nghề tin học văn phòng. Nghề này được ví như con mắt điện tử thứ 3 với người khiếm thị, bởi hiện có nhiều phần mềm hỗ trợ họ trong đọc báo, soạn thảo văn bản, hay đơn giản là bán hàng trực tuyến hoặc sử dụng điện thoại thông minh”, thầy Hiếu giải thích.

Gắn bó nhiều năm với việc đào tạo nghề cho người khiếm thị, thầy Hiếu tạo dấu ấn khi cùng Ban Thường vụ Hội Người mù thành phố Hà Nội đưa đề án phổ cập công nghệ thông tin vào 100% cơ sở Hội Người mù thành phố. Để giúp được nhiều hơn cho hội viên, thầy còn chủ động liên hệ với các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm mở lớp dạy nghề miễn phí; giới thiệu việc làm cho học viên. Theo thống kê của trung tâm, 80% học viên sau khi hoàn thành các khóa học đã có việc làm, thu nhập và ứng dụng được kiến thức trong công việc.

“Đào tạo việc làm cho người bình thường đã khó, với người khiếm thị khó khăn gấp nhiều lần. Cùng với những ràng buộc về cơ chế, thì sự mặc cảm từ bản thân, những định kiến của gia đình, cộng đồng xã hội khiến họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với nghề. Nhiều người khiếm thị rất cố gắng vượt khó vươn lên, quan trọng là xã hội có tạo cơ hội cho họ khẳng định bản thân hay không”, thầy Hiếu chia sẻ.

Nhiệt huyết và tận tâm

Do đặc thù về dạng tật nên người khiếm thị hầu như không có nhiều cơ hội học nghề tại các cơ sở dạy nghề bên ngoài. Do vậy, Hội Người mù thành phố bằng nhiều biện pháp đã giúp đỡ hội viên được học nghề, trong đó có mở các lớp dạy nghề. Từng được học nghề tại Trung tâm Dạy nghề (Hội Người mù thành phố Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thùy Trinh (xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai) là trường hợp khiến thầy Hiếu rất ấn tượng. Chị Thùy Trinh kể: “Năm 2015, tôi đến trung tâm học nghề tẩm quất. Lúc đó, tuy đã ngoài 25 tuổi, nhưng tôi chưa bao giờ được bố mẹ cho ra khỏi nhà. Sau khi được thầy Hiếu thuyết phục, mẹ lên tận trung tâm để xem tôi học nghề thế nào rồi mới cho đi học và đi làm. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy Hiếu mà gia đình tôi vượt qua mặc cảm, bản thân tôi có việc làm và xây dựng gia đình với một người bình thường ở huyện Đông Anh”.

Với chị Nguyễn Thị Ly, giáo viên dạy tẩm quất tại trung tâm thì thầy Hiếu như một người cha tận tâm. “Năm 2014, tôi vào trung tâm làm. Bản thân là người sáng mắt nên cũng không hiểu cách truyền đạt hiệu quả nhất cho người khiếm thị. Nhưng sau một thời gian được thầy Hiếu hướng dẫn, tôi đã biết cách truyền đạt kiến thức cho người khiếm thị. Điều quan trọng hơn, thầy Hiếu đã truyền cho tôi nghị lực, tinh thần hy sinh vì cộng đồng”, chị Ly cho biết.

Là người thường xuyên cộng tác trong các dự án hỗ trợ người khuyết tật, chị Nguyễn Minh Châu, cán bộ hỗ trợ người khuyết tật hồi phục sau dịch Covid-19 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam ấn tượng ở phong cách làm việc trách nhiệm của thầy Hiếu. Chị Châu chia sẻ: “Không chỉ nhiệt huyết trong công việc, thầy Hiếu còn có nhiều sáng kiến, có cách truyền đạt rất riêng cho người khiếm thị để học viên lĩnh hội được kiến thức nhanh, hiệu quả”.

Dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, trong đó có người khiếm thị. Trước khó khăn đó, bên cạnh việc duy trì các lớp học nghề, thầy Hiếu còn liên hệ với nhiều đơn vị, doanh nghiệp và giới thiệu hàng chục học viên đến làm việc. “Người khiếm thị có nhiều khả năng và có thể làm được những việc mà người bình thường không tin là làm được. Cùng với tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, chúng tôi mong rằng các cấp chính quyền của thành phố cũng như cộng đồng xã hội quan tâm đầu tư hơn nữa để họ thêm cơ hội học nghề, phát triển khả năng, bảo đảm duy trì cuộc sống bản thân và đi lên cùng cộng đồng”, thầy Hiếu bày tỏ.

 

                                                                                                                                                   ĐÌNH HIỆP

                                                                                                                                              (Theo Báo Hànộimới)