Đó là câu chuyện về Lê Hương Giang, Sinh năm 1995, một cô gái xinh xắn có thị lực bằng không nhưng nghị lực vô cùng “huyền thoại”. Cả hai mắt  Giang đều không nhìn được, nhưng những gì em làm được có thể khiến bất cứ ai cũng phải tròn mắt và suýt xoa khâm phục.

Đang là sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), theo học cùng lúc hai chuyên ngành Tâm lý và Báo chí - Truyền thông. Với ngành Tâm lý, Giang đang học lên thạc sỹ. Giang còn học dance-sport, học sơ cứu vết thương...

Đồng thời cô cũng là gương mặt MC đầy ấn tượng của chương trình "Cuộc sống vẫn tươi đẹp" (VTV4); tham gia dẫn "Cà phê Sáng" (VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam). Ngoài ra, cô cũng từng 3 năm làm phóng viên cho Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), là diễn giả truyền cảm hứng ở nhiều trường THPT, đại học và các diễn đàn khác, được đông đảo giới trẻ ái mộ…

Nói thật, khi biết là mắt Giang không nhìn thấy gì, tôi và nhiều đồng nghiệp đều rất thắc mắc: Làm sao trên đường đến chỗ hẹn này, bạn vẫn đọc và trả lời messenger, zalo của tôi – bằng văn bản?

- MC Lê Hương Giang: Em dùng chương trình giọng nói khi chạm tay vào màn hình cảm ứng. Ví dụ em lướt tay đây, chọn mục messenger, rà vào đây, máy sẽ đọc tên "Đỗ Doãn Hoàng", và em chat với anh, có thể qua gõ chữ (chạm vào ký tự nào máy phát ra âm thanh về kí tự đó). Hoặc em có thể nói vào điện thoại để nó tự chuyển thành văn bản chat với anh.

Đấy, các anh xem, dễ mà (Giang thao tác cho chúng tôi ghi hình).

Bạn bị mất thị lực 100%?

- Lúc nhỏ, em có thể nhìn thấy một chút, nhưng mờ lắm. Em chỉ có thể nhìn thấy những gì lớn, dưới ánh sáng mạnh. Còn nếu muốn nhìn thấy chữ hay gì đó thì em phải đeo một cái kính phóng to, đeo thêm cả một cái kính lúp nữa. Khi em học lớp 6, hầu như mất hẳn thị lực.

Là MC khiếm thị đầu tiên của VTV, tôi thấy Giang dẫn trên VTV4, rồi "Cà phê Sáng" trên VTV3 rất tự tin.

- Em làm MC cho VTV từ năm 2017. Em cũng tham gia làm "VTV Đặc biệt", chương trình phát tháng 12/2018, ê kíp thực hiện trong vòng 2 năm. Một chương trình về các bạn khuyết tật.

Lý do nào bạn chọn làm MC chương trình "Cuộc sống vẫn tươi đẹp" cho VTV4, mà không phải chương trình khác?

- Thứ nhất là các anh chị trong đài muốn chọn những MC là người khuyết tật. Thứ hai, em cũng không rõ các anh chị nghe ở đâu là "thấy bảo em dẫn cũng… được" (cười).

Tôi cũng biết là bạn còn từng làm "phóng viên đặc biệt" 3 năm cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)?

- Chính xác là em cộng tác với VOV 3 năm. Khi em học cấp 2 trường Nguyễn Đình Chiểu, có rất nhiều cô chú bên VOV sang trường em để làm chương trình. Và em cũng là nhân vật để các nhà báo phỏng vấn.

Qua đó, em quan sát cách mọi người làm việc. Dần dần em biết ở VOV2 có một chương trình phát thanh thiếu nhi, với không ít các bạn nhỏ "viết báo". Bấy giờ em chỉ biết sử dụng chữ nổi dành cho người khiếm thị thôi, em theo các cô các chú đi phỏng vấn, rồi dùng tất cả những thông tin em nhớ được để… viết báo.

Bạn tâm đắc với các bài báo về chủ đề gì?

- Em thường viết về các bạn nhỏ, là những tấm gương vươn lên trong cuộc sống, hoặc đến các làng trẻ để viết về cuộc sống các em nhỏ ở đó. Khi em lên cấp III, em có tình cờ tham gia cuộc thi "Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu" diễn ra ở Incheon, Hàn Quốc. Và em may mắn được Huy chương đồng.

Khi về nước, các anh chị bên VOV đến phỏng vấn em. Thấy em cũng "nói nhiều" nên một anh hỏi: Em có muốn thử làm phóng viên không. Rồi bắt đầu giao cho em một hai đề tài đầu tiên.

Ai đã dạy bạn kĩ năng làm báo?

- Em có thâm niên làm khách mời của các nhà báo, nên thấy: ngày trước mình được hỏi thế nào thì bây giờ mình cũng đặt câu hỏi như thế. Dần dần các anh chị dạy em cách dựng phóng sự bằng phần mềm trên máy tính, cách lên kịch bản, cách phỏng vấn. Làm cả những chương trình talkshow và trải nghiệm.

Khi em chính thức cộng tác với bên VOV cũng là khi em đã có thể tự làm được sản phẩm từ đầu đến cuối. Em rất hạnh phúc vì mình được đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, lắng nghe câu chuyện của họ rồi viết bài. Cảm giác rất đặc biệt.

Có lẽ, yêu cầu di chuyển liên tục khi làm báo, sẽ là một thách thức lớn đối với cô gái khiếm thị!

- Lúc đó chưa có xe ôm công nghệ. Đi xe ôm bình thường thì đắt quá, nhuận bút không đủ chi phí đi lại, nên em đi xe buýt cùng với 1-2 chị phóng viên khác. Có những lúc đi một mình, lên nhầm xe buýt, nhưng hồi đó chúng em có khẩu hiệu "nơi nào xe buýt đến được thì nơi đó không xa". Bây giờ có xe ôm công nghệ, mọi việc dễ dàng hơn nhiều.

Khó khăn nhất của một phóng viên khiếm thị là gì?

- Có nhiều nhân vật em gặp với những câu chuyện rất riêng, thậm chí là các nỗi đau trong cuộc sống. Có thể trước khi gặp em, họ từng từ chối các phóng viên khác. Nhưng em cũng là một người khuyết tật nên đôi khi họ mở lòng với em dễ dàng hơn rất nhiều.

Bố mẹ bạn có tuyệt vọng khi phát hiện rằng bạn sẽ vĩnh viễn không thể nhìn được nữa?

- Bố mẹ luôn vui vẻ, động viên, tin tưởng em đặc biệt. Nhưng… Em cũng không biết nữa... Khi em trưởng thành, em nhìn những bậc phụ huynh khác khá tuyệt vọng với con cái khuyết tật; và em nghĩ có thể trước kia bố mẹ em cũng như vậy.

Từng có những người hàng xóm sang nói với bố mẹ em là đừng để nó đụng vào cái gì cả. Nếu không sẽ hỏng hết. Họ còn khuyên bố mẹ em cần phải chuẩn bị một khoản tiền lớn để khi bố mẹ em chết đi thì có tiền đó cho em sống, vì sẽ không còn ai nuôi em.

Đang hào hứng trong cuộc trò chuyện, đột nhiên MC Hương Giang xúc động hồi tưởng: “Em đã từng được nhìn thấy thế giới này. Đó là một điều rất may mắn vì em có thể dắt các bạn khiếm thị khác đi chơi, mô tả lại cho các bạn những gì em từng thấy. Cũng có nghĩa em đã dược chuẩn bị tinh thần. Vì bác sĩ dự báo từ trước là … em sẽ như bây giờ!

Em đã tập làm quen với cuộc sống trong bóng tối. Mọi người hỏi em có sốc không khi bỗng dừng thành “cô gái mù” em trả lời là không. Bởi em đã biết trước và có thời gian để chuẩn bị rồi”.


Người ta bảo, nếu đứa trẻ sinh ra đã không nhìn thấy gì, thì sẽ rất cam phận và tìm cách vươn lên. Còn người đã từng nhìn thấy cuộc sống muôn màu sắc sinh động cả chục năm rồi, bỗng dưng "cuộc sống chỉ toàn là bóng đêm", thì tiếc nuối và tủi thân sẽ lớn hơn nhiều. Bạn nghĩ sao về điều này?

- Có lẽ câu trên rất đúng với những bạn nào mất ánh sáng một cách đột ngột. Em nghĩ về sự may mắn nhiều hơn là sự hối tiếc.

Ai là người đã ảnh hưởng nhiều đến bạn?

- Người mà em thần tượng nhất là nghệ sĩ Đào Ngọc Huỳnh, trước kia thầy làm ở một tòa soạn báo lớn. Thầy là người chủ động tìm đến trường Nguyễn Đình Chiểu và dạy cho chúng em cách làm gốm. Thầy đặt vào tận tay chúng em những miếng đất và dạy cách nặn bất kì thứ gì mà bọn trẻ khiếm thị như em muốn.

Có lần, phóng viên hỏi miếng đất thầy cho chúng em, rồi chúng em nặn, khắc lên nó méo mó thế? Thầy nói thầy muốn chúng em cần mẫn hoàn thành từng miếng ghép nhỏ trong cuộc sống; để ghép thành một số phận người. Cho dù tròn hay méo, sáng hay tối, thì đó cũng là cuộc sống của chính mình và mình phải luôn trân quý. Lúc đó em đang bị khủng hoảng tinh thần - do vừa "chìm vào bóng tối vĩnh cửu" của việc mất hoàn toàn thị lực. Nghe thầy, em bắt đầu nghĩ lại. Rằng, em muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa!


Bạn muốn truyền tải điều gì qua các tác phẩm, công việc liên quan đến báo chí, truyền hình của mình nhất?

- Em muốn mọi người hiểu hơn về cuộc sống của những người khuyết tật hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, em hy vọng sẽ truyền đạt đến cộng đồng một nguồn năng lượng tích cực thay vì việc hình ảnh của họ có xu hướng bị anh hùng hoá hoặc bi thương hoá. Em muốn một sự chân thực nhất.

Theo bạn, đâu là sức hút để VTV mời bạn làm MC của họ?

- Chắc vì em dễ thương (cười).

Thời gian đầu bản thân em cũng phải học cách làm quen với một ekip truyền hình và các anh chị ấy cũng phải làm quen với cách phối hợp với một MC khiếm thị đầu tiên của VTV. Mỗi chương trình đi qua, mọi người hướng dẫn cho em rất nhiều thứ: ngôn ngữ cơ thể, cách tương tác máy quay, dẫn sóng truyền hình. Em cũng tìm được những phương thức riêng để có thể làm việc tốt hơn. Năm tháng làm công việc của phóng viên phát thanh, đã dạy cho em cách biên tập một bài báo, phản ứng nhanh với những tình huống có thể xảy ra, và đó là điều rất quan trọng để em làm MC truyền hình.

MC là nghề hấp dẫn và nhiều thách thức với ngay cả những người không… khuyết tật!

- Cái cần vượt qua thứ nhất là rào cản tâm lý. Đôi khi các bạn khuyết tật mặc cảm: liệu mình có phải là gánh nặng với mọi người hay không. Ngày trước, em có nghe mọi người nói gì đó, có hành vi nào đó, là sẽ nghĩ" "ôi mình đang bị kì thị đấy". Nhưng khi hoà nhập rồi em mới nhận ra là đôi khi mọi người muốn đến gần mình nhưng mọi người chưa biết phải làm như thế nào. Mình phải mở lòng đến gần với mọi người hơn, chia sẻ với mọi người nhiều hơn.

Cho phép tôi hỏi hơi riêng tư một chút: Bạn không nhìn được gì, thì ai sẽ trang điểm cho bạn trước giờ lên sóng hoặc trước khi ra khỏi nhà (một cách rất xinh) như… hôm nay?

- Ngày trước là mẹ em trang điểm cho em. Kể từ một lần em đi công tác ngoại tỉnh, khi xuống sân bay, chị biên tập gọi điện cho em và bảo: Hương Giang ơi, bây giờ em phải đến điểm quay ngay lập tức nhưng ở đó không có chuyên gia make-up đâu. Từ đó em bắt đầu học make-up. Nó không khó như em nghĩ. Có thể là em không làm một cách lung linh như chuyên gia trang điểm nhưng làm đẹp "đủ để dẫn chương trình trên VTV" thì em làm tốt.

Công nghệ đã giúp người khiếm thị hòa nhập rất hiệu quả đúng không?

- Học đại học, em ghi chép bằng máy tính hoặc điện thoại. Trong giờ học em có thể sử dụng thêm máy ghi âm để ghi lại bài giảng. Hiện giờ điện thoại và máy tính đều có phần mềm đọc màn hình. Trừ hình ảnh là không xem được, còn hầu hết tất cả các phần mềm, các ứng dụng trên máy tính và điện thoại em đều có thể sử dụng như người mắt sáng.

Bạn vẫn sử dụng facebook và giao tiếp như người sáng mắt, điều đó làm không ít người thấy lạ lẫm quá!

- Hiện giờ đã có người khiếm thị làm việc tại Facebook và Google nên các bạn ấy thiết kế phần mềm dành cho người khiếm thị rất hoàn hảo.

Đâu là cửa ải lớn nhất mà bạn đã vượt qua để có ngày hôm nay – khi bạn trở thành một hình tượng có sức truyền cảm hứng khá đặc biệt của giới trẻ Việt Nam?

- Em nghĩ nhiều về việc này. Chỉ cần bố mẹ em không ngăn cản việc đi học của em hồi ấy, đã là cách hiệu quả và trân trọng nhất để em có thể tiến về phía trước. Bởi rất nhiều bạn khiếm thị  mong muốn được đi học, nhưng gia đình đã ngăn cản. Mô hình thường thấy: Học hết cấp hai trở về quê, làm những công việc phổ biến là xoa bóp, bấm huyệt, vót tăm... Em đã quyết tâm phải trở thành một chuyên gia tâm lý để gạt bỏ những rào cản đó cho phụ huynh và trẻ khuyết tật.

Tình cảm của khán thính giả dành cho bạn ra sao?

- Em nhớ có một lần em đến vùng biên giới, em đi chơi với bố em, có các bác nông dân chạy ra ôm lấy em, các bác nói là từng xem cháu dẫn ở trên ti-vi và các bác rất thích. Cũng có các cựu chiến binh viết thư về Đài cho em. Em thấy rất cảm động. Đôi khi cảm thấy là em giống một "cháu gái quốc dân".

Bố bạn làm nghề gì mà lãng mạn thế, đưa con gái lên biên giới chơi. Điều này, bây giờ, kể cả với các cô con gái lành lặn, cũng ít có ông bố làm được.

- Bố em là lái xe. Bình thường nếu em đi dẫn chương trình về khuya bố em sẽ đi đón. Nhưng hôm nào em làm MC, dẫn dở quá thì bố em không đón. "Tự gọi xe về nhé!", ông nói khi em dẫn bị vấp nhiều chẳng hạn (cười).

Em có nghĩ nhiều về cái "bóng tối vĩnh cửu" mà em chúng sống với nó từ khi hơn 10 tuổi đến giờ?

- Em không nghĩ nhiều về bóng tối lắm. Có thể mọi người không tin nhưng em thấy cuộc sống trong bóng tối cũng có rất nhiều điều thú vị. Mình có những trải nghiệm mới. Bởi rõ ràng cuộc sống có rất nhiều thử thách, mình vượt qua thử thách này để đến với thử thách khác, thì cuộc sống trong bóng tối cũng là một thử thách. Em không tin là những người xung quanh không có trở ngại của họ. Chỉ khác, em là người khuyết tật nên phải đối diện với trở ngại của mình sớm hơn và phải nỗ lực đặc biệt từ khi còn trẻ.

Hồi đầu, chắc chắn là khó khăn lắm chứ?

- Rất may là em có ngoại hình giống với mọi người, nhưng những bạn có mắt trông hơi khác (mắt hõm vào, lồi ra, con ngươi teo đi…) thì bị bắt nạt rất nhiều. Khi em đi trên một đường thẳng, mọi người có một trò chơi rất phổ biến là thử đẩy sang một hướng khác xem (kẻ hỏng mắt đó) có thể tìm thấy đường cũ hay không.

Với em, định hướng di chuyển là khó khăn nhất. Nếu từ bé đã không nhìn thấy gì thì cảm giác về thế giới xung quanh sẽ tốt hơn. Nhưng em đã từng nhìn thấy rồi, nên việc nhạy cảm với thế giới xung quanh là em phải tập luyện nhiều. Cũng đâm đầu vào tường rất nhiều lần thì sẽ có cảm giác… đâm vào tường. Hoặc giữa chỗ đông người và vắng người thì âm thanh xung quanh sẽ khác nhau. Hoặc khi đang đi trên một đường thẳng mà có một lối rẽ thì tiếng gió sẽ khác. Anh mà gặp các bạn khiếm thị bẩm sinh, sẽ thấy các bạn ấy đi siêu lắm. Bình thường các bạn ấy đi trên đường, với định hướng – "bản đồ" sẵn có trong đầu, các bạn ấy có thể đi lại giống mọi người.

Bạn có nghĩ, trời lấy đi của người ta cái này thì sẽ ban cho người ta cái khác không? Bạn không nhìn được, nhưng bạn lại có giác quan khác tốt hơn, có thế mạnh khác mà người thường không có được chẳng hạn?

- Anh thử nhắm mắt trong suốt một ngày xem sao. Cảm nhận của anh, giác quan của anh mở ra với thế giới sẽ rất khác. Em nghĩ là ông trời lấy đi của người ta đôi mắt chẳng hạn, thì sẽ mang lại cho con người ta sự dũng cảm. Và chính sự dũng cảm ấy là thứ mà mình phải tập làm quen với thế giới mới. Không phải là em có thể nghe tốt hơn hay có xúc giác tốt hơn mà chỉ là em tập trung. Nếu anh cũng nhắm mắt một lúc, chắc chắn anh sẽ biết tất cả những người ngồi xung quanh đây chuyện gì. Rồi nghe thấy tiếng cốc nhựa rơi xuống sẽ khác với tiếng của một cái cốc bằng sứ hay là một cái cốc bằng sắt.

Bạn có nghĩ đến chuyện lập gia đình chưa, vì tôi thấy bạn có nhiều người hâm mộ lắm!

- Ông bà em mới ra "chỉ thị" là trong năm nay hoặc năm sau em phải lấy chồng. Nhưng em thấy em còn trẻ quá và em nghĩ chắc phải tầm 29-30 tuổi mới cưới. Vì em còn muốn đi học thêm. Em cũng muốn đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới trước khi em kết hôn nữa. Dĩ nhiên là cũng tuỳ duyên.

Bạn trợ giúp tâm lý cho các bạn trẻ như thế nào?

- Ngày trước em làm cho một tổ chức nước ngoài trong khoảng 2 năm. Nhiều người trẻ có vấn đề về tâm lý thì họ liên lạc với em, sau đó em trợ giúp họ. Các bạn ấy thường băn khoăn câu hỏi: Tôi là ai? Tôi sống trên đời này có ý nghĩa gì? Hoặc là gặp những vấn đề liên quan đến yêu đương, ứng xử với cha mẹ, bạn bè cùng lớp. Có rất nhiều bạn gặp những vấn đề bế tắc mà không được hỗ trợ kịp thời, và có bạn đã tự tử.

Bạn chưa có gia đình, vậy tư vấn về các chủ đề đó với bạn có khó khăn không?

- Một chuyên gia tâm lí chưa bao giờ hút thuốc phiện nhưng họ vẫn có thể trợ giúp cho những người nghiện cơ mà.

Bố mẹ Giang hẳn là rất tự hào về bạn?

- Em mong là như thế và em cũng tin là như thế. Bây giờ có những chương trình em đã quên là em từng dẫn (bởi em đã làm MC khá nhiều năm rồi). Nhưng, thỉnh thoảng em đi ngang qua phòng bố mẹ em và thấy bố mẹ em mở lại các chương trình đó (trên internet) để xem. Rồi đi đâu, hứng lên, thậm chí bố mẹ em cũng có sẵn một bài "truyền thông", cứ gặp người mới thì sẽ khoe về con gái Hương Giang...

Bạn đã đi bao nhiêu quốc gia rồi?

- Ở châu Á em đi Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc; còn châu Âu em mới đi Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ và Đan Mạch. Hầu hết đều là đi thi đấu hoặc đi giao lưu văn hoá nghệ thuật.

Bạn từng đi khá nhiều quốc gia, đã bao giờ bạn so sánh hình ảnh người khuyết tật ở nước ta và người khuyết tật ở những nơi đó?

- 9 tuổi em sang Thuỵ Điển. Đó là lần đầu tiên em biết thế nào là đường đi bộ dành cho người khiếm thị, em biết thế nào là chữ nổi trên thang máy. Rồi em "thấy" cả những chú chó dắt người khiếm thị đi trên đường. Có lần em tới một khu làng nhỏ và ở trong một thư viện cũng rất nhỏ, khi em vào thì có sách chữ nổi, rồi có những hình 3D. Tức là người khiếm thị có thể tiếp cận giáo dục ở tất cả mọi nơi.

Và đó cũng là lần đầu tiên trong đầu em có suy nghĩ sẽ phải làm gì đó cho người khiếm thị, người khuyết tật Việt Nam cũng có được môi trường như vậy. Sau đó em đến Hàn Quốc. Họ có những xe buýt mà sàn xe cao bằng vỉa hè để người khuyết tật có thể lăn xe ra vào. Đó cũng là điều em rất muốn sẽ có nhiều hơn ở Việt Nam.

Chúng ta đang có những nâng cấp, tuy nhiên, cái nâng cấp đó lại chưa thực sự hợp lý. Ví dụ những đường dốc dành cho xe lăn, có rất nhiều trường học đang thực hiện và làm đường dốc như vậy. Nhưng họ không nghiên cứu kĩ về vật liệu nào, độ dốc bao nhiêu là hợp lý; nên nó thường quá trơn, quá dốc. Đến mức các bạn đi xe lăn cũng không dám đi lên đó.

Quả thật, tôi cũng may mắn được đến với vài chục quốc gia rồi, rất ấn tượng về một cách đối xử chăm lo nhân văn nhân ái của họ dành cho những người khuyết tật…

- Có một cái khác căn bản ở chi tiết này. Khi em giao lưu ở Việt Nam, họ yêu cầu em kí một giấy xác nhận là phải có người nhà đi cùng (để hộ trợ em nhiều thứ). Nhưng khi em tham gia ở nước ngoài, họ lại yêu cầu em phải kí vào xác nhận là em phải tự đi một mình và tự chủ được trong cuộc sống. Ở một số nước em đã trải nghiệm, họ có cơ sở vật chất đủ để người khuyết tật có thể tự chủ trong cuộc sống. Đó là các câu chuyện rất đáng suy ngẫm.

Ví dụ với Thụy Điển, bạn sang và tham gia hoạt động gì?

- Hồi ấy, Hoàng hậu Thuỵ Điển mời các đại biểu sang để giao lưu nghệ thuật. Em vẽ tranh, trưng bày ở Viện Bảo tàng của họ. Đó là cuộc thi dành cho người khuyết tật với nhiều bạn đến từ vài chục quốc gia. Mỗi một bạn có câu chuyện đời thú vị và xúc động khác nhau. Trong một cuộc thi, em gặp một bạn nằm ra sàn bất động, chỉ cử động được mấy ngón tay. Mà bạn đó say mê, nghị lực, sáng tạo vô cùng. Bạn đã làm thay đổi suy nghĩ của em.

Bạn có duyên với quá nhiều giải thưởng, từ chế tạo máy móc cho đến… MC ấn tượng. Sao các lĩnh vực lại khác nhau "một trời một vực" thế nhỉ?

- Khi nào hết tiền thì em sẽ đi… thi. Và cũng có duyên… được giải. Được giả là lại có tiền đi học. Ví dụ hồi cấp III em thi nghiên cứu chế tạo máy móc, và sau đó được giải Ba Quốc gia. Từ đó em được vào thẳng Đại học. Rồi em đi thi về tin học quốc tế cũng được huy chương Đồng. Sau đó em thi một cuộc thi về MC và ẵm giải Nhất. Mỗi năm em thi một cuộc thi khác nhau.

Bạn thi cả các cuộc thi với… người "lành"?

- Những cuộc thi kia đều dành cho những người không khuyết tật đấy chứ! Tại sao em lại chỉ thi cuộc thi dành cho người khuyết tật thôi? Cuộc thi giống như một thử thách và em muốn khám phá bản thân.

Ví dụ thi về khoa học kĩ thuật và được giải, cụ thể là bạn thi gì?

- Đợt đó em chế tạo máy đếm tiền. Và phân biệt tiền thật, tiền giả với chức năng phát ra lời nói dành cho người khiếm thị. Cuộc đó em thi từ hồi cấp III. Em không chế tạo ra hẳn một cái máy đếm tiền mà em thiết kế trên máy tính rồi đi thuyết trình. Cuộc thi đó có giáo sư hàng đầu của nhiều ngành tại Việt Nam, có cả thầy cô trong Bộ Giáo dục – Đào tạo nữa. Thấy em tự thuyết trình bằng slide, tự điều khiển máy tính thạo quá. Và thầy cô nghĩ em rất giỏi tin học nên cử em đi thi… tin học tiếp (cười).


Tôi nhớ khi bạn đề nghị tôi tặng sách (của tôi) để đọc, bạn không xin bản in giấy mà xin bản mềm trên file trong máy tính. Vậy là, không cần khả năng nhìn thấy, bạn vẫn đọc được sách giáo khoa, đọc được sách báo?

- Bản mềm đọc dễ hơn (so với bản cứng đã in ra giấy), nhưng hiện giờ có phần mềm mới để người khiếm thị đọc cả sách với các bản in truyền thống nữa. Hiện giờ, trên điện thoại của em có cài đặt một số ứng dụng rất thông minh: chỉ cần di chuyển điện thoại trên mỗi trang sách là nó "đọc" được bằng cách phát ra âm thanh (mà không cần… chức năng của cặp mắt).

"Kế hoạch cuộc đời" bạn sẽ như thế nào nhỉ?

- Em sẽ trở thành chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực học đường hoặc gia đình. Đó là định hướng cả đời của em. Còn dẫn chương trình là niềm đam mê, không làm thì thấy nhớ. Công việc báo chí mang lại cho em thu nhập để theo đuổi ước mơ lâu dài kia.

Xin cảm ơn Hương Giang vì đã dành cho Dân Việt cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở này. Chúc Giang ngày càng thành công hơn nữa với những kế hoạch của mình trong tương lai.

 

Theo https://danviet.vn/