Ai đã từng đến chăm sóc sức khỏe tại cơ sở dịch vụ tẩm quất Ánh Sáng của HNM Tây Hồ tại địa chỉ 1/24/ 38 đường Xuân la, Tây Hồ, Hà Nội chắc hẳn đều biết đến một nam nhân viên khỏe mạnh, cao ráo với nụ cười luôn thường trực trên môi.
 Đó là anh Mẫn Xuân Quỳnh, năm nay ngoài 40 tuổi. Anh đã làm việc tại cơ sở tẩm quất Ánh Sáng và là hội viên HNM Tây Hồ được gần 11 năm nay. Quê hương anh ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái nguyên. Nhưng từ năm 2008, sau khi được học chữ nổi và nghề xoa bóp tẩm quất tại Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng của Trung ương Hội người mù Việt Nam, anh đã gắn bó với mảnh đất Thủ Đô và coi đây là quê hương thứ 2 của mình.

Ảnh: Anh Mẫn Xuân Quỳnh đang làm Tẩm quất.
Vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống văn hóa với những lò vật cổ truyền nổi tiếng cả nước,từ nhỏ anh đã rất đam mê thể thao và rèn luyện cho mình một sức khỏe hơn những bạn cùng trang lứa.Năm 2002, sau khi học xong Trường dạy nghề cơ khí, anh làm việc tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bắc Ninh. Cuộc sống hạnh phúc , giản dị với một công việc và thu nhập ổn định, cùng một người vợ trẻ và đứa con trai đầu lòng đang diễn ra êm đềm thì bất ngờ xảy ra tai nạn lao động trong lúc làm việc và bỗng chốc bị mất đi nguồn ánh sáng của đôi mắt. Anh trở thành người khiếm thị. Tai nạn khủng kiếp đó đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh. Thời gian đầu anh rơi vào tâm trạng vô cùng bi quan chán nản.Đã có những giây phút anh mong được kết thúc tất cả trong tuyệt vọng, khi nghĩ đến tương lai phía trước. Nhưng thật may mắn, chính trong thời điểm khủng khoảng đó, anh luôn nhận được sự quan tâm động viên của cha mẹ, anh chị em ruột và gia đình nhỏ bé của mình. Thời gian dần trôi đi, cú sốc tâm lí cũng vơi dần theo năm tháng. Nỗi đau trong anh được dần thay thế bằng niềm khát khao làm một việc gì đó để vượt qua nghịch cảnh. Anh bắt đầu làm quen với cuộc sống không ánh sáng thông qua cac công việc trong gia đình.Sau đó là phụ giúp vợ chăn nuôi, trồng trọt trên mảnh vườn bên hông nhà để cải thiện thêm cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn ở vùng quê nghèo. .

Rồi một ngày, anh được biết đến tổ chức Hội Người mù thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.Anh đã chủ động tìm đến Hội người mù huyện nhà và được giới thiệu đi học chữ nổi, học nghề tại Trung tâm đào tạo cán bộ và phục hồi chức năng của Hội Người mù Việt Nam. Kết thúc khóa đào tạo với chứng chỉ loại giỏi, anh bắt đầu công việc của một nhân viên xoa bóp tẩm quất tại một số cơ sở nhỏ ở Hà Nội.

 Đầu năm 2011, anh được nhận vào làm việc tại cơ sở tẩm quất Ánh Sáng của HNM Tây Hồ và được kết nạp làm hội viên của Quận hội. Bằng ý chí , nghị lực, sự chăm chỉ của bản thân, anh đã ngày càng tiến bộ trong nghề nghiệp và cũng trở thành một hội viên nhiệt huyết trong các phong trào hoạt động hội. Không chỉ luôn chịu khó học hỏi từ những người bạn đồng tật, đúc rút kinh nghiệm từ công việc hàng ngày, mà anh còn chủ động tìm hiểu và đăng kí tham gia các khóa tập huấn nâng cao trình độ về nghề xoa bóp tẩm quất như tác động cột sống, diện chẩn, massage Nhật Bản…. Lòng đam mê nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm cao với khách hàng đã đưa đến cho anh những trái ngọt. Anh đã trở thành một trong những nhân viên có tay nghề cao nhất của cơ sở Ánh Sáng. Khách hàng yêu cầu anh ngày càng đông.Doanh thu hàng tháng và theo đó là thu nhập cá nhân của anh luôn đứng đầu. Trong quá trình làm việc anh còn luôn tìm tòi, có nhiều sáng kiến đóng góp với lãnh đạo hội để cải tiến, hoàn thiện quy trình phục vụ khách hàng nhằn nâng cao hiệu quả hoạt động của Ánh Sáng. Anh cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, truyền nghề cho những hội viên mới, góp phần lan tỏa nghề xoa bóp tẩm quất nói riêng và hoạt động sản xuất dịch vụ của Quận hội nói chung.

 Không chỉ là nhân viên có ngày công và lượng khách hàng cao trong lao động sản xuất, với tư cách là một hội viên, anh còn tham gia hết sức nhiệt tình các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, các lớp học về máy tính, điện thoại thông minh dành cho người khiếm thị để tự hoàn thiện bản thân, trang bị thêm nhiều kĩ năng cần thiết trong cuộc sống của một người khiếm thị, dễ dàng hòa nhập bình đẳng vào cộng đồng xã hội, trở thành trụ cột trong gia đình mình và nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh.
 Bằng câu chuyện thực tế của bản thân, anh Mẫn Xuân Quỳnh đã chứng minh rằng số phận của từng cá nhân đâu phải do hoàn cảnh mà đều phụ thuộc vào lòng khát khao vượt qua nghịch cảnh, trí tuệ và sự quyết tâm của mỗi con người. Cùng với những người đồng tật trong tổ chức hội, anh đã góp phần xây dựng nên hình ảnh mới của các lớp người khiếm thị trong giai đoạn đổi mới và phát triển của Đất Nước, xứng đáng với lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác Hồ kính yêu.

 Đàm Hiển - HNM Tây Hồ