(HNM Hà Nội) -  “Em ước mơ một ngày nào đó được đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức về âm nhạc cho các em nhỏ và mang lời ca, tiếng hát đến với mọi người, đến với các bạn đồng tật, góp phần nhỏ bé của mình làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn…”. Đó là lời tâm sự của chàng nhạc công khiếm thị Nguyễn Văn Ngọc – hội viên Hội người mù huyện Thường Tín Hà Nội.

Tuy đã từng trải qua rất nhiều biến cố và phía trước còn nhiều thử thách, khó khăn nhưng Nguyễn Văn Ngọc, với lòng quyết tâm và sự lạc quan, đang nỗ lực từng ngày trên con đường biến ước mơ đó trở thành hiện thực.        

Những thách thức cuộc sống…

Gặp Nguyễn Văn Ngọc tại buổi giao lưu văn nghệ “Tiếng hát từ trái tim” năm 2016 của cụm thi đua số 6 trực thuộc Hội người mù TP Hà Nội diễn ra tại huyện Thường Tín, chúng tôi thực sự bị thu hút bởi tài năng của chàng trai khiếm thị 30 tuổi này. Không giống với hình thức và tính cách bên ngoài – nhỏ bé, hiền lành, Nguyễn Văn Ngọc trên sân khấu âm nhạc đã trở thành một người hoàn toàn khác. Cùng với cây đàn của mình, Ngọc có thể du dương, đầm ấm, sâu lắng với những bài hát trữ tình. Nhiều khi Ngọc lại cháy hết mình trong những ca khúc trẻ trung, sôi động. Không chỉ mang đến cho các khán thính giả những giây phút thoải mái, bay bổng cùng âm nhạc, Văn Ngọc còn đã và đang âm thầm thực hiện ước mơ dang dở cách đây gần 10 năm. Ngọc tâm sự:”Em yêu âm nhạc lắm. Em rất mong một ngày nào đó được đứng trên bục giảng dạy những kiến thức âm nhạc cho các em nhỏ. Người khiếm thị có thể làm tất cả việc như người bình thường…”.

Ước mơ trở thành một người thầy, được mang những kiến thức âm nhạc truyền đạt lại cho các em nhỏ tại quê nhà của Nguyễn Văn Ngọc bắt nguồn từ khi Ngọc bước chân vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây cũ năm 2005. Ước mơ đó được chắp thêm đôi cánh khi năm 2008, Ngọc tốt nghiệp trường cao đẳng, Ngọc tiếp tục thi đỗ vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội I - khoa Sư phạm âm nhạc. Có nền tảng về âm nhạc, được học trong một ngôi trường sư phạm hàng đầu của Thủ đô, Ngọc nhanh chóng phát huy được khả năng của mình và luôn là một trong những sinh viên ưu tú trong khoa. Cô Mai Phương – giảng viên khoa sư phạm âm nhạc, người trực tiếp hướng dẫn cho Ngọc nhận xét:”Nguyễn Văn Ngọc là một sinh viên thông minh, có tố chất sư phạm, tư duy  cảm thụ âm nhạc. Nếu được đào tạo bài bản, Ngọc sẽ trở thành một người thầy tốt, xa hơn là một nhạc công chuyên nghiệp…”.

Niềm hy vọng của người thân, thầy cô, bạn bè và con đường đi đến với ước mơ của Nguyễn Văn Ngọc đã gặp phải một thách thức – sau năm thứ nhất tại trường ĐH Sư phạm  đôi mắt Ngọc không còn nhìn rõ được nữa, trước mắt chỉ là một màn sương mờ đục.  Nói về thách thức này theo Ngọc thì đã được dự báo từ khi Ngọc còn đang nằm trong bụng mẹ. Ngọc kể lại:”. Năm mẹ mang bầu em, trong một lần đi chợ từ Hà Nội về, mẹ em bị tai nạn ôtô. Sau những lần điều trị, với nhiều loại thuốc, mẹ khoẻ lại nhưng đôi mắt em bị ảnh hưởng…”.

Kể đến đây đôi mắt của chàng trai 30 tuổi ứa lệ. Ngọc xúc động chia sẻ tiếp:”Em không ngờ mắt em suy sụp đúng vào thời điểm quan trọng nhất, con đường học tập và sự nghiệp của em đang rất tốt. Mọi người trong gia đình đều rất hy vọng vào em…”.

Dù thời gian tiếp theo được gia đình đưa đi khám và kiên trì điều trị bằng nhiều phương pháp, từ Tây y đến Đông y nhưng căn bệnh suy nhược đáy mắt của Văn Ngọc không tiến triển. Thị lực của chàng sinh viên sư phạm chỉ còn mức dưới 1/10.          

Tuy tâm trạng thất vọng và bi quan về sức khoẻ nhưng không vì thế mà Nguyễn Văn Ngọc dừng lại. Với tấm bằng cao đẳng sư phạm và sự đam mê âm nhạc, Ngọc tiếp tục hành trình đi tìm ước mơ. Đến từng nhà trường, từng lớp học trong xã, trong huyện thử việc với hy vọng được đứng trên bục giảng như những người thầy mà mình kính trọng:

“Em đã đi thử việc, thử dạy ở một số trường nhưng vì nhiều lý do, khách quan và chủ quan, em không thể thực hiện được giấc mơ của mình” – Ngọc bày tỏ.

… Tìm lại niềm vui

Tưởng chừng tương lai và sự nghiệp của Văn Ngọc sẽ khép lại như đôi mắt mịt mù thì bất ngờ sau một lần gặp gỡ người bạn thân, Ngọc được giới thiệu tham gia vào sinh hoạt tại Hội người mù huyện Thường Tín. Mới đầu vào hội, Ngọc xác định chỉ tìm một nơi để giao lưu với mọi người, chia sẻ tâm trạng sau biến cố cho đỡ buồn. Ngọc không nghĩ rằng, tại đây, Ngọc đã tìm thấy một phần ước mơ của mình. Được sự động viên, giúp đỡ của ông Trần Nguyên Phúc – Chủ tịch huyện hội và ban chấp hành huyện hội, Ngọc tự tin, năng động hơn và điều quan trọng là Ngọc nhận thấy mình còn có ích cho gia đình và xã hội. Ngọc bày tỏ:”Em đã thực hiện được một phần ước mơ của mình là mang tiếng hát giúp mọi người, nhất là những người khiếm thị như em,  vui hơn trong cuộc sống..”:

 Hiện nay, ngoài công việc làm thêm biểu diễn tại các đám cưới, liên hoan văn nghệ, Văn Ngọc còn đang là một kỹ thuật viên lành nghề ở Cơ sở xoa bóp Lưu Gia Bảo tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín.

Tiễn chúng tôi ra về, Nguyễn Văn Ngọc còn chia sẻ một dự định:“Công việc ổn định, tìm lại được niềm vui cuộc sống, em đang ấp ủ về một mái ấm nhỏ cho bản thân mình. Em cũng muốn lắm nhưng phải do duyên trời định nữa anh ạ…”.



Thành Nguyễn