BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI ONKYO 15 NĂM 2017

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng tôi được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, bởi theo mẹ kể thì khi tôi được 3 tháng tuổi, cha tôi đã lên đường vào Nam đánh Mỹ. Từ đó tôi được sống trong tình yêu thương vô bờ của mẹ. Bao nhiêu tình yêu thương mẹ dồn hết cho tôi và nuôi tôi khôn lớn. Tôi cũng đã có những ngày được tung tăng cắp sách tới trường, chạy nhảy trên con đường có hàng phi lao vi vút lúc nào cũng xào xạc tiếng gió đưa đi đưa lại. Hai bên đường là cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay. Tuổi thơ tôi cứ hồn nhiên trong làng quê thanh bình và yên ả. Nhưng thật bất ngờ, mắt của tôi bỗng nhiên khác lạ, lúc nào tôi cũng thấy có một làn sương răng phủ, lúc nào cũng có hàng trăm, hàng ngàn con ruồi, con muỗi cứ chờn vờn như bóng ma chơi. Nhiều lúc tôi đã bực tức đưa tay lên mà khua, mà xua đuổi. Tôi muốn xua tan màn sương khói, tôi muốn tìm lại đôi mắt trong sáng mọi ngày.

           Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu một căn bệnh quái ác đang đến với tôi. Mẹ tôi đã đưa tôi đi hết bệnh viện này đến viện kia. Chẳng biết bác sĩ đã nói gì với mẹ mà tôi thấy mẹ buồn và khóc nhiều lắm. Thấy mẹ khóc, tôi hiểu rằng bệnh của tôi không bình thường và chắc chắn khó mà chữa chạy được nữa.

          Như một đứa trẻ khác hẳn, chẳng vui đùa cười nói, chẳng chuyện trò, tiếp xúc với ai. Tôi luôn thấy bi quan, mặc cảm, cứ lặng lẽ âm thầm như một cái bóng. Đã có khi tôi định tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình, giải thoát cho gia đình bởi tôi biết, tôi là một gánh nặng của gia đình.

Mãi đến năm 1996, bác Lê Văn Giáp – Chủ tịch Hội người mù huyện lúc bấy giờ đã đến tiếp xúc, tâm sự và vận động tôi tham gia sinh hoạt hội. Sau nhiều ngày đắn đo, tôi đã xin tham gia sinh hoạt hội. Được vào hội, gặp gỡ và giao lưu, tâm sự với người có cùng cảnh ngộ, tôi đã phần nào nguôi ngoai nỗi buồn của bản thân. Tôi đã tích cực tham gia các hoạt động của hội như học chữ nổi, học làm tăm, làm chổi, hoàn thành chương trình văn hóa cấp II do huyện hội  và phòng giáo dục phối hợp tổ chức. Ngoài ra, tôi còn tham gia các lớp học ở trung tâm do Trung ương hội, Thành hội tổ chức. Ở lớp nào tôi cũng luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả cao nhất.

Được tham gia học tập, được giao lưu, gặp gỡ với những người đồng tật cũng như mọi người bình thường trong xã hội, tôi đã thay đổi tinh thần, tâm lí. Tôi đã tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống, không còn mặc cảm, tự ti, không còn vẻ mặt lúc nào cũng u sầu, trĩu nặng, không còn suy nghĩ mình là gánh nặng của gia đình và xã hội  như trước đây nữa.

Tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt để tôi thay đổi cuộc đời và sẽ có cuộc sống hạnh phúc vui vẻ hơn, từ đó tôi chăm chỉ làm việc gắn bó với Hội, trao đổi chia sẻ với những người đồng tật và chấp nhận cái bóng tối đã bao lâu nay ám ảnh mà không thấy lối thoát.

Trước đây tôi nghĩ mình không thể như những người con gái bình thường khác, nghĩa là không thể có những hoài bão, ước mơ, nỗi khát khao cháy bỏng có mái ấm riêng và sinh ra những đứa con đáng yêu có lẽ chẳng bao giờ thực hiện được. Tuy nhiên, khi tham gia vào Hội, thường xuyên được trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống và cách nhìn nhận của xã hội ngày càng được cởi mở hơn thì lúc đó tôi mới có ý nghĩ “mình cũng có quyền làm mẹ”. Chính vì vậy tôi đã quyết định thực hiện quyền làm mẹ. Và tháng 5 năm 1999, tiếng khóc trào đời của đứa con yêu dấu cất lên đã khiến tôi không thể cầm được nước mắt, tiếng nấc nghẹn ngào của tôi lại là niềm vui vô bờ bến, không có lời nào có thể tả xiết.

Kể từ đó, ngoài việc tham gia công tác hoạt động Hội, tôi luôn cố gắng học hỏi từ những người bà, người chị, những người có nhiều kinh nghiệm sống để trao đổi hỏi han về cách chăm sóc trẻ thơ. Từ những sự hướng dẫn, sẻ chia ấy, tôi đã dần dần tích lũy thành những kinh nghiệm quý báu cho bản thân. Cuối cùng thì tôi cũng thấy rất mãn nguyện khi mình đã vượt qua được rất nhiều khó khăn và rào cản để có được những kết quả như ngày nay.

Hiện tại con trai tôi đang chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp cấp III và vào đại học. Cháu đã hiểu và rất thương tôi, giúp đỡ tôi rất nhiều, đặc biệt là trong hoạt động công tác Hội. Chính vì thế tôi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được mọi người tín nhiệm và bầu vào Ban chấp hành huyện hội kể từ năm 1999 đến nay.

Cuộc sống quanh ta luôn ẩn chứa biết bao khó khăn, thử thách cũng như cơ hội. Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu không ngừng,  vượt qua những khó khăn, gian nan thử thách và vững bước tiến về phía trước. Hãy tự tin lên, sẽ có ngày chúng ta gặt hái được những thành quả vô cùng ngọt ngào.

 

 

Đỗ Thị Nga – Hội người mù Huyện Hoài Đức