(HNM Hà Nội) - Theo thống kê của ngành chức năng địa phương khi mới thành lập vào năm 1990, Hội người mù huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội có đến 85 % hội viên thuộc diện đói nghèo.
Hai trong nhiều nguyên nhân là do thiếu vốn và không biết cách làm ăn. Bởi “cái khó bó cái khôn”, khi đời sống còn nhiều khó khăn thì việc tiếp cận các nguồn vốn và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất là điều không dễ dàng với người khiếm thị. Kể từ năm 1992, người mù được vay vốn quốc gia giải quyết việc làm theo kênh Trung ương Hội và sau đó là kênh UBND thành phố. Bằng những đồng vốn tình nghĩa mà hội viên đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi cảnh cơ hàn.
Nhìn vào cơ ngơi khang trang của gia đình bác Nguyễn Đỗ Xuyên ở cụm 8A, thôn Bảo Lộc xã Võng Xuyên với gần 100 m2 nhà ở kiên cố được bố trí các phòng khách, ăn ngủ một cách khoa học và hợp lý , mang dáng dấp một gia đình nông thôn thời kỳ đổi mới thì ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không nghĩ được rằng: cách đây chưa lâu gia đình bác thuộc diện đói nghèo nhất nhì trong làng. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, bác được Hội tin tưởng, cho vay 8 lượt với tổng số vốn 118 triệu đồng từ quỹ quốc gia, vốn của tổ chức ADRA và được Huyện mời tham dự các lớp khuyến nông. bác mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gà công nghiệp, lợn siêu nạc, sau hàng chục năm chắt chiu dành dụm từ tiền lãi do chăn nuôi, tiền bán các sản phẩm nông nghiệp bác đã làm được nhà, xây dựng hệ thống chuồng trại, bể bi ô ga vừa tận dụng chất thải của chăn nuôi, đảm bảo chất đốt và điều quan trọng là giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường. Gia đình bác đã thoát khỏi cảnh đói nghèo triền miên, có điều kiện mua sắm các phương tiện phục vụ đời sống và nuôi con theo học đại học.Bác xúc động: -Hội đã tạo cho tôi có vốn để mua con giống, phân bón, thuốc trừ sâu… rồi lại dạy cách làm ăn. Nhờ chăn nuôi phát triển, mỗi năm tôi giành dụm được vài chục triệu. Ngôi nhà mà tôi đang ở là thành quả lao động của cả nhà đấy! Đúng là giúp cái cần câu thì tốt hơn là cho nhau con cá.
Có hoàn cảnh khác bác Xuyên, anh Đặng Văn Thái ở thôn Phù Long Xã Long Xuyên sống trong gia đình tứ đại đồng đường, cả ba anh em bị mù và kém mắt. Mười người phải tá túc trong căn nhà cấp bốn vẻn vẹn 40 m2. Nhiều người nhưng ít tiền nên cuộc sống gia đình luôn trong thế chênh vênh . Mới vào Hội 5 năm nay, anh đã được Huyện hội cho vay một bê giống theo hình thức ngân hàng bò và 73 triệu đồng từ quỹ quốc gia và vốn vay của tổ chức ADRA. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Nhận được tiền vốn anh bàn với vợ mua thêm một bê cái nữa và một con lợn nái. anh chia đất canh tác của gia đình thành 3 loại. Đất tốt sẽ cấy lúa để đảm bảo lương thực, khu đất tiện tưới tiêu trồng rau và giành ra 240 m2 để trồng cỏ. Anh tính toán: -Hàng năm gia đình tôi cấy 5 sào 2 vụ ăn chắc nên lương thực là không phải lo rồi, bán rau mầu đi sẽ có tiền tiêu hàng ngày và chi phí học hành cho các con. Còn 2 bò cái và lợn nái nếu thuận buồm xuôi gió mỗi năm tôi cũng có khoảng 50 đến 60 triệu đồng. Đây là của để giành. Sau 5 năm nữa gia đình sẽ tu sửa nhà cho rộng rãi một chút. Cổ nhân đã dạy: đêm nằm bằng năm ở mà.
Để đồng vốn thực sự có hiệu quả, Huyện hội đã mở gần chục lớp khuyến nông với sự tham vấn của các kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi cung cấp tới hội viên những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Do đó 100 % người vay sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm nay không có trường hợp nợ đọng.
Nói về việc sử dụng vốn vay và tác dụng thiết thực với đời sống hội viên, chị Hoàng Thị Cúc-Phó chủ tịch phụ trách công tác Lao động sản xuất và chăm sóc đời sống hội viên vui vẻ cho biết:
-Nhờ được tiếp cận các nguồn vốn nên hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đẩy lùi đói nghèo, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nghèo giảm nhanh chóng từ 33,7 % năm 2010 xuống còn 9,5 % vào thời điểm hiện tại. Huyện hội luôn được lãnh đạo và Ngân hàng Chính sách Xã hội đánh giá là một trong những đơn vị sử dụng vốn vay có hiệu quả. Hiện nay Huyện hội có số dư nợ là 1 tỷ 155 triệu đồng vốn quỹ quốc gia và vốn của tổ chức phi chính phủ ADRA. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục quản lý tốt, động viên bà con sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả đúng hạn để giữ chữ tín với Nhà nước.
Qua hơn 20 năm thực hiện chương trình cho người mù vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm có thể khẳng định: đây là sự thành công to lớn trong hoạt động Hội. Vốn vay được coi là chiếc cần câu cơm của người khiếm thị Phúc Thọ.
Đàm Quyết Tiến (Hội người mù Huyện Phúc Thọ)
Newer news items:
- NÂNG CAO VỊ THẾ CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ HOÀNG MAI - 10/01/2017 08:42
- VINH DANH 9 THANH NIÊN KHIẾM THỊ TIÊU BIỂU THỦ ĐÔ HÀ NỘI - 10/01/2017 07:29
- TƯỞNG NHỚ NGƯỜI THẦY MANG ÁNH SÁNG VĂN HOÁ CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ THỦ ĐÔ - 09/01/2017 07:23
- TRAO QUÀ TẾT CHO NGƯỜI MÙ CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT TẠI THỊ HỘI SƠN TÂY - 03/01/2017 03:03
- NGƯỜI KHIẾM THỊ HỌC LÀM BÁO - 03/01/2017 02:50