Sáng ngày 9/9, Hội người mù TP Hà Nội đã tổ chức Lễ tưởng nhớ 25 năm ngày mất của thầy Nguyễn Chí Thiện (11/8 năm Tân Mùi – 11/8 năm Bính Thân) – người mang và dạy chữ Braille cho người khiếm thị miền Bắc nói chung và người khiếm thị Hà Nội nói riêng. 

 

Những tiếng hát đầy cảm xúc của các học viên năm xưa dành cho thầy Nguyễn Chí Thiện

Tại buổi lễ, những người khiếm thị Hà Nội đã dành giây phút lắng đọng để tưởng nhớ và tri ân đến người thầy tôn kính Nguyễn Chí Thiện. Đặc biệt là những câu chuyện, những lời thơ, tiếng hát đầy cảm xúc của các học viên dành cho thầy Nguyễn Chí Thiện đã làm tăng thêm sự xúc động và lòng biết ơn sâu sắc tới người thầy đầu tiên mang chữ Braille – “ánh sáng văn hoá” cho những người khiếm thị miền Bắc.     

Câu chuyện của thầy Nguyễn Chí Thiện (1911-1991) lưu trong lịch sử hình thành Hội người mù Hà Nội xin được tóm tắt như sau: Đầu  thập kỷ 1940, ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, vẫn chưa có trường dạy học sinh mù. Người mù vẫn phải chịu cảnh dốt nát, thất học. Cuối năm 1943, đầu năm 1944, trong cái giá rét mùa đông xứ Bắc, hàng ngày, trên đường phố Hà Nội người ta thấy xuất hiện một thanh niên mù được vợ dắt đi gõ cửa các cơ quan, chính quyền, các hiệu buôn, cửa hàng thuốc, nhà những người có thế lực, từ thiện, hảo tâm… vận động xin mở trường dạy trẻ em và người lớn mù ngoài Bắc. Đó là ông và bà Nguyễn Chí Thiện. Ông Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 13 tháng 06 năm 1911 ở Nam bộ và là con một gia đình trung lưu có học. Thời niên thiếu là một học sinh giỏi, ưa hoạt động và ham thích thể thao. Năm 20 tuổi, khi đang học trung học, trong một lần đá bóng, do một cú đánh đầu quá mạnh, ông bị chấn thương và hỏng hoàn toàn hai mắt. Năm 25 tuổi, ông vào học ở trường công lập cho học sinh khiếm thị ở Sài gòn và là một trong 05 học sinh giỏi của trường. Tại đây, ngoài văn hóa, ông còn học và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau, học nghề xoa bóp và nhiều nghề thủ công. Năm 1942, ông thành hôn với bà Nguyễn Thị Huỳnh, một nữ nhân viên sáng mắt của trường, người sau này gắn bó và góp phần rất lớn vào sự nghiệp của ông. Khi được biết tin ngoài Bắc vẫn chưa có chữ nổi, chưa có trường dạy người mù, với khát vọng cháy bỏng mang ánh sáng văn hóa đến cho các đồng tật ngoài Bắc, ông Thiện đã cùng người vợ mới cưới, trốn nhà; mang theo một số tiền và tư trang đi cùng đoàn thanh niên xứ Bắc ra Hà Nội, nơi hoàn toàn xa lạ với ông bà để tìm cách mở trường dạy người mù. Ngôi trường mà ông Nguyễn Chí Thiện đã vận động thành lập được mang tên Trường Chuyên nghiệp dạy người mù.

Ngôi trường dạy văn hóa, quan trọng hàng đầu là viết đọc chữ braille, học đánh vần, tập đọc, viết chính tả; làm các phép tính. Tiếng Pháp được dạy ngay từ lớp một. Về âm nhạc, các học sinh được học ký xướng âm bằng chữ braille ngay từ lớp một. Lên lớp trên, học sinh có thể bắt đầu học đàn. Về nghề thủ công, các học sinh được học đan lẵng hoa, đan làn bằng dây thép một ly chạy qua một công cụ có rãnh nên dễ đan và giữ đều được cự ly. Ngoài ra, còn học đan áo len, mũ len do bà Huỳnh dạy. Năm 1954, học sinh còn học thêm nghề dệt chiếu. Trường chữ nổi đầu tiên do cụ Nguyễn Chí Thiện thành lập đã góp phần đáng kể, tạo đà, tạo lực cho người mù Hà Nội vươn lên thay đổi cuộc sống, địa vị và thay đổi cách nhìn đối với họ và những người đồng tật. Cụ Nguyễn Chí Thiện mất năm 1991 tại Thành phố Hồ Chí Minh và được an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

 Thành Nguyễn