Câu chuyện tình của anh Lê Xuân Trung (1965) và chị Phùng Thị Hà (1965) ở thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông (Sơn Tây, Hà Nội) được nhiều người dân nơi biết đến và coi đó như một câu chuyện “cổ tích tình yêu” thời hiện đại. Quen nhau qua những những buổi họp mặt ở trung tâm hội người mù thị xã Sơn Tây, rồi đến với nhau bằng sự đồng cảm, giờ đây hai anh chị đã có một mái ấm gia đình tràn đầy hạnh phúc.
Đến xã sơn đông (Sơn Tây, Hà Nội) hỏi nhà anh Trung chị Hà, những người dân nơi đây không ai là không biết. Họ hết lời khen ngợi đôi vợ chồng khuyết tật song lại có nghị lực phi thường ấy. Theo sự chỉ dẫn của những người cùng làng, chúng tôi đến căn nhà đơn sơ nhưng ấm áp của vợ chồng anh Trung, đúng lúc hai anh chị đang dọn dẹp những bó chổi cho ngăn nắp sau một buổi làm việc.
Vợ chồng anh Trung là những người có cùng cảnh ngộ, họ quen nhau nhờ những lần gặp gỡ ở Trung tâm người mù thị xã Sơn Tây. Đó chính là điểm hẹn cho họ gặp nhau và trở thành những người bạn tốt. Rồi tình yêu bắt đầu nảy nở từ những lần gặp gỡ đó cùng những ngày anh Trung chở chị về nhà trên chiếc xe đạp.
Ảnh: Anh Trung, chị Hà yêu nhau bằng sự đồng cảm số phận
Nhớ lại những ngày đầu gặp nhau chị Hà kể: “Thường ngày sau khi tan buổi họp trong Trung tâm người mù, anh Trung thường tình nguyện chở tôi về bằng xe đạp, đường thì xa, mắt lại kém. Vậy mà ngày mưa cũng như ngày nắng anh Trung không hề thấy sờn lòng, lúc nào cũng vui vẻ. Nhiều lần trong thâm tâm tôi cảm thấy rất sợ sẽ yêu anh ấy. Rồi sợ là anh ấy mà thích mình sẽ không biết phải làm thế nào khi cả hai người đều mang khuyết tật thì làm sao có thể lo cho cuộc sống gia đình?”. Chính vì thế chị Hà lúc nào cũng đấu tranh tư tưởng để giữ vững lí trí của mình.
Thế nhưng không lâu sau, chị Hà đã không thể kìm nén những rung động của trái tim và họ đã yêu nhau từ khi nào không hay. Có lẽ kỷ niệm kiến chị Hà không bao giờ quên được đó là lần bị ngã xe đạp và đó cũng là lúc mà tình cảm của chị trỗi dậy mãnh liệt nhất. Trong một lần anh Trung chở chị về dưới trời mưa, đường trơn, mắt lại kém nên đi rất khó khăn. Lúc ấy không hiểu sao tâm trạng chị có gì đó bất an, chị dặn anh Trung đi chầm chậm và cẩn thận. Vậy mà bỗng dưng có tiếng còi xe của chiếc xe ô tô ngược chiều đi nhanh qua. Anh trung vội vã tránh xe, loạng choạng thế nào chiếc xe đạp mất lái lao thẳng xuống ruộng. Trong khoảng khắc hoảng loạn đó, cảm xúc trong lòng chị Hà dấy lên một cách khó tả, chị vô cùng lo lắng cho người đàn ông thường hay đèo mình. Khi cả hai dắt nhau lóp ngóp bò lên bờ, toàn thân lấm lem bùn đất, và cũng từ lần đó chị Hà đã yêu anh Trung…
Ảnh: Chị Hà kể về cuộc đời mình
Nghe vợ kể đến đây, anh Trung bẽn lẽn cười và xiết chặt bàn tay của vợ và tâm sự “Mắt tôi cơ bản đã mù tới 60 - 70% nên việc đi xe đạp là một sự cố gắng rất lớn. Khi đi xe đạp mắt tôi nhìn cũng chỉ mờ mờ để tránh ô tô và xe máy, trong lúc chở Hà cũng đã nhiều lần gặp sự cố, nhưng tôi vẫn cố gắng vì trong lòng tôi thực sự đã yêu Hà mà không dám nói, chỉ dám thể hiện bằng hành động cho cô ấy hiểu. Nhưng cũng chính lúc gặp sự cố, hai tâm hồn chúng tôi đã xích lại gần và nương tựa vào nhau”.
Chị Hà chia sẻ: “Khoảng thời gian đến tuổi cặp kê, nhìn bạn bè ríu rít gọi nhau đi chơi dưới ánh trăng đêm mà lòng tôi thổn thức. Nhưng lúc đó tôi đã nghĩ cái quyền được yêu, được thương thì không ai có thể ngăn cấm được, tôi cũng muốn được hò hẹn như mọi người nhưng chỉ buồn một nỗi không có ai có đủ can đảm để yêu, để chấp nhận một người con gái khuyết tật như mình. Nhưng khi đến với trung tâm Hội Người Mù thị xã Sơn Tây tôi như đã tìm lại được niềm vui của mình. Ở đây may mắn gặp được anh Trung và những người bạn cùng hoàn cảnh, họ là những người bạn rất thân thiết thường xuyên an ủi giúp đỡ tôi vượt qua mọi mặc cảm, khó khăn. Rồi từ đó chúng tôi đến với nhau bằng một tình yêu giản dị, chân thành”
Hạnh phúc dung dị của đôi vợ chồng mù
Chị Hà cho biết thêm: “Thời gian đầu thấy anh Trung đưa đón tôi bố mẹ cũng đã hỏi tôi mấy lần nhưng tôi bảo chỉ là bạn bè bình thường. Đến khi biết chuyện tôi và anh Trung có tình cảm với nhau thì gia đình đã tỏ thái độ phản đối. Vì bố mẹ vô cùng lo lắng cho cuộc sống của con tôi, bởi vì một người hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng, giờ lại yêu một người khuyết tật mắt nữa thì cuộc sống sẽ ra sao?. Đó cũng là điều khiến tôi cảm thấy dằn vặt nhất. Nhưng nghĩ đến tình yêu mà anh Trung dành cho mình, bản thân như được tiếp thêm sức mạnh và không hề nản chí. Tôi tiếp tục thuyết phục bố mẹ bằng lòng cho tình yêu của mình”.
Cuối cùng trời không phụ người, bố mẹ chị Hà cũng đã hiểu tấm lòng của con gái và thuận cho tình yêu của hai người. Thế nhưng khi bố mẹ chị Hà đồng ý cho hai người đến với nhau, đến lượt bố mẹ anh Trung lại kiên quyết phản đối, nhiều lần anh Trung thưa chuyện với gia đình, bố anh đã nóng giận đuổi anh ra khỏi nhà và nói rằng: “Hai đứa mà lấy nhau thì không được bước chân về nhà này”.
Dù cho gia đình bên chồng một mực phản đối, nhưng tình yêu của anh chị đủ lớn để đương đầu với những sóng gió, anh chị vẫn quyết tâm đến với nhau bất chấp sự ngăn cản của gia đình anh Trung. Năm 1996 hai người đã tổ chức đám cưới nho nhỏ trong niềm vui hân hoan của các bạn bè và người thân bên phía nhà gái”.
Bằng tình yêu và nghị lực vượt lên số phận của mình, anh chị đã quyết tâm làm kinh tế để trang trải cuộc sống và có thể lo lắng cho các con sau này, đồng thời mong cho phía gia đình anh Trung có thể thông cảm và chấp nhận sự lựa chọn gắn bó của anh chị. Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó nên anh Trung và chị Hà đã dần dần vượt qua khó khăn. Không bao lâu sau khi cưới ngôi nhà nhỏ của anh chị đón thêm hai bé gái xinh xắn, bụ bẫm đáng yêu. May mắn thay, cả hai cô con gái của anh chị đều có đôi mắt sáng, khỏe mạnh. Cô con gái đầu hiện đang học lớp 11 còn bé thứ hai đang học lớp 2.
Cuộc sống cứ thế bình dị cứ thế trôi đi, mỗi ngày chị Hà ở nhà cần mẫn làm chổi và tăm, còn anh Trung, buổi sáng giúp vợ bó chổi. Buổi chiều tối, anh lại ra trung tâm tẩm quất người mù ở ngay đường quốc lộ 21 làm thêm. Mặc dù có kinh tế gia đình chưa hẳn đã thoát khỏi khó khăn, nhưng anh Trung và chị Hà luôn luôn vui vẻ, không bao giờ mặc cảm về số phận và không quản ngại gian khó để xây dựng một cuộc sống tốt hơn mỗi ngày.
Năm 13 tuổi, chị Hà bị một đứa trẻ trong làng ném chiếc chổi quét vôi vào mắt. Sau khi mổ bác sĩ kết luận mắt trái chị bị mù vĩnh viễn, mắt phải bị tổn thương nặng. Tưởng như nỗi đau đã qua đi, nhưng 1 năm sau đó chị lại gặp một tai nạn quái ác của đứa trẻ trong xóm đã ném hòn sỏi vào mắt còn lại của chị và một lần nữa “bên cửa sổ tâm hồn” còn lại đã đóng hẳn. Thời gian đầu bị hỏng mắt chị Hà trở nên co cụm và xa lánh mọi thứ. Cũng có lần chị Hà đã ra sông để tìm đến cái chết, nhưng rồi lúc đó chị nghĩ đến bố mẹ, anh em người thân nên chị lại thôi.
Khác với vợ mình, anh Trung là con trai thứ tư trong gia đình có năm anh chị em. Anh sinh ra và lớn lên tại thị xã Sơn Tây. Hồi còn nhỏ anh bị lên sởi, di chứng để lại sau này làm đôi mắt của anh bị lòa. Không mặc cảm với bản thân anh Trung lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời, không ngại khó, ngại khổ luôn cố gắng vượt qua mọi rào cản để vươn lên trong cuộc sống.
Newer news items:
- Người mù Việt Nam đầu tiên hoàn thành half marathon nhờ tình yêu của vợ - 07/05/2018 07:03
- VĐV khiếm thị chinh phục Mã Pí Lèng bằng niềm tin - 07/05/2018 03:38
- Khâm phục ý chí của một người phụ nữ khiếm thị Phú Xuyên - 11/04/2018 03:19
- Nhớ mẹ - 09/03/2018 07:43
- Một người khiếm thị giàu lòng nhân ái - 08/02/2018 01:56
Older news items:
- 'Nữ sinh viên xương rồng' đáng ngưỡng mộ ở Thủ đô - 06/02/2018 06:51
- Chữ Braille trong cuộc đời tôi. - 10/01/2018 08:01
- “Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc sống đối với người mù” - 10/01/2018 07:59
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:54
- Tầm quan trọng và việc ứng dụng một cách sáng tạo chữ Braille trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:50