BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI ONKYO 15 NĂM 2017
Có ai đó đã nói rằng: Người mù mà không biết chữ nổi thì có nghĩa là bị mù thêm một lần nữa. Tôi thấy điều đó thật đúng với cuộc đời tôi. Nói như vậy bởi, nếu chúng ta bị mù tức là không nhìn thấy mọi vật,chúng ta muốn làm việc gì cũng sẽ rất khó khăn. Nhưng khi chúng ta đã được học chữ nổi, tức là chúng ta sẽ biết đọc, biết viết, được mở rộng hiểu biết, được nâng cao kiến thức, được gặp gỡ và giao lưu, học hỏi và chia sẻ với những người cùng cảnh ... tự nhiên mọi thứ sẽ trở lên dễ dàng hơn rất nhiều. Vậy là, với người mù thì chữ nổi có vai trò hết sức quan trọng. Để minh chứng cho điều này, tôi xin chia sẻ một phần về cuộc đời của tôi từ khi bị mù.
Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông đáy xanh trong và thơ mộng . Tuổi thơ của tôi cũng như bao bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tới trường. Học hết trương trình phổ thông tôi vào bộ đội bảo vệ tổ quốc. Hoàn thành nghĩa vụ, tôi chở về quê hương xây dựng gia đình. năm 1998 tôi thấy mắt mình có hiện tượng đau mắt, tôi đi khám thì các bác sĩ kết luận mắt tôi bị viêm màng bồ đào hacađa. Sau nhiều lần điều trị tại bệnh viện mắt trung ương, bệnh tình của tôi ngày càng xấu đi. Cuối cùng các bác sĩ đành phải mổ bỏ. Từ năm 2002 tôi hoàn toàn sống trong bóng tối khổ đau và buồn tủi, mặc cảm tự ti, không biết cuộc sống sẽ đi về đâu khi mình đang ở độ tuổi chính của cuộc đời. Không khuất phục trước số phận chớ trêu của mình, tôi bắt đầu tập làm những việc đơn giản trong gia đình. Mặc dù đã quen với cuộc sống trong bóng tối nhưng tôi vẫn thấy vô cùng buồn bực, bức xúc bởi, khi nghe đài hay tivi phổ biến những kiến thức bổ ích, tôi không làm thế nào để ghi lại được. Trong công việc hàng ngày, không thể ghi chép, thống kê được các khoản thu chi của gia đình, số nguyên liệu nhập vào, số lượng hàng bán ra, hoặc là muốn chép lại những đề toán để cùng giải với các con cũng đành chịu, chẳng biết làm thế nào. Lúc còn sáng mắt tôi nghe nói có một thứ chữ dành riêng cho người mù. Tôi đã bảo vợ đưa đến nhà bác Lê Văn Giáp - chủ tịch hội người mù huyện Hoài Đức lúc bấy giờ để tìm hiểu và được bác hướng dẫn cho cách học chữ nổi. Sau đó bác còn tặng tôi một bộ bảng bút chữ nổi. Được bác hướng dẫn nhiệt tình, tôi nhanh chóng sử dụng thành thạo chữ nổi và chữ nổi Braille đã đóng vai trò hết sức quan trọng cũng như đem đến cho tôi những cơ hội thật quý giá.
Nhờ việc tìm học chữ nổi mà đầu năm 2003 tôi được các bác ở hội người mù huyện Hoài Đức biết đến, vận động tôi tham gia sinh hoạt hội. Từ đó, tôi đã thường xuyên ra hội để hỏi thêm về các kí hiệu chữ nổi như cách viết số, các loại dấu cộng, trừ, nhân, chia, các loại ngoặc đơn, ngoặc kép … Rồi mượn sách, mượn báo chữ nổi về luyện đọc. Do sử dụng thành thạo chữ Braille nên tôi đã được cử đi học các lớp do thành hội người mù Hà Nội cũng như trung tâm phục hồi chức năng và đào tạo cán bộ của hội người mù Việt Nam tổ chức. Nhờ thế mà tôi đã được hội viên tín nhiệm bầu vào ban chấp hành hội Hoài Đức nhiệm kì VI. Nhiệm kì VII và VIII tôi đều được bầu giữ chức phó chủ tịch hội. Trong công tác, tôi đã dùng chữ nổi Braille để ghi lại tất cả các loại danh sách như: Danh sách hội viên, danh sách hội viên tham gia các dự án vay vốn, các lớp tập huấn, các hội nghị, các câu lạc bộ chuyên đề, các hoạt động tham quan, lễ chùa, nghỉ mát...
Như vậy, chữ nổi đã đem lại cho tôi cơ hội được tham gia nhiều khóa đào tạo, được làm việc và có thu nhập để san sẻ gánh nặng gia đình bấy lâu chất trồng lên vai vợ tôi.
Nhiều khi tôi đã ngồi và tự hỏi mình rằng: Nếu không có chữ nổi thì bây giờ mình ra sao? Chắc chắn rằng, cuộc sống của tôi sẽ rất vô nghĩa, rất tẻ nhạt, tôi sẽ không được tham gia công tác hội và đặc biệt là không thể nâng cao, mở rộng hiểu biết của mình như bây giờ.
Mặc dù, hiện nay, công nghệ thông tin như máy tính, điện thoại cảm ứng đã vô cùng phát triển, ddax có những phần mềm đọc màn hình để hỗ trợ cho chúng ta xong, chữ nổi Braille vẫn còn nguyên giá trị, vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của những người mù. Nói như vậy bởi những gì được sờ đọc sẽ được lưu giữ lại trong não của chúng ta lâu hơn, sâu sắc hơn, cụ thể và rõ ràng hơn những gì chúng ta chỉ được nghe bằng đôi tai.
Trước khi kết thúc bài viết của mình, tôi chỉ có một mong muốn rằng, thông qua cuộc thi này, những người mù sẽ ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống chữ nổi Braille để cùng giữ gìn và phát huy tác dụng của nó nhiều hơn nữa trong cuộc sống.
Nguyễn Bá Hoàn – Hội người mù Huyện Hoài Đức
Newer news items:
- Khâm phục ý chí của một người phụ nữ khiếm thị Phú Xuyên - 11/04/2018 03:19
- Nhớ mẹ - 09/03/2018 07:43
- Một người khiếm thị giàu lòng nhân ái - 08/02/2018 01:56
- Chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng mù vượt qua “bóng đêm số phận” - 07/02/2018 01:33
- 'Nữ sinh viên xương rồng' đáng ngưỡng mộ ở Thủ đô - 06/02/2018 06:51
Older news items:
- “Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc sống đối với người mù” - 10/01/2018 07:59
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:54
- Tầm quan trọng và việc ứng dụng một cách sáng tạo chữ Braille trong cuộc đời tôi - 10/01/2018 07:50
- Ngọn đuốc “thắp sáng” tương lai người khiếm thị - 10/01/2018 07:48
- Những kinh nghiệm và cơ hội trong cuộc sống đối với người mù - 22/08/2017 07:35