Đang ở độ tuổi 17- tuổi đẹp nhất của cuộc đời - nhưng một biến cố đã cướp đi đôi mắt của chàng trai trẻ Trần Thế Đạt (sinh năm 1989, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì). Tưởng chừng bóng tối sẽ che phủ cuộc đời Đạt từ đây, thế nhưng với nghị lực phi thường, chàng thanh niên đã làm được những điều đáng khâm phục. 

Đạt đã thi đỗ hai trường đại học, nhận được học bổng du học Úc và giờ đây đang là Chủ tịch trẻ nhất trong các cấp lãnh đạo Hội người mù TP Hà Nội.

Gặp Đạt trong một chiều đầu Hạ 2017, nhìn dáng vẻ khoan thai, tự tin, với ngoại hình thu hút người đối diện, khó ai biết được rằng Đạt cũng phải mất 3 năm trời lủi thủi trong sự cô đơn, lầm lũi trong mặc cảm, tự ti của chính mình.

Anh Trần Thế Đạt trong buổi trao quà từ thiện.

Sinh ra, lớn lên trong gia đình bố mẹ làm nông, tưởng chừng cuộc sống Thế Đạt cứ thế trôi đi bình lặng, yên ả như vùng quê ngoại ô của mình. Nhưng khi đang là học sinh lớp 11, từ một thanh niên khỏe mạnh, điển trai, yêu đời, bất ngờ anh mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Gia đình vốn dĩ bao năm bình yên nay cũng như gặp phải gió bão, bố mẹ đã phải dùng tất cả những đồng tiền mà suốt một đời họ dành dụm được để chạy chữa cho Đạt. Thế nhưng, do quá muộn và cũng do bệnh tật vô tình, thứ bệnh ấy tàn nhẫn lấy đi vĩnh viễn đôi mắt sáng trong của chàng thanh niên 17. Thay bằng những màu sắc tươi đẹp, những hình ảnh thường nhật trước kia, giờ đây đôi mắt chỉ chìm trong bóng tối.

Với giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, anh kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, về những kỷ niệm tuổi thơ, về gia đình và cả một nỗi đau quá lớn anh từng phải trải qua. Thi thoảng, giọng nói ấy ngừng lại, len lỏi trong những đoạn ngắt quãng đó là thứ cảm xúc khiến người ta chạnh lòng. Anh kể rằng, trong suốt 3 năm chìm trong tuyệt vọng, anh không làm gì cả.

Nhưng nhờ những lời động viên của gia đình, anh dần nguôi ngoai, vì anh hiểu, không thể trách cuộc đời bất công mà buông xuôi cuộc đời mình thành vô định. Vì vậy, anh lựa chọn tham gia vào hoạt động tại Hội Người mù huyện Thanh Trì. Cũng từ lúc ấy, cuộc đời anh rẽ bước sang trang khác. Anh nói, dù không cho lại đôi mắt vẹn nguyên trước đây nhưng từ khoảnh khắc đó, cuộc đời Đạt như “sáng lại”.

Anh cười và bảo với tôi, không nghĩ rằng nơi đầu tiên mình tìm đến để làm lại cuộc đời sau bệnh tật giờ đây lại là trụ sở làm việc của anh, nó như một cơ duyên lạ lùng. Anh cảm ơn những người khiếm thị tại đây đã giúp anh thay đổi tư duy về bệnh tật, cho anh một niềm tin, một mục tiêu để hướng tới.

Năm 20 tuổi được đánh dấu như sự hồi sinh mới cho chàng thanh niên trẻ, Đạt quyết định đi học chữ nổi, học sử dụng máy tính. Không những vậy, bỏ qua mặc cảm trước kia, anh làm đơn xin vào Trường PTTH Nguyễn Văn Tố (47 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm) để tiếp tục học cấp 3.

Đoạn đường từ nhà tới trường hơn 30km, nhiều người không khỏi giật mình khi biết được, những năm tháng ấy, anh đã tự mình bắt xe buýt đến trường. Và rồi, sau bao ngày vất vả, khó khăn, anh mang về tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 như một minh chứng, vượt qua số phận nghiệt ngã.

Câu chuyện của chúng tôi bỗng dừng lại bởi anh cần tìm tài liệu cho đồng nghiệp. Nhìn cách anh thao tác thành thục trên máy tính như người bình thường, tôi không khỏi giật mình. Chưa kể tới, toàn bộ thao tác đó, đều nhờ sự hướng dẫn của một phần mềm hoàn toàn bằng tiếng Anh khiến tôi càng nể phục.

Đạt kể, anh có thể dùng máy tính, đọc báo hay có thể lên facebook như người mắt sáng. Vừa nói, tay anh vừa ấn bàn phím, hướng dẫn về cách sử dụng cho tôi nghe. Cứ mỗi phím ấn lên, lại kéo theo một lệnh tiếng Anh mà phải khéo lắm tôi mới có thể hiểu được nghĩa. Nhưng tay anh cứ thoăt thoắt và luôn miệng dịch cho tôi nghe những lệnh ấy là gì.

Ngạc nhiên trước trình độ tin học cũng như sự thông thạo ngoại ngữ của anh, không nén nổi tò mò, tôi buột miệng hỏi anh cách tiếp cận, học hỏi. Trên khuôn mặt điển trai khẽ nở một nụ cười, anh nói: “Tin học và ngoại ngữ, với tôi như một thứ đam mê, vì vậy, thay vì học, tôi quyết tâm theo đuổi và chinh phục nó”.

Và có lẽ từ suy nghĩ ấy cũng như nhờ những thành tích xuất sắc trong căn phòng tiếng Anh nhỏ của Hội Người mù huyện, anh đã “cất cánh” vào làm việc và quản lý chương trình “Vì một ngày mai tươi sáng” của tổ chức ACCV (Úc).

Không chỉ dừng lại ở đó, đến giữa năm 2011, để theo đuổi đam mê cũng như góp phần giúp những người cùng cảnh ngộ, Đạt đã cùng tổ chức trên thành lập một câu lạc bộ tiếng Anh dành riêng cho người khiếm thị tại Hội đồng Anh (20 Thụy Khuê), tạo sân chơi riêng cho người khiếm thị được học hỏi, phát triển vốn ngoại ngữ của mình.

Cuộc đời lẽ cướp đi đôi mắt của anh nhưng cuộc đời không thể lấy mất niềm tin và sự cố gắng, không ai có thể ngờ, chàng thanh niên khiếm thị không những thi đỗ vào 2 trường Đại học, lại có thể giành về cho mình một khóa học bổng tại Úc.

Ngày từ Úc trở về, anh đã mang những kiến thức mình tiếp thu được cho những người cùng cảnh ngộ, từ cách đi gậy, cách đặt gậy, cách sử dụng gậy hiệu quả để nhận biết các vật cản trên đường đi. Ngoài ra, anh còn giới thiệu và đưa vào sử dụng rộng rãi phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị có thể sử dụng máy tính thuận tiện thông qua hệ thống âm thanh kèm theo.

Từ những nỗ lực bản thân, vượt qua nỗi đau của chính mình, chàng thanh niên tưởng như bất hạnh năm nào, từng gục ngã, từng thu mình giờ đây đã trở thành Chủ tịch Hội Người mù huyện Thanh Trì. Sẽ chẳng có gì đáng nói, ngày Đạt được bổ nhiệm, anh mới chỉ 26 tuổi và anh trở thành Chủ tịch trẻ tuổi nhất trong các cấp lãnh đạo Hội người mù Thành phố Hà Nội.

Thế Đạt không chỉ là tấm gương để cho những người bạn trẻ khuyết tật khác nhìn theo, tiếp nối mà có lẽ, anh còn là tấm gương sáng để cho những người trẻ bình thường noi theo.

 

 Theo http://laodongthudo.vn